“Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”

11/01/2021 - 07:17

 - Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”là một chủ trương lớn của Ðảng. Thời gian qua, sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn, gia nhập thị trường… đã thúc đẩy phát triển sản xuất - kinh doanh, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Năm 2020, các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh và cấp huyện tổ chức tuyên truyền được 124 cuộc, với 6.516 lượt người tham dự bằng nhiều cách làm cụ thể. Ngay từ đầu năm 2020, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố phối hợp các tổ chức thành viên của MTTQ và các ngành chức năng tăng cường tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động; vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tích cực vận động người thân trong gia đình hưởng ứng và tham gia thực hiện Cuộc vận động, xem hàng Việt là sự lựa chọn và ưu tiên hàng đầu khi mua sản phẩm tiêu dùng cho gia đình và cá nhân; các tổ chức, đơn vị trong tỉnh sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công... góp phần làm cho sản xuất phát triển, tạo ra nhiều việc làm cho người lao động. Đồng thời, giúp các doanh nghiệp (DN) Việt Nam vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra. Vận động các DN, cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) đẩy mạnh chương trình bán hàng Việt qua điện thoại, các trang mạng xã hội, như: Zalo, Facebook... phục vụ nhu cầu cho người dân, ở tại nhà vẫn mua được hàng hóa trong giai đoạn giãn cách xã hội do dịch bệnh COVID-19, người dân có điều kiện ủng hộ hàng hóa chất lượng do các DN Việt Nam sản xuất.

Tuyên truyền vận động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Phát hành “Sổ tay người tiêu dùng” làm tài liệu tuyên truyền, cung cấp những thông tin cần thiết, giới thiệu các DN hàng Việt Nam chất lượng cao của tỉnh, các điểm bán hàng Việt, cách phân biệt hàng giả, hàng nhái. Đặc biệt, qua khảo sát tại huyện Tịnh Biên, TX. Tân Châu, TP. Châu Đốc cho thấy, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả chiếm tỷ lệ rất thấp, việc chứa chấp hàng ngoại nhập lậu đã giảm đáng kể so trước đây, nhận thức của người dân được nâng lên. Việc đai vác mướn cho đối tượng buôn lậu giảm nhiều so với trước. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành chức năng rất kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Người dân đã nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Không đứng ngoài cuộc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh và thành viên Ban Chỉ đạo Cuộc vận động tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả, như: Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng ban-ner và chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang thực hiện hơn 550 tin, bài, phóng sự, tiết mục “Người Việt dùng hàng Việt”. Sở Công thương thường xuyên đăng tin, bài về tình hình thị trường hàng hóa, thông tin sản phẩm, các chương trình khuyến mãi kích cầu tiêu dùng trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin điện tử của Sở Công thương, Báo An Giang điện tử, trên website: sanphamangiang.com, trang mạng xã hội Zalo cá nhân và Facebook An Giang. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch lồng ghép tuyên truyền Cuộc vận động vào công tác tuyên truyền, cổ động trực quan phục vụ các sự kiện trọng đại của đất nước, của tỉnh, các ngày kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị...

Thông qua công tác tuyên truyền, đã làm chuyển biến nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, các tầng lớp nhân dân. Người tiêu dùng đã nhận thức được tầm quan trọng của việc ưu tiên dùng hàng Việt; cán bộ, công chức, viên chức từ tỉnh đến cơ sở có ý thức hơn, thể hiện tính gương mẫu trong việc sử dụng hàng Việt; đồng thời, tích cực tuyên truyền cùng thực hiện. Các DN, khi sản xuất hàng hóa, chú trọng hơn về chất lượng, mẫu mã hàng hóa và quan tâm hơn đến lợi ích, sức khỏe của người tiêu dùng.

Hỗ trợ xúc tiến thương mại

Tỉnh đã tăng cường hỗ trợ, kết nối hoạt động xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực của tỉnh trong điều kiện khó khăn chung của nền kinh tế. Sở Công thương phối hợp đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ DN kết nối, tìm cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, như: tổ chức sự kiện "Mua sắm online, không lo dịch bệnh" có trên 80 siêu thị, cửa hàng tiện ích, DN tham gia, đáp ứng nhu cầu mua sắm mà vẫn hạn chế đến chỗ đông nguời, thu hút trên 2.500 lượt mua hàng qua mạng và điện thoại với doanh thu trên 3 tỷ đồng. Phối hợp siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc), siêu thị Co.opmart hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản; tổ chức Ngày hội các sản phẩm tiêu biểu nổi tiếng 4 tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Long An và Tây Ninh. Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư tỉnh kết nối giao thương 18 DN, hợp tác xã An Giang với 9 DN trong và ngoài nước tìm đầu ra cho sản phẩm; xây dựng 3 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP - đặc sản tỉnh An Giang.

Kiểm tra, quản lý thị trường

Ngoài đẩy mạnh quản lý nhà nước và hoạt động của các DN, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn lưu động đến các chợ, khu dân cư, khu công nghiệp, nông thôn; tổ chức Ngày hội nhận diện hàng Việt Nam, tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, quản lý thị trường, góp phần bình ổn thị trường, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng. Theo đó, qua kiểm tra, giám sát gian lận thương mại, hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn, đã phát hiện 47/264 mẫu không đạt an toàn về thực phẩm nông thủy sản; ban hành 30 quyết định xử phạt lĩnh vực SXKD vật tư nông nghiệp, thuốc thú y thủy sản, an toàn thực phẩm... với tổng số tiền hơn 543 triệu đồng, buộc nộp lại số tiền bất hợp pháp 33,8 triệu đồng.

Tăng cường kiểm tra thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của nhân dân, các DN quảng bá được thương hiệu, nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng để xây dựng chiến lược kinh doanh, phù hợp với thị trường, nâng giá trị sản phẩm, giúp hàng hóa Việt đứng vững trên thị trường nội địa. Người tiêu dùng có cơ hội được tiếp cận và sử dụng nguồn hàng hóa thuần Việt với chất lượng tốt, giá cả phù hợp với thu nhập của người dân.

HẠNH CHÂU

 

Liên kết hữu ích