Xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở ở Cần Thơ đe dọa tính mạng người dân

30/06/2018 - 20:59

Từ năm 2010 đến nay, TP Cần Thơ đã xuất hiện 159 điểm sạt lở, với chiều dài sạt lở trên 6km, làm 66 căn nhà bị hư hại hoàn toàn.

A A

Từ đầu năm đến nay, thành phố Cần Thơ có 15 điểm sạt lở bờ sông. Hậu quả làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà và 43 căn nhà bị ảnh hưởng. Tổng chiều dài do sạt lở gây ra là 368 mét, ước tổng thiệt hại trên 31 tỉ đồng.

Trong đó, các địa phương như Ô Môn, Bình Thuỷ, Cái Răng, Thốt Nốt bị ảnh hưởng lớn. Đáng chú ý là tại quận Ô Môn, đến nay xảy ra nhiều vụ sạt lở làm người dân mất nhà cửa và tài sản.

Từ năm 2010 đến nay, TP Cần Thơ đã xuất hiện 159 điểm sạt lở, với chiều dài sạt lở trên 6km, làm 66 căn nhà bị hư hại hoàn toàn. 

Ở thành phố Cần Thơ, từ năm 2010 đến nay đã xuất hiện 159 điểm sạt lở, với chiều dài sạt lở trên 6km, làm 66 căn nhà bị hư hại hoàn toàn. Diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng.

Toàn tuyến kênh Cái Sắn đi qua huyện Vĩnh Thạnh có chiều dài khoảng 25km. Qua rà soát của ngành chức năng, cả 2 bờ đều xuất hiện nhiều điểm bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài gần 1,3km, có đoạn bị sạt lở 5- 7mét, có đoạn hàng chục mét.

Còn tại quận Ô Môn, Ông Lê Việt Sỹ, Chủ tịch UBND quận cho biết, sạt lở đang diễn ra tiếp tục tại một số khu vực và có dấu hiệu ăn sâu vào trong bờ. Hiện có 22 hộ dân không còn nhà đất ở nên đề nghị UBND thành phố có chỉ đạo để bố trí chỗ ở cho người dân:

“Trong 3 năm qua diễn biến sạt lở rất phức tạp. Tất cả 7 phường đều có tình trạng sạt lở ở các tuyến giao thông chính. Trong năm qua tổng số có hơn 1 ngàn mét có hiện tượng sạt lở. Đặc biệt năm nay sạt lở càng nghiêm trọng hơn”, ông Sỹ nói.

xuat hien them nhieu diem sat lo o can tho de doa tinh mang nguoi dan hinh 2

Nhiều ngôi nhà bị thủy thần "nuốt chửng".

Ngoài những điểm đã sạt lở, Cần Thơ còn có trên 100 vị trí có nguy cơ sạt lở cao với tổng chiều dài khoảng 52 km. Các điểm nóng sạt lở gồm: sông Cần Thơ, sông Ô Môn, sông Bình Thủy và Trà Nóc, sông Thốt Nốt và các cồn trên sông Hậu như: cồn Sơn, cồn Khương (quận Bình Thủy), cồn Tân Lộc (quận Thốt Nốt), cồn Ấu (quận Cái Răng)…

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ nêu rõ: Diễn biến sạt lở bờ sông, kênh rạch trên địa bàn thành phố ngày một nghiêm trọng, phức tạp, gia tăng cả về cường độ và số lượng:

“Biến đổi khí hậu, diễn biến thiên tai, thời tiết ngày càng khó lường. Việc chủ động ứng phó của địa phương ngày càng khó khăn. Bên cạnh đó, tập quán dân cư còn sống theo sát kênh rạch rất nhiều. Cho nên khi bị sạt lở thì mất trắng, thiệt hại rất lớn về nhà cửa, đất đai”, ông Hè cho biết.

xuat hien them nhieu diem sat lo o can tho de doa tinh mang nguoi dan hinh 3

Người dân TP Cần Thơ hoang mang trước các vụ sạt lở ngày càng nghiêm trọng.

Nhiều năm qua, ở TP Cần Thơ đã triển khai thực hiện Đề án “Quy hoạch phòng chống sạt lở các sông rạch trên địa bàn”, với các giải pháp chủ yếu như: củng cố hiện trạng, áp dụng các giải pháp phòng ngừa, phòng tránh, nhằm hạn chế tối thiểu mức độ thiệt hại do sạt lở gây ra; đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở, di dời dân cư sống ven sông vào vùng đất ổn định. Tuy nhiên, những bất lợi và diễn biến bất thường của tự nhiên đã và đang tạo ra nhiều khó khăn trong công tác phòng chống sạt lở.

Ông Võ Thành Thống, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, Trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn thành phố cho rằng địa phương hiện rất cần sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương, của Chính phủ để thực hiện đề án khắc phục sạt lở; góp phần ổn định bờ sông, tạo nơi ở mới an toàn cho người dân vùng sạt lở, bảo vệ môi trường, chỉnh trang đô thị và xây dựng nông thôn mới thích ứng với BĐKH.

Trước những tác hại của sạt lở diễn ra gần đây tại Ô Môn và một số địa phương, ông Võ Thành Thống cũng đã đề nghị các quận, huyện rà soát các điểm có nguy cơ trước mắt, lâu dài để có biện pháp. Trong đó, biện pháp phải bao gồm cả công trình và phi công trình. Trong đó, ngoài các công trình là kè chống sạt lở, các địa phương cần phát động cho người dân tổ chức thực hiện các biện pháp phi công trình, trồng cây giữ đất…

Nhấn mạnh đến việc xây dựng nhà ở ven sông bị sạt lở, ông Võ Thành Thống chỉ đạo về lâu dài không thể để nhà sàn trên sông, ảnh hưởng đến mỹ quan, vệ sinh môi trường và hành lang giao thông.

“Từ nay trở đi phải chấm dứt việc cấp phép cho dân xây dựng nhà trên sông. UBND các xã, phường, thị trấn phải chịu trách nhiệm chính, nếu để xảy ra ở đâu thì Chủ tịch UBND cấp đó phải chịu. Tôi giao cho lãnh đạo UBND quận, huyện phải quản lý hiệu quả vấn đề này”, ông Thống kiến nghị.

Cần Thơ nằm ven sông Hậu, chiều dài sông hơn 65km, có gần 1.200km kênh rạch cấp 1 và cấp 2. Dân cư sống tập trung ven theo các con sông, rạch nên việc sạt lở bờ sông, rạch đã và đang đe dọa đến tính mạng, tài sản người dân. Điều đáng nói là tình hình sạt lở trên địa bàn vẫn chưa dừng lại và tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo CHANH TUY (VOV)