Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

03/05/2019 - 07:51

 - Khi Trung Quốc siết chặt hoạt động nhập khẩu tiểu ngạch cho thấy, đây không còn là thị trường dễ dãi, mua hàng số lượng lớn, giá rẻ như trước đây. Để xâm nhập vào thị trường đông dân nhất thế giới này, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến chất lượng, truy xuất được nguồn gốc và tìm hiểu kỹ các quy định để làm ăn lâu dài, ổn định.

Khi cá tra được ưa chuộng

Tại Trung Quốc, trang thương mại điện tử Alibaba là kênh mua bán trực tuyến lớn nhất, được người tiêu dùng nội địa tin tưởng nhất. Thời gian gần đây, mặt hàng nông - thủy sản do doanh nghiệp Trung Quốc nhập khẩu từ Việt Nam đã được bán online trên trang bán hàng uy tín này, đặc biệt là các sản phẩm chế biến từ cá tra vùng ĐBSCL. “Điều đó cho thấy, cá tra rất được người dân Trung Quốc ưa chuộng. Việc các mặt hàng nông - thủy sản của Việt Nam có mặt thường xuyên và được giao dịch trên Alibaba cũng khẳng định được chất lượng, uy tín với người tiêu dùng Trung Quốc” - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe phân tích.

Ông Trương Đình Hòe cho biết, giá trị nhập khẩu thủy sản của Trung Quốc đã tăng 15% trong 5 năm qua, khối lượng nhập khẩu tăng từ 2,8 lên 3 triệu tấn/năm. “Tầng lớp trung lưu tại Trung Quốc ngày càng tăng nhu cầu về thủy sản nhập khẩu. Họ lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm với sản phẩm nuôi trồng trong nước nên ưa chuộng sản phẩm nước ngoài và sản phẩm đánh bắt tự nhiên” - ông Hòe thông tin. Theo phương pháp thống kê ITC (Trung tâm Thương mại Thế giới), Việt Nam nằm trong “top 10” các quốc gia nhập khẩu thủy sản vào Trung Quốc với thị phần rất nhỏ (chỉ chiếm 3%, tương đương hơn 230 triệu USD). Tuy nhiên, theo Hải quan Việt Nam, xuất khẩu thủy sản của nước ta sang Trung Quốc đạt giá trị từ 1,2-1,3 tỷ USD/năm, là nguồn cung lớn thứ 3 cho quốc gia đông dân nhất thế giới này. Ông Hòe cho rằng, sở dĩ có sự chênh lệch số liệu lớn do ITC thống kê từ nhập khẩu chính ngạch, còn doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu cả chính ngạch và tiểu ngạch.

Về khuynh hướng xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Trung Quốc, trong khi mặt hàng tôm giảm (do cạnh tranh với tôm Ấn Độ và Ecuador) thì cá tra tăng khá. Năm 2018, trong tổng giá trị xuất khẩu thủy sản hơn 1,2 tỷ USD của Việt Nam sang Trung Quốc thì cá tra đạt gần 528 triệu USD (tăng 28,7% so năm 2017), tôm gần 492,2 triệu USD (giảm 28%), cá biển hơn 118 triệu USD (tăng 1,3%), nhuyễn thể gần 52 triệu USD (tăng 23,4%), cá ngừ hơn 14 triệu USD (giảm 19,8%)… Năm 2018 ghi nhận lần đầu tiên, cá tra vượt qua tôm, trở thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Trung Quốc (năm 2017, xuất khẩu cá tra gần 410,9 triệu USD, tôm gần 683,2 triệu USD). “Cá tra có giá bình dân, dễ chế biến thành nhiều món ăn, không kén người dùng nên được ưa chuộng. Tuy nhiên, ẩm thực Trung Quốc khác Việt Nam nên các sản phẩm chế biến từ cá tra cũng khác. Doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý đến thói quen tiêu dùng, luôn đổi mới, đa dạng hóa sản phẩm để tạo sức hút, hấp dẫn đối với người dân Trung Quốc” - Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe lưu ý.

Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Các đại biểu chia sẻ tại Hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản - thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc”

Cơ hội cho trái cây

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit (quận Phú Nhuận, TP. Hồ Chí Minh) Nguyễn Lâm Viên cho rằng, thị trường Trung Quốc không “dễ ăn” như nhiều người lầm tưởng. “Người Trung Quốc đã chấp nhận mua sản phẩm nào thì ăn bền bỉ, lâu dài. Tuy nhiên đến nay, chỉ có 8 loại trái cây của Việt Nam được phép nhập khẩu chính ngạch sang Trung Quốc là: xoài, nhãn, chuối, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và thanh long” - ông Viên thông tin.

Việc Trung Quốc siết chặt tiêu chuẩn nhập khẩu sang đường chính ngạch sẽ gây bất lợi cho những doanh nghiệp có thói quen xuất khẩu tiểu ngạch trước đây. Tuy nhiên, động thái này cũng mang lại lợi ích lâu dài, bền vững cho hoạt động xuất khẩu, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi thói quen sản xuất, chú trọng tiêu chuẩn, chất lượng, đăng ký truy xuất nguồn gốc.

“Bản thân những thương nhân Trung Quốc ở gần tuyến biên giới giáp Việt Nam không muốn mua hàng qua đường chính ngạch do phải chịu thuế VAT 17%. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục xuất khẩu tiểu ngạch sẽ gặp rủi ro rất lớn khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát hàng hóa tuyến biên giới, đối tác dừng mua hoặc hạn chế nhập hàng” - ông Viên cảnh báo.

Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Vinamit Nguyễn Lâm Viên, để làm ăn bền vững, lâu dài tại thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp sản xuất và chế biến sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam cần tìm hiểu nhu cầu thị trường thông qua các đối tác lớn phía Trung Quốc, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của luật pháp và các quy định bắt buộc của Trung Quốc. Lưu ý đầu tiên là doanh nghiệp phải nộp hồ sơ đăng ký truy xuất nguồn gốc, xuất khẩu sản phẩm thủy sản, trái cây, rau, củ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc (thông qua Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Sau khi chấp nhận đơn, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tiến hành đánh giá toàn diện theo các điều kiện và thủ tục quy định, nếu thấy cần thiết sẽ cử các chuyên gia tiến hành khảo sát, đánh giá tại nơi trồng. Sau khi đánh giá đạt, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ phê duyệt và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền phía Việt Nam. Khi đó, doanh nghiệp và sản phẩm nông- thủy sản của doanh nghiệp sẽ đường hoàng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, tiếp cận sâu với người tiêu dùng nội địa thông qua hệ thống phân phối uy tín của nước này.

“Thủ tục đăng ký cũng đơn giản  (theo mẫu hướng dẫn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc và Cục Bảo vệ thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), doanh nghiệp không phải tốn chi phí đăng ký và số lượng đăng ký cũng không giới hạn. Sau khi tiếp nhận đầy đủ hồ sơ, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ xem xét trong vòng 20 ngày làm việc. Trong trường hợp không thể quyết định được, có thể kéo dài thêm 10 ngày làm việc” - ông Nguyễn Lâm Viên thông tin.

Đến nay, có một số vườn trái cây đã được đăng ký truy xuất nguồn gốc với Tổng cục Hải quan Trung Quốc như: Thạnh Phước - Thuận An (Bình Minh, Vĩnh Long), Hòa Tiến (Vị Thanh, Hậu Giang), Cao Lãnh (Đồng Tháp), Đà Lạt và Bảo Lộc (Lâm Đồng), Đăk Mil (Đăk Nông). Một số nhà cung cấp bao bì đã được chấp nhận đăng ký tại Trung Quốc như: Hợp tác xã nông nghiệp Long Bình (Long Binh Agro, xã Khánh Bình, An Phú, An Giang), Chuối Việt (xã Vĩnh Gia, Tri Tôn, An Giang), Đông Thuận (Bình Minh, Vĩnh Long), Muong Dong Agro và Tan Lac - Hoa Binh Agro (Hòa Bình).

Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Nhiều mặt hàng nông sản Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu

Xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Cơ hội cho chính ngạch

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, từ năm 2015, Trung Quốc đã nổi lên trở thành thị trường nhập khẩu thủy sản lớn trên thế giới, nhu cầu đa dạng và chất lượng ngày càng cao. “Từ năm 2013, Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, có mức tăng trưởng nhập khẩu ổn định hơn so với các thị trường khác. Thương mại điện tử phát triển mạnh ở Trung Quốc và thủy sản cũng là một mặt hàng xuất hiện ngày càng nhiều trên các trang bán hàng online” - ông Hòe nhấn mạnh.

Tổng Thư ký VASEP khẳng định, khuynh hướng tăng nhập khẩu chính ngạch của Trung Quốc tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, việc siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm và thương mại tiểu ngạch là cơ hội để sản phẩm thủy sản Việt Nam nâng cao chất lượng và số lượng xuất khẩu chính ngạch, giữ vững uy tín và hình ảnh trên thị trường Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang giảm sản lượng nuôi trồng thủy sản, là cơ hội để thủy sản Việt Nam xâm nhập, “lấp” vào khoảng trống này. Điển hình như ở đảo Hải Nam, vùng nuôi cá rô phi rất lớn của Trung Quốc trước đây nhưng giờ không nuôi nữa (nhằm đảm bảo môi trường phục vụ phát triển du lịch). Trong khi đó, thuế nhập khẩu đang được điều chỉnh theo hướng giảm cho xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

“Xuất khẩu bằng đường biển từ Việt Nam đang ngày càng thuận lợi hơn và chi phí rẻ hơn so với trước. Năm 2019 sẽ là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng xuất khẩu bằng đường biển vào các thành phố lớn của Trung Quốc, qua đó tăng kim ngạch xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này. So về thời gian, xuất khẩu bằng đường biển tương đương đường bộ nhưng tiết kiệm và thuận tiện hơn rất nhiều” - ông Hòe phân tích.

Chia sẻ tại Hội thảo “Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản - thủy sản chính ngạch sang Trung Quốc” diễn ra đầu tháng 3-2019 tại An Giang, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, thời gian gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã có một số sự thay đổi tích cực về mặt chính sách cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu bằng đường chính ngạch. Khuynh hướng này đem lại lợi ích bền vững cho cả doanh nghiệp lẫn nông dân bởi giá trị nông - thủy sản cao hơn, đảm bảo thanh toán minh bạch, giảm rủi ro của xuất khẩu tiểu ngạch như: thương lái Trung Quốc xù hàng, cơ quan chức năng Trung Quốc đột ngột dừng nhập khẩu tiểu ngạch, siết chặt kiểm soát khiến nông sản Việt Nam chất đống ở biên giới... Trong khi đó, xuất khẩu chính ngạch được hưởng ưu đãi về thuế suất, giúp nông - thủy sản Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với người tiêu dùng nội địa Trung Quốc và quan trọng hơn, giúp sản phẩm Việt Nam khẳng định được uy tín, thương hiệu ở thị trường này.

Với đặc điểm “biển liền biển, núi liền núi, sông liền sông”, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nông - thủy sản quan trọng của Việt Nam. Vấn đề lâu dài là doanh nghiệp cần thay đổi cách làm ăn theo hướng chính ngạch, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà phân phối có uy tín ở Trung Quốc, đưa sản phẩm đường hoàng tiến sâu vào thị trường này.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN