“Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”

04/12/2020 - 07:09

 - Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020 mang chủ đề “Chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em”, đem lại các thông điệp khẳng định tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia đồng bộ, cùng vào cuộc một cách mạnh mẽ của nhiều cơ quan, tổ chức, người dân trong cộng đồng (đặc biệt là nam giới) trong việc thực hiện các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới và cam kết phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Bạo lực trên cơ sở giới (hay bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em) là vấn đề mang tính toàn cầu, là một trong những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền con người, trở ngại lớn trong tiến trình xóa bỏ bất bình đẳng giới. Các nguyên nhân của tình trạng này bắt nguồn từ sự bất bình đẳng giới, phân biệt giới và đánh giá thấp vai trò, vị trí của phụ nữ. Từ những nỗ lực trong triển khai công tác bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhiều năm qua, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Việt Nam nằm trong nhóm 1/3 các nước đứng đầu thế giới về tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và tỷ lệ phụ nữ tham gia lao động, xếp thứ 68 trong số 166 nước về chỉ số phát triển giới. Những nỗ lực của Việt Nam cũng được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá là một trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới  và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.

Thế nhưng, bạo lực trên cơ sở giới vẫn là một thách thức lớn ở Việt Nam. Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (gần 63%) bị 1 hoặc hơn 1 hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời và gần 32% phụ nữ bị bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua).

Phó Chủ tịch UBND TP. Long Xuyên Võ Thị Xuân Kiều, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ thành phố, chia sẻ: “Năm 2020, địa phương xảy ra 9 trường hợp có nguy cơ về bạo lực, nhưng được phát hiện kịp thời và tổ chức tư vấn, hòa giải. Ngoài ra, cho 5 trường hợp viết cam kết; xử phạt hành chính 1 trường hợp đánh nhau trong gia đình, gây rối an ninh trật tự ở khu dân cư, với số tiền 3 triệu đồng. Điểm nổi bật là nhận thức về bình đẳng giới trong cộng đồng ngày càng được nâng lên.

Tình trạng bạo lực trong gia đình, xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em từng lúc, từng nơi được giảm dần. Vai trò, vị thế của phụ nữ và trẻ em trong gia đình, xã hội được quan tâm đáng kể. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng bất bình đẳng giới, gây bức xúc trong nhân dân. Phụ nữ, trẻ em không chỉ là nạn nhân của bạo lực gia đình, mà còn là đối tượng dễ bị mua bán, bóc lột, chịu nhiều hình thức bạo lực ngoài phạm vi gia đình”.

Thời gian tới, nhiều lĩnh vực cần tiếp tục ưu tiên giải quyết nhằm thu hẹp khoảng cách giới, bao gồm: giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học; kinh tế, lao động, việc làm; y tế; chính trị; trong đời sống gia đình; phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới; giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu; nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới và quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Nhưng trước hết, vẫn là nâng cao dần ý thức trách nhiệm của từng cá nhân về bình đẳng giới, thông qua các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì bình đẳng giới  và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới hàng năm.

Hướng dẫn triển khai Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2020, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND cấp huyện chú trọng tổ chức tuyên truyền về chủ đề, thông điệp và các hoạt động của Tháng hành động năm 2020 tại địa phương với các hình thức đa dạng, phù hợp; nhân rộng các sản phẩm truyền thông về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là các tài liệu tuyên truyền cho cộng đồng; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các nạn nhân; gặp mặt, biểu dương những điển hình, điểm sáng và cá nhân tiêu biểu trong công tác bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em nói chung và công tác triển khai Tháng hành động năm 2020 nói riêng… phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị, địa phương. 

Cần đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực để triển khai Tháng hành động, tăng cường xã hội hóa các hoạt động truyền thông và hỗ trợ nạn nhân bị xâm hại, bị bạo lực, bị mua bán, phụ nữ và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ bình đẳng giới và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, tăng cường công tác truyền thông, tư vấn, hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực với phụ nữ và trẻ em trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh  COVID-19; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ tại cơ quan, đơn vị và địa phương trong thời gian diễn ra Tháng hành động và xử lý nghiêm khắc các vụ việc vi phạm.

Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới được tổ chức từ ngày 15-11 đến 15-12 hàng năm trên phạm vi toàn quốc, với ý nghĩa là một chiến dịch truyền thông cấp quốc gia nhằm nâng cao nhận thức, huy động sự tham gia chủ động, đồng bộ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, Đặc biệt, nam giới phải là lực lượng tiên phong, nòng cốt, chủ động đồng hành cùng các cơ quan chức năng và cộng đồng trong công tác phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

Bài, ảnh: VẠN LỘC