Yêu nước từ những việc làm cụ thể

18/09/2019 - 14:24

Cần phải thừa nhận rằng, một bộ phận giới trẻ hiện nay chưa nhận thức về chính trị, xã hội đúng cách; bị ảnh hưởng bởi những suy nghĩ chủ quan, cảm tính. Nhiều cư dân mạng trẻ tuổi nhân danh lòng yêu nước, ẩn sau bàn phím, đăng tải những thông tin thiếu thận trọng, thậm chí là những lời nhận xét liều lĩnh, mù quáng, khiến cho lòng yêu nước bị lợi dụng.

Không thể “nói cho sướng miệng”

Người yêu nước chân chính không phải là người cổ súy cho chủ nghĩa dân túy, cũng càng không phải là người phát ngôn theo kiểu “nói cho sướng miệng”. Trong lịch sử Việt Nam, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và lòng yêu nước đã trở thành máu thịt, là nguồn cảm hứng của hàng triệu thanh niên Việt Nam.

Ngày nay, tinh thần đó được kế thừa và phát triển thành phong trào Thanh niên tình nguyện, phong trào Tuổi trẻ xung kích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phong trào Tuổi trẻ sáng tạo.

Thế nhưng, cho đến nay khi ai đó hỏi: “Bạn có yêu nước không?”, nhiều người sẽ không ngần ngại trả lời: “Yêu”; nhưng khi được hỏi: “Làm thế nào để yêu nước?”, một số bạn trẻ tỏ ra lúng túng. Rõ ràng, chúng ta có thể đưa ra những lựa chọn yêu nước trong những năm tháng chiến tranh, nhưng trong thời kỳ hòa bình, có một sự mơ hồ về nội hàm của chủ nghĩa yêu nước và những điều cần thiết mà chúng ta đang làm.

Lịch sử đã chứng minh những chính trị gia thành công, những doanh nhân thành đạt, đều là những người biết bắt tay vào những công việc cụ thể từ xuất phát điểm ban đầu. Nếu những người trẻ chỉ biết nói những điều to tát, chạy theo những giá trị ảo, xa lạ với cốt cách văn hóa của người Việt Nam mà không bắt đầu những công việc cụ thể, thì đó là một điều đáng lo của cả dân tộc.

Châu Hồng Tiến quận Thủ Đức

Nhận thức của người trẻ và trách nhiệm từ nhiều phía

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin là con dao 2 lưỡi cần phải thận trọng, bởi khi người trẻ có điều kiện, có công cụ để nói lên quan điểm, tiếng nói của mình, thì đồng nghĩa với việc quan điểm, chính kiến của các bạn đó bị tác động bởi nhiều nguồn tin, nhất là những thông tin xấu mang tính kích động, dẫn đến không ít người thể hiện cách nhìn về vấn đề chính trị, xã hội trong nước có phần lệch lạc.

Từ đó mới có chuyện, một bộ phận không nhỏ người trẻ thường xuyên chia sẻ các trạng thái, bài viết bày tỏ sự đả kích về nền chính trị, xã hội nước nhà, hoặc bình luận một cách thiếu xây dựng trước những thông tin mang tính xuyên tạc và coi đó là oai, là hiểu biết.

Khách quan mà nói, nếu đổ lỗi hết cho mạng xã hội cũng là chưa thỏa đáng, bởi cái gốc của tư tưởng và sự nhận thức của mỗi con người được hình thành rất sớm từ truyền thống của gia đình và sự rèn luyện, trau dồi từ ghế nhà trường. Bởi vậy, trách nhiệm của gia đình, nhà trường đối với nhận thức của người trẻ là không thể phủ nhận.

Ngày nay, nhiều môn học, thầy cô đã lồng ghép các kiến thức về chính trị, xã hội vào bài giảng, nhất là khi trong dư luận, trên mạng xã hội rộ lên thông tin nào đó liên quan. Song, vì thời gian cho mỗi bài giảng là hạn chế, việc lồng ghép kiến thức bên ngoài cũng vì vậy mà thiếu đa chiều, trong khi lý lẽ, ngôn từ trên mạng xã hội lại luôn hấp dẫn người trẻ.

Ở khía cạnh gia đình, một phần phụ huynh không đủ nhận thức để chia sẻ với con cái; một phần do các thành viên ngày càng mải chạy theo mục tiêu của cá nhân, không mấy khi gần nhau, chứ chưa nói đến việc cùng trò chuyện, bàn thảo về các vấn đề xã hội đang diễn ra.

Để giới trẻ nhận thức đúng, ứng xử chuẩn mực là một quá trình và sự kết hợp nhuần nhuyễn của gia đình, nhà trường và xã hội. Nếu một trong 3 môi trường ấy lơ là, thiếu trách nhiệm thì đó chính là cơ hội để những tư tưởng, quan điểm sai trái tràn vào.

Thạc sĩ tâm lý Vũ Hồng Nhung

Theo SGGP

 

Liên kết hữu ích