Xuân sớm nơi hải đảo

11/01/2019 - 07:32

 - “Ăn Tết ngoài hải đảo cũng nhớ nhà lắm, nhưng có đoàn công tác từ trong đất liền ra thăm, bọn em thấy vui và ấm lòng hơn rất nhiều. Đó là niềm động viên cán bộ, chiến sĩ ra sức hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc” - chiến sĩ Nguyễn Minh Quân, làm nhiệm vụ trên Trạm ra đa 600 đã xúc động chia sẻ như thế trước chuyến thăm, chúc Tết của đoàn công tác các tỉnh, thành phố phía Nam, các doanh nghiệp cùng các cơ quan báo chí trong nước đến đảo Nam Du (huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang).

Đoàn công tác An Giang chụp hình lưu niệm cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo Hòn Đốc

Tự hào lịch sử hào hùng

Tính từ cửa sông Gềnh Hào (Bạc Liêu) đến Hà Tiên (Kiên Giang), vùng biển Tây Nam do Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân quản lý có chiều dài hơn 450km, diện tích rộng 150.000km2, ranh giới biển tiếp giáp các nước Campuchia, Thái Lan, Malaysia và Indonesia. Vùng biển này có trên 130 đảo lớn, nhỏ thuộc 5 quần đảo (An Thới, Hải Tặc, Bà Lụa, Nam Du, Thổ Chu) cùng một số đảo độc lập. Trong đó, đảo Phú Quốc (thuộc quần đảo An Thới) có diện tích 567km2, là đảo lớn nhất Việt Nam, nằm ở phía Tây Nam Bộ, cách bờ biển Campuchia 12,5km, cách Hà Tiên 45km, cách Rạch Giá 111km.

Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh An Giang Nguyễn Tiếc Hùng chúc Tết cán bộ, chiến sĩ trên đảo

Nhìn con số tổng thể trên để thấy rằng, vùng biển Tây Nam có vị trí địa kinh tế, địa chính trị rất thuận lợi cho dân cư sinh sống, xây dựng các cơ sở dịch vụ nghề cá, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân và an ninh nhân dân trên biển, kết hợp kinh tế với quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, với diện tích rộng lớn, vẫn còn tồn tại vùng nước lịch sử Việt Nam - Campuchia (khoảng 16.000km2), vùng chồng lấn Việt Nam - Malaysia (khoảng 2.800km2) nên công tác quản lý gặp nhiều khó khăn. Trong lịch sử, vùng biển Tây Nam đã từng bị hải quân Khmer đỏ xâm lấn. Ngày 10-5-1975, chúng chiếm đóng đảo Thổ Chu, bắt và giết hại hơn 500 đồng bào ta đang làm ăn, sinh sống trên đảo. Các đơn vị tiền thân của Vùng 5 Hải quân đã hiệp đồng chặt chẽ với lực lượng vũ trang Quân khu 9, Quân chủng Phòng không - Không quân đánh chiếm lại đảo Thổ Chu và tiến công quân Khmer đỏ ở đảo Polovai, kiên quyết trừng trị và đập tan ý đồ, âm mưu xâm chiếm biển, đảo Việt Nam.

Sau khi thành lập (26-10-1975), Vùng 5 duyên hải (sau đổi thành Vùng 5 Hải quân vào ngày 27-10-1978) đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức xây dựng lực lượng, tiếp tục chiến đấu, bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc. Sau đó, tiếp tục hoàn thành 10 năm nhiệm vụ quốc tế vẻ vang. Hiện nay, các lực lượng của Vùng 5 đóng quân trên 9 địa điểm thuộc 3 tỉnh, thành phố gồm: Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Đốc, Rạch Sỏi (Kiên Giang), Hòn Khoai, Hòn Chuối, Năm Căn (Cà Mau) và TP. Cần Thơ.

“Đảo là nhà, biển cả là quê hương”

Đó là câu cửa miệng được những người lính hải quân, bộ đội biên phòng cũng như những người làm nhiệm vụ trên đảo nhắc đến. Nhờ suy nghĩ ấy, bộ đội trên đảo luôn rèn luyện bản lĩnh kiên định, vững vàng, ý chí chiến đấu cao, yên tâm gắn bó xây dựng đơn vị, giúp đỡ nhân dân trên đảo phát triển sản xuất, ổn định đời sống.

