Xuất khẩu dệt may đối mặt nhiều thách thức

11/12/2019 - 14:33

Đơn hàng khan hiếm, nhỏ lẻ, ngắn hạn và chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ các quốc gia khác là những khó khăn của ngành dệt may hiện nay. Dự kiến, cả năm 2019, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 39 tỷ USD, hụt 1 tỷ USD so với mục tiêu đặt ra từ đầu năm.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo số liệu mới nhất của Bộ Công Thương: Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc 11 tháng ước đạt 29,89 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước. Cả năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu dệt may dự kiến đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng khoảng 7,55% so với năm 2018.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Công Thương, theo quy luật, đến hết quý IV của năm trước, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu dệt may đã có đơn hàng cho cả năm sau đó nhưng năm nay, đơn hàng dè dặt hơn, giảm so với năm 2018. Lượng đơn hàng của nhiều doanh nghiệp mới chỉ bằng 80% so với cùng kỳ.

Dây chuyền sản xuất hàng may mặc tại Công ty TNHH Hana Kovi Việt Nam (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Không chỉ thế, nhiều doanh nghiệp không nhận được đơn hàng dài hạn, mà thay vào đó là các đơn hàng ngắn hạn theo tháng, dài nhất là theo quý.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dệt may đã và đang đối mặt với nhiều khó khăn như: Cạnh tranh từ các cường quốc dệt may như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh... đang rất khốc liệt. Nguyên nhân bởi hiện nay, nhiều nước tập trung hỗ trợ ngành dệt may, trong đó có cả những quốc gia mới nổi ở khu vực châu Phi khiến số lượng nhà sản xuất tăng mạnh, đơn hàng bị san sẻ và dòng đơn hàng chuyển dịch sang nước khác cũng khiến dệt may Việt Nam gặp khó khăn.

Đơn hàng từ Trung Quốc có xu hướng chuyển sang các quốc gia hiện có ưu đãi về thuế suất như Bangladesh, Campuchia; giá bông thường xuyên giữ ở mức thấp trong khi việc sử dụng bông tại các quốc gia như Bangladesh, Việt Nam, Trung Quốc đang chậm lại, cả thương nhân và người mua cuối cùng đều giữ nhu cầu ở mức tối thiểu và tránh tích lũy hàng tồn kho. Thị trường sợi cũng gặp nhiều khó khăn, sự cạnh tranh về đơn hàng từ các doanh nghiệp sợi có vốn đầu tư nước ngoài cũng như cạnh tranh từ các quốc gia khác như Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia, Pakistan ngày càng gay gắt.

Cần có quy hoạch lâu dài

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, bức tranh xuất khẩu dệt may thời gian tới nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức. Cơ hội mở ra rộng lớn khi Việt Nam đã tham gia hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA), điển hình là CPTPP và FTA Việt Nam-EU (EVFTA). Ngành dệt may được tiếp cận khoa học công nghệ. Hàng loạt nhà máy đã đầu tư tự động hóa nhiều công đoạn, đặc biệt là trong ngành dệt, hóa nhuộm… Trong ngành thiết kế thời trang, nhiều DN cũng đã đầu tư thiết kế 3D…

Tuy nhiên, thách thức điển hình của ngành dệt may đến từ việc chuyển dịch cơ cấu đầu tư từ các thành phố lớn về vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Lao động vùng nông thôn chưa được đào tạo tạo ra áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp. Tiếp tới là thách thức liên quan đến tầm nhìn chiến lược phải phát triển bền vững gắn kết với chuỗi cung ứng toàn cầu. Hiện nay, ngành dệt may đang nhập khẩu hơn 50% nguyên phụ liệu từ nước ngoài.

Trong khi đó, Các FTA như CPTPP, EVFTA đều đặt ra yêu cầu rất rõ về quy tắc xuất xứ để có thể được hưởng ưu đãi thuế suất. Như vậy, nếu doanh nghiệp xuất khẩu dệt may Việt Nam mua vải từ Trung Quốc thì sản phẩm xuất khẩu đi lại không nhận được ưu đãi gì vì Trung Quốc không nằm trong các nước thuộc khối CPTPP. Do đó, nếu không đưa ra quy hoạch ngành nhanh chóng, xây dựng nền tảng chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu thì nguy cơ thua thiệt cực kỳ lớn.

Để tháo gỡ những khó khăn, Chủ tịch Vitas nhấn mạnh: Mấu chốt là phải ban hành quy hoạch phát triển ngành dệt may. Vấn đề này riêng ngành dệt may không làm được mà phải có định hướng chiến lược của Chính phủ, cơ quan quản lý nhà nước và địa phương.

Bộ Công Thương khuyến cáo, doanh nghiệp dệt may trong thời gian tới cần có biện pháp mới nhằm thay đổi phương thức sản xuất, kinh doanh để phù hợp với tình hình mới. Trong những tháng cuối năm, cần tích cực tìm kiếm đơn hàng để bảo đảm sản xuất.

Cùng với đó, doanh nghiệp cần chủ động liên kết với khách hàng để hình thành chuỗi sản xuất, đáp ứng quy tắc xuất xứ theo cam kết của các FTA; Doanh nghiệp cũng phải tuân thủ yêu cầu của nhãn hàng về phát triển bền vững để thu hút được nhiều đơn hàng trong tương lai.

Theo THU TRANG (Báo Tin Tức)