Sự kiện 11/9, vụ chìm tàu Titanic hay cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đều là những thảm họa đã được cảnh báo trước.
Sự kiện 11/9, vụ chìm tàu Titanic hay cuộc khủng hoảng
hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đều là những thảm họa đã được cảnh báo
trước.
Thị trấn chìm trong biển nước
 |
Vào cuối những năm 1800, các ông trùm công nghiệp giàu
có thành lập một câu lạc bộ câu cá và săn bắn trên sông Conemaugh thuộc
Pennsylvania. Họ mua chiếc hồ Conemaugh cùng con đập ở đó nhưng do lâu
ngày, con đập có biểu hiện rò rỉ. Thay vì cải tạo đập, họ lại vá bằng
đất sét và rơm.
Ngày 31/5/1889, một cơn bão quét qua tạo ra trận mưa lớn chưa từng có
trong lịch sử Pennsylvania. Trong 24 giờ đồng hồ, nước ùn ùn đổ về
hồ Conemaugh. Sáng hôm đó, Elias Unger, Chủ tịch CLB thấy nước hồ đe dọa
đập đã cố chuyển hướng dòng nước để giảm áp lực cho đập nhưng không
thành công. Lo sợ đập sẽ vỡ, Unger ra lệnh cho John Parke, kỹ sư của câu
lạc bộ đi ngựa đến thị trấn gần nhất để gửi cảnh báo đến nhà chức trách
South Fork và Johnstown. 2 cảnh báo đã được gửi đi, nhưng vì trước đó
đã có quá nhiều báo động sai về chuyện vỡ đập nên lần này không ai tin
Parke. Vào lúc 13h10 hôm đó, con đập bị vỡ, 20 triệu m3 nước tràn xuống
các nhánh sông Conemaugh. May mắn là người dân ở thị trấn South Fork
nghe tiếng gầm rú của nước đã vội chạy lên đồi cao và chỉ có 4 người
thiệt mạng. Nhưng với thị trấn Johnstown, làn nước dữ đã cuốn đi bao nhà
cửa cùng với khoảng 2.209 người trong thảm họa tồi tệ nhất nước Mỹ thời
bấy giờ.
Titanic chìm vì không nghe điện báo
Tháng 4/1912, Cyril Evans là người điều hành điện báo trên tàu
California SS vượt Đại Tây Dương. Vào đêm 14/4, thuyền trưởng Stanley
Lord cho con tàu dừng hẳn để tránh những tảng băng trôi lớn. Ông Lord ra
lệnh cho Evans cảnh báo các tàu khác trong khu vực. Lúc ấy, trên tàu Titanic, hai nhân viên Jack Philips và Harold Bride đang cố thanh toán nốt loạt tin nhắn từ tàu gửi đến Mỹ, điểm đến của tàu Titanic. Philips nhận được tin nhắn của Evans nhưng vì tàu California rất gần với tàu Titanic
và Evans bật tiếng to quá, Philips nghe mà đầu như bị nổ tung. Philips
tức giận không thông báo lại cho thuyền trưởng còn Evans cho rằng đã
hoàn thành công việc liền tắt máy đi ngủ. Một lúc sau,
Titanic đâm phải tảng băng trôi, hơn 1.500 con người thiệt mạng.
Linh cảm về thảm kịch tại Dallas
Ngày 24/10/1963, gần một tháng nữa Tổng thống John F Kennedy dự kiến sẽ
đến Dallas chuẩn bị cho chiến dịch bầu cử quan trọng ở bang Texas, Đại
sứ Mỹ tại Liên hợp quốc khi đó là ông Adlai Stevenson được cử đi Dallas.
Khi ông Stevenson đến khán phòng để chuẩn bị cho bài diễn thuyết, hàng
nghìn người có mặt phản đối ông và các chính sách của chính quyền
Kennedy. Bất chấp lộn xộn, ông Stevenson cố gắng phát biểu, nhưng người
biểu tình đã la ó, gây ồn để át tiếng ông. Sau bài phát biểu, cảnh sát
đã cố gắng hộ tống ông Stevenson lách qua đám đông giận dữ bao quanh.
Khi trở về Washington, ông Stevenson cảnh báo Arthur
Schlesinger, người soạn diễn văn cho Tổng thống Kennedy rằng ông Kennedy
không nên đến Texas hoặc ít nhất là tránh xa Dallas. “Bầu không khí ở
đó có gì rất lạ và đáng sợ”, ông Stevenson nói. Nếu cảnh báo này được
xem xét đến, có lẽ Tổng thống Kennedy có thể tránh được thảm kịch của
cuộc đời mình.
Dự cảm bất thường về vụ
11/9
John O’Neil là một điệp viên F.B.I chuyên trách điều tra tổ chức khủng
bố quốc tế Al-Qaeda vào thập niên 1990. Ông từng cảnh báo, al-Qaeda và
Osama bin Laden là những mối đe doạ chính đối với an ninh của nước Mỹ.
Xuyên suốt thập niên 1990, vụ tấn công đầu tiên vào WTC, vụ tấn công vào
các toà đại sứ quán Mỹ… tất cả đều xuất phát từ al-Qaeda. Tại
Washington DC và tổng hành dinh của FBI, nhiều kẻ tỏ ra ghen tị với
những dự đoán thành công của ông. Tháng 8/2001, những kẻ xấu đã đẩy John
O’Neil ra khỏi F.B.I. John O’Neil từ chức và đảm nhận vai trò người
đứng đầu giám sát an ninh tại WTC. Có người bạn đùa rằng, John O’Neil
làm ở đó thì an toàn quá, vì bọn khủng bố đã tấn công hồi năm 1993 rồi
nhưng ông khẳng định, bọn chúng sẽ quay lại và ông linh cảm sắp có một
vụ tấn công trên đất Mỹ.
Dự cảm bất thường này là có cơ sở bởi ngay trước khi rời khỏi F.B.I,
John O’Neil đang tiến gần đến manh mối cho thấy những kẻ khủng bố người
Yemen đang tìm cách vào nước Mỹ, nhưng rồi tiết lộ của một tên khủng bố
về kế hoạch đánh bom New York đã bị phớt lờ. Đúng ngày định mệnh
11/9/2001,
John O’Neil đang ở toà tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới. Ông
đã sống sót sau vụ tấn công của chiếc máy bay khủng bố đầu tiên. John
O’Neil gọi điện cho vợ thông báo tình hình và bản thân ông đang tìm cách
thoát khỏi toà nhà. Tuy nhiên, cuối cùng thì ông cũng không thoát khỏi
và thi thể của John O’Neil sau đó đã được tìm thấy tại một cầu thang của
toà tháp Nam.
Giàn khoan dầu phát nổ
Trong năm 2010, hoạt động trên giếng dầu Deep Water Horizon, thuộc sở
hữu của Tập đoàn BP và do Transocean điều hành, không được tiến triển
tốt. Thực tế, việc khoan dầu bị chậm tiến độ. Deep Water Horizon đã
khoan một giếng thăm dò tại khu vực Macondo Prospect nằm ngoài khơi bờ
biển phía đông nam Louisiana. Ngày 20/4/2010, giàn khoan dầu phát nổ,
bốc cháy và chìm, làm 11 công nhân thiệt mạng và gây ra một thảm họa môi
trường tồi tệ nhất trong lịch sử Vịnh Mexico...
Sáng hôm ấy, nhân viên Transocean điều hành giàn khoan - Jimmy Harrell
đã tranh cãi với một quan chức cao cấp của BP. BP muốn Harrell thay nước
biển nhẹ hơn để ngăn khí gas tăng lên ống khoan, và không tăng thêm
“bùn”, lớp dưới cùng của ống giàn khoan trước khi đóng nắp giếng (vì chi
phí sẽ tăng lên). Harrell từ chối làm như vậy nếu không kiểm tra rò rỉ.
Cả 2 lần thử nghiệm, bùn đều chảy ra từ đường ống. Tuy nhiên, vì lý do
bất khả kháng, Harrell làm theo chỉ thị, thay bùn nặng bằng nước biển
nhẹ hơn nên khí bắt lửa, giàn khoan phát nổ và bốc cháy. Mặc dù Harrell
tuyên bố ông không nhớ đã cảnh báo với BP nhưng có nhân chứng cho biết
ông đã la hét trên điện thoại khi nói chuyện với văn phòng của BP tại
Houston rằng “Tôi đã nói chuyện này sẽ xảy ra mà”.
Thảm họa Fukushima lẽ ra có thể ngăn chặn
Katsuhiko Ishibashi là giáo sư ngành địa chấn học có uy tín của Đại học
Kobe Nhật Bản. Từ đầu những năm 2000, ông đã cảnh báo Nhật Bản rằng
nhiều nhà máy điện hạt nhân có nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng bởi chúng
được xây dựng trên khu vực dễ bị động đất. Năm 2006, ông quyết định ra
khỏi một ủy ban chính phủ vì cảm thấy công việc rà soát khả năng chống
động đất tại các nhà máy Điện hạt nhân mà ủy ban này thực hiện không
hiệu quả, thậm chí tạo ra điều có lợi cho Hiệp hội Điện lực Nhật Bản.
Những cảnh báo về sự nguy hiểm của thảm họa hạt nhân do động đất còn
được Giáo sư Ishibashi đưa ra tại Hội nghị Liên minh quốc tế về Đo đạc
và Vật lý địa cầu ở Sapporo. Ông nói: “Các mẫu thiết kế địa chấn của các
cơ sở hạt nhân dựa trên các tiêu chuẩn quá cũ so với quan điểm của địa
chấn học hiện đại là không phù hợp. Các cơ quan có thẩm quyền phải thừa
nhận khả năng rằng một thảm họa hạt nhân từ trận động đất có thể xảy ra
và cân nhắc những rủi ro khách quan”. Có lần ông nhấn mạnh: “Tôi nghĩ
rằng tình hình hiện nay là rất đáng sợ... giống như quả bom khủng bố chờ
phát nổ”.
Tất cả những lo ngại của Giáo sư Ishibasi đã trở thành sự thật vào ngày
11/3/2011 khi động đất và sóng thần đã khiến nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Diiachi đặt ở mức thảm họa hạt nhân cấp cao nhất. Tháng 5/2011, ông
nói: “Nếu Nhật Bản đối mặt với nguy hiểm từ trước đó, chúng ta có thể đã
ngăn chặn được thảm họa
Fukushima”.
Theo An Ninh Thủ Đô