Ý thức bảo vệ môi trường của du khách tại các điểm du lịch

09/04/2019 - 07:56

 - Hiện nay, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đang thu hút rất đông du khách đến hành hương, tham quan, khám phá. Thế nhưng, một số du khách còn thiếu ý thức trong việc bảo vệ môi trường chung, làm ảnh hưởng đến cảnh quan nơi du lịch.

An Giang có nhiều di tích lịch sử - văn hóa độc đáo, món ăn hấp dẫn, núi non sơn thủy, hùng vĩ, huyền bí. Từ đó, tạo nên nhiều điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước đến hành hương, tham quan, khám phá. Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, quý I-2019, An Giang đón khoảng 3,2 triệu lượt khách (tăng 10,34% so cùng kỳ, đạt 34,78% kế hoạch năm 2019). Trong đó lượng khách quốc tế đạt 27.000 lượt (tăng 50% so cùng kỳ). Doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 1.850 tỷ đồng, tăng 23,33% so cùng kỳ. Năm 2019, ngành du lịch đặt chỉ tiêu đón 9,2 triệu lượt khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, với lượng du khách tập trung về các điểm tham quan, du lịch quá đông, tình trạng rác thải vung vãi nhiều nơi là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, nếu mỗi du khách không có ý thức, tự giác bảo vệ môi trường chung thì đây là mối đe dọa rác thải cho các điểm đến hấp dẫn trên địa bàn tỉnh.

Ý thức bảo vệ môi trường của du khách tại các điểm du lịch

Nhóm các bạn trẻ nhặt rác quanh hồ Tà Pạ

Hồ Tà Pạ (xã Núi Tô, Tri Tôn) được mệnh danh là “Tuyệt tình cốc” ở miền Tây bởi cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, đậm chất núi rừng nhưng không kém phần lãng mạn. Hồ Tà Pạ khiến ai nấy đều mê mệt với vẻ đẹp hoang sơ, kỳ bí của những vách đá quanh hồ soi bóng xuống mặt nước, mặt hồ yên ả, xanh trong, làm mê say lòng người. Nước trong xanh, màu nước hay biến đổi tùy theo đá ở dưới và sắc mây bên trên. Hồ có khi màu xanh thẫm, có khi xanh nhạt, có khi màu vàng… Cuối tuần, thường có rất đông du khách, các bạn trẻ tìm đến khám phá, chụp ảnh. Điều đáng nói, một số du khách đến đây thường để lại những “tàn dư”, như: bọc ny-lon, chai nhựa, hộp đựng đồ ăn, vỏ lon bia, nước ngọt... nằm ngổn ngang dước các tán cây, góc đá của các cuộc vui mà không thu gom mang về. Bạn Nguyễn Minh Chung (Long An) bức xúc: “Không biết những người này nghĩ gì. Ai cũng lên chơi rồi để lại rác như vậy, rồi một thời gian nữa nơi này sẽ thành bãi rác”.

Tương tự, các điểm “check-in” nổi tiếng được rất nhiều người biết đến, như: hồ Soài So, hồ Soài Chek, hồ Ô Thum, cây thốt nốt hình trái tim… tràn ngập rác thải do du khách đi trước vô ý thức để lại, khiến những du khách đến sau rất bất bình. “Mới vài tháng quay lại mà có những chỗ rác chất thành đống. Vui chơi xong rồi vứt rác vô tội vạ, kiểu này hoài những người nào đến sau chắc chụp hình với rác, chứ không phải chụp cảnh” - chị Lê Thị Lành (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ. Dọc đường lên núi Cô Tô, các đường mòn đi bộ lên các vồ trên đỉnh Thiên Cấm Sơn không chỉ có rác, mà còn có vô số ống hút, bọc ny-lon được những du khách hành hương cột lên cành cây, ngọn cỏ, bờ rào, dây giăng 2 bên đường. Đây là cách một số người hành hương “gửi bệnh” và những điều không may mắn lại trên núi. Vì vậy, người dân sinh sống quanh các khu vực này phải thường xuyên dọn dẹp những cách “gửi bệnh” này để bảo vệ cây trái, cảnh quan núi non, quan trọng nhất là môi trường sống hàng ngày của họ. Điều lạ lùng là mặc dù tại các địa điểm vui chơi, giải trí, du lịch đã được đặt rất nhiều thùng rác và biển cảnh báo: “Cấm xả rác”, “Nói không với vứt rác bừa bãi”, “Không vứt rác nơi công cộng”... thế nhưng những tấm biển cảnh báo này dường như không có tác dụng. Có thùng rác để sẵn nhưng chẳng ai thèm quan tâm, những chai nước uống xong để tại chỗ, rác nằm kế bên gốc cây, dưới gầm ghế hay quăng ngay... chân thùng rác.

Bên cạnh một số người vô ý thức trong việc vức rác, không thiếu những du khách bỏ rác đúng nơi quy định tại các điểm du lịch hoặc mang đi nếu gần đó không có thùng rác. Ngoài ra, còn có những nhóm bạn trẻ vừa tổ chức đi du lịch, vừa kiêm luôn việc nhặt rác nhằm góp một phần nhỏ trong việc bảo vệ môi trường du lịch xanh - sạch - đẹp, trong lành. Bạn Nguyễn Nhật Linh (nhóm phượt ở TP. Cần Thơ) chia sẻ: “Chúng em thường lên kế hoạch một chuyến đi chơi và mỗi thành viên tham gia sẽ chuẩn bị thêm các vật dụng nhặt rác. Chẳng biết rác của ai xả ra, nhưng nhìn rác ngổn ngang thế buồn lắm nên phải dọn. Hy vọng thấy bọn em nỗ lực, các du khách sẽ không vứt rác bừa bãi nữa”.

TRỌNG TÍN