Xúc tiến thương mại cho sản phẩm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu

24/01/2019 - 15:02

Đổi mới phương thức triển khai thực hiện, nâng cao chất lượng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.

Theo Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm nay Cục sẽ tập trung vào một số nội dung chính như: đổi mới phương thức triển khai thực hiện, nâng cao chất lượng triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước để mở rộng thị trường xuất khẩu. Cùng đó, tập trung nâng cao chất lượng, uy tín, hiệu quả của các hoạt động định hướng xuất khẩu tổ chức tại Việt Nam. 

Chú thích ảnh

Chế biến cá tra xuất khẩu. Ảnh minh họa: Thanh Liêm/TTXVN

Đồng thời, tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, tư vấn cho các Hiệp hội ngành hàng, các tổ chức xúc tiến thương mại địa phương nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp, cũng như năng lực xây dựng đề án. Ngoài ra, tổ chức thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại quốc gia, tập huấn cho doanh nghiệp các kỹ năng xúc tiến thương mại trước, trong và sau khi tham gia sự kiện xúc tiến thương mại.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá các mặt hàng của Việt Nam tại thị trường nước ngoài tạo dấu ấn nhận diện thương hiệu Việt và có sự liên kết vùng miền khi tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại trong nước để tiết kiệm nguồn lực và tạo được tiếng vang lớn.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho rằng, chương trình xúc tiến thương mại quốc gia 2019 dự kiến sẽ thành công và đi vào thực chất hơn, thực hiện theo tiêu chí: xúc tiến thương mại cho sản phẩm, ngành hàng có tiềm năng xuất khẩu của vùng kinh tế, quốc gia, phát triển thị trường xuất khẩu; nâng cao hiệu quả nhập khẩu...

Cùng với định hướng hỗ trợ trọng điểm cho xuất khẩu, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) hiện đã triển khai hiệu quả nhiều trương trình xúc tiến thương mại đặc biệt Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia giúp các doanh nghiệp nhiều cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá ra các thị trường trong và ngoài nước. 

Ông Vũ Bá Phú cho biết, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia đã trở thành kênh phát triển thị trường hiệu quả cho các doanh nghiệp. Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia mỗi năm đều có trọng tâm, trọng điểm với mục tiêu tập trung phát triển thị trường theo hướng ưu tiên phát triển thương hiệu cho một vài sản phẩm chủ lực.  

Theo ông Vũ Bá Phú, năm 2018, Cục xúc tiến thương mại đã thực hiện 171 đề án với tổng kinh phí là 103 tỷ đồng, Chương trình đã hỗ trợ khoảng gần 5.000 lượt doanh nghiệp tham gia. Tổng giá trị hợp đồng và giao dịch trực tiếp tại các sự kiện xúc tiến thương mại xuất khẩu đạt 9,3 tỷ USD và trên 106 tỷ đồng. Doanh số bán hàng trực tiếp tại các hội chợ vùng, phiên chợ đạt hơn 141 tỷ đồng; thu hút gần 1,5 triệu lượt khách tham quan; trong đó, có 100.000 lượt khách giao dịch thương mại.

Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã tiếp tục quay lại xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga, các nước Đông Âu. Đồng thời, tăng cường hoạt động tại thị trường các nước trong khu vực Châu Á và một số nước Trung Đông, Châu Phi. Bên cạnh đó, xúc tiến đẩy mạnh hoạt động thương mại, đầu tư; nâng cao vị thế và hình ảnh của Việt Nam. 

Các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước, cũng đã góp phần tích cực trong việc phát triển, mở rộng thị trường trong nước. Nhiều địa phương tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, với nhiều chủ đề khác nhau. Mỗi địa phương đều đưa ra mục tiêu, lộ trình thu hút đầu tư, đẩy mạnh xuất khuất và tiêu thụ hàng hóa rõ ràng dựa trên lợi thế tiềm năng của mình. 

Nhờ các hội nghị này, hàng trăm dự án với số vốn hàng chục tỷ USD đã được ký kết. Đơn cử như Bình Phước đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp; Cần Thơ kêu gọi đầu tư vào hạ tầng nông nghiệp, công nghệ thông tin, logistics và năng lượng…Bên cạnh đó, các địa phương đã liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp, đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác quảng bá hình ảnh, sản phẩm tại thị trường trong nước và quốc tế với hàng nghìn sự kiện.

Với nền tảng kinh tế, hạ tầng vững chắc, thành quả kinh tế đạt được trong nhiều năm qua, cùng hiệu quả đến từ các hội nghị xúc tiến thương mại các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội đẩy mạnh sản phẩm của mình sang các thị trường. 

Đặc biệt mới đây, Bộ Công Thương đã chính thức ký kết hợp tác với Amazon nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Việt xúc tiến xuất khẩu hàng hóa qua thương mại điện tử. Đây là cơ hội mới mở ra hướng kinh doanh lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam bán hàng đi khắp thế giới. Hiện Amazon đang có tổng cộng 13 thị trường với 300 triệu khách hàng đến từ 180 quốc gia trên thế giới và người bán đến từ 172 nước bao gồm Việt Nam.

Theo các chuyên gia, việc gia nhập thị trường Việt Nam của Amazon đem lại lợi thế nhiều chiều. Cụ thể sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự phát triển thị trường thương mại điện tử Việt Nam, kéo theo sự tăng trưởng cả một hệ sinh thái như bán hàng, logistic và đem lại cho người tiêu dùng Việt Nam nhiều hàng hóa chất lượng với giá cạnh tranh; chiến lược của Amazon khi thâm nhập vào một thị trường sẽ có hai chiều. Đó là đưa hàng hóa nhập khẩu vào thị trường Việt Nam và đưa hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ra các nước.

Không đơn thuần về thương mại mà điều doanh nghiệp Việt hưởng lợi nhiều nhất từ việc Amazon gia nhập thị trường Việt Nam là giúp phát triển thương hiệu của các doanh nghiệp, hàng hóa Việt trong môi trường thương mại điện tử; đào tạo các doành nghiệp Việt về thương mại điện tử, để xuất khẩu hàng hóa và học kỹ năng bán hàng trên Amazon. Đặc biệt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam sẽ không còn gặp nhiều rào cản về xuất khẩu hàng hóa một khi tham gia vào Amazon.

Tuy nhiên, để tận dụng lợi thế bán hàng trên Amazon ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), lưu ý để buôn bán thành công trên Amazon, các doanh nghiệp Việt cần tuân thủ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm. “Các thị trường xuất khẩu lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật,… đều có quy định nghiêm ngặt về chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm mà để bán vào đây, doanh nghiệp Việt phải tuân thủ” - ông Phú nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, rào cản về ngôn ngữ khiến không ít nhà bán lẻ, doanh nghiệp Việt khó tiếp cận với các sàn thương mại điện tử, bao gồm cả Amazon. Do vậy, các doanh nghiệp Việt cần nâng cao trình độ ngoại ngữ, khả năng xây dựng thương hiệu để có thể tận dụng tối đa những lợi thế bán hàng trên Amazon.

Theo HẰNG TRẦN (Báo Tin Tức)