Chuyển quà từ đất liền lên đảo

Tham gia cùng đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức (gồm đại biểu các tỉnh, thành phố phía Nam, đại diện Trung ương Đoàn, các doanh nghiệp cùng các cơ quan báo chí trong cả nước) đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng biển, đảo Tây Nam của Tổ quốc, chúng tôi phần nào cảm nhận được những khó khăn, vất vả, những đóng góp to lớn của các lực lượng và người dân trên các đảo. “Ba năm gần đây đỡ hơn nhiều rồi. Đường từ bến cảng lên đỉnh đảo được trải nhựa, xe máy lưu thông thuận tiện. Dân cư giờ cũng đông đảo, sung túc hơn trước. Dù vẫn còn xài máy phát điện (chưa có điện lưới quốc gia) nhưng nhờ có gắn thêm những tấm pin năng lượng mặt trời nên nhu cầu điện cho sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”- ông Bùi Đức Nha, nhân viên Trạm hải đăng Nam Du (thuộc Công ty Bảo đảm an toàn hàng hải Tây Nam Bộ, đơn vị của Bộ Giao thông - Vận tải) thông tin.

Ông Nha đến với đảo Nam Du (thuộc huyện đảo Kiên Hải, Kiên Giang) năm 1996 nên đã chứng kiến toàn bộ những mất mát, đau thương do cơn bão Linda (bão số 5, năm 1997) gây ra đối với ngư dân khu vực này. “Sóng biển nhô cao, tràn lên khỏi bãi Nam Du. Tàu cá bị đánh chìm tơi tả, xác ngư dân trôi dạt khắp nơi, tàu kiểm ngư phải đi vớt rồi tổ chức khâm liệm tập thể. Ngày nay, ở góc đảo Nam Du có đặt bia tưởng niệm gần 500 người dân thiệt mạng trong cơn bão số 5” - ông Nha nhớ lại.

Trận bão kinh hoàng ấy đã để lại sự tiêu điều, hoang vắng cho Nam Du. “Năm 2001, Trạm hải đăng Nam Du được xây dựng trên đỉnh hòn đảo, mục đích để định vị, dẫn luồng cho các phương tiện thủy trong khu vực. Suốt thời gian dài, sinh hoạt của nhân viên Trạm hải đăng cũng như cán bộ, chiến sĩ Trạm ra đa 600 (thuộc Tiểu đoàn 551 Vùng 5 Hải quân) rất vất vả. Mỗi ngày, chúng tôi đi bộ 2 lượt xuống bãi Nam Du mua gạo, thực phẩm, lấy nước ngọt lên sử dụng. Mà chợ hồi đó vắng tanh, rất ít người mua bán. Khoảng 3 năm nay, khi có tuyến tàu cao tốc nối Rạch Giá- Nam Du, khách du lịch ra nhiều, nghề đánh bắt hải sản phát triển được nên người dân trở về sinh sống đông, sung túc hơn nhiều” - ông Nha chia sẻ.

Cách Trạm hải đăng Nam Du một đoạn là Trạm ra đa 600. Tháp ra đa giữ vị trí cao nhất quần đảo Nam Du nên đứng từ đây có thể quan sát toàn cảnh xung quanh. Hôm đoàn công tác do Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân tổ chức lên chúc Tết, đã thấy cán bộ, chiến sĩ nơi đây trang trí những chậu mai vàng, dòng chữ “Chúc mừng năm mới - Xuân Kỷ Hợi 2019”, mâm ngũ quả, dĩa bánh chưng tươm tất. “Năm nào cũng có đoàn ra chúc Tết nên chúng em trang trí lại đơn vị để đón đoàn chu đáo hơn. Làm nhiệm vụ ngoài đảo, thấy có đại biểu đất liền ra thăm, ai cũng vui và cảm giác ấm lòng” - chiến sĩ Nguyễn Minh Quân (Trạm ra đa 600) bộc bạch.

Kiểm tra ra đa để kịp thời ứng phó trên biển

Có thể hiểu được sự quý mến của những người lính hải đảo đối với đoàn công tác, khi họ dành những gì được xem là ngon nhất trên đảo để tiếp đãi. Suốt chuyến hải trình từ đảo Phú Quốc ra Hòn Đốc, Nam Du (Kiên Giang), xuống Hòn Chuối, Hòn Khoai (Cà Mau), quay về Thổ Chu (Kiên Giang), hầu như bữa cơm nào trên đảo cũng có thịt, canh rau, chả lụa, bánh chưng, bánh tét… “Đây đều là những thứ do bộ đội tự tăng gia sản xuất. Đối với người ở đảo, hải sản là món ăn bình thường, thịt và rau xanh mới quý” - một thành viên từng tham gia nhiều chuyến đi chúc Tết vùng biển, đảo Tây Nam giải thích.

Thắm tình quân - dân

Từ Phú Quốc, chuyến hải trình của đoàn cán bộ các tỉnh, thành phố phía Nam (Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Cà Mau, Bình Dương, Đồng Nai), đại diện Trung ương Đoàn, các doanh nghiệp cùng các nhà báo, phóng viên trên con tàu hải quân mang số hiệu 637 kéo dài gần 1 tuần lễ trên vùng biển, đảo Tây Nam (từ ngày 6 đến 11-1-2019). Chuyến đi vượt quãng đường hơn 340 hải lý (khoảng 630km), ghé qua 6 điểm đảo có lực lượng vũ trang đứng chân làm nhiệm vụ, từ vùng biển Kiên Giang đến vùng biển Cà Mau.

Trên chuyến tàu 637 của Hải đội 511 (Lữ đoàn 127, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân), những con người vốn quen với cuộc sống đất liền phải thay đổi cách sinh hoạt như lính hải quân. Mọi sinh hoạt tắm, giặt, vệ sinh, nghỉ ngơi đều gói gọn trên tàu. Điện, nước phải được tiết kiệm tối đa; giờ giấc tuân thủ tuyệt đối theo hiệu lệnh. Tàu báo thức đúng 5 giờ 30 phút sáng nên mọi người tranh thủ dậy sớm hơn để vệ sinh cá nhân, tránh “ùn tắc” nhà tắm, nhà vệ sinh (vốn là “hàng hiếm” trên tàu). Từ tàu lớn phải chuyển qua tàu nhỏ để di chuyển vào đảo, phải leo những đoạn dốc cao lên đỉnh đảo nên việc ăn uống cũng phải tranh thủ, đồ đạc mang theo đảm bảo gọn, nhẹ, dễ di chuyển. Đối với cánh báo chí, máy ảnh, máy quay phim, máy ghi âm, sổ, viết tác nghiệp là những dụng cụ được ưu tiên mang theo, còn lại đều để trên tàu.

Chiến sĩ chuẩn bị đón Tết sớm

Có lẽ, chính sự vất vả ấy giúp các đại biểu càng dễ cảm thông hơn với cuộc sống người lính, người dân trên đảo. Ở chiều ngược lại, những món quà Tết mà các đoàn mang từ đất liền ra tặng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo càng thêm ý nghĩa. “Cũng nhờ có lực lượng hải quân, biên phòng, quân sự đứng chân trên đảo mà đời sống văn hóa, tinh thần của người dân trên đảo được phong phú hơn. Cùng với đó, những chuyến thăm, hỗ trợ của các đoàn công tác từ đất liền luôn là nguồn động viên rất lớn đối với cán bộ, chiến sĩ và bà con nơi đây” - ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Hải (nằm trên quần đảo Hải Tặc, thuộc TP. Hà Tiên, Kiên Giang) bộc bạch.

Nếu như các đảo thuộc tỉnh Kiên Giang như: Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Hòn Đốc có dân cư đông, kinh tế phát triển, giao thông thủy thuận lợi thì có những đảo thuộc vùng biển Cà Mau còn rất khó khăn. Nếu như ở đảo Hòn Chuối (thuộc thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời) chỉ có hơn 130 người dân sinh sống thì đảo Hòn Khoai (xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển) thậm chí không có dân cư. Tuy nhiên, do là vị trí tiền tiêu canh giữ vùng trời, vùng biển và dải đất phía Tây Nam của Tổ quốc nên vẫn có những lực lượng đứng chân làm nhiệm vụ. Vì thế, những dốc cao đến 170m của đảo Hòn Chuối hay 318m của đảo Hòn Khoai không làm ngại bước chân của đoàn chúc Tết khi mà cán bộ, chiến sĩ nơi đây phải lên xuống hàng ngày. Họ còn phải mang vác theo hàng hóa, nước ngọt, nhu yếu phẩm lên đỉnh đảo…

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN