An Giang giải quyết việc làm cho lao động nông thôn

06/03/2020 - 04:53

 - Thay vì phải rời bỏ quê hương đến các thành phố lớn để làm công nhân, nhiều lao động ở khu vực nông thôn, đặc biệt là phụ nữ đã chọn cách tham gia các lớp dạy nghề ở tại địa phương. Được hỗ trợ học nghề, tạo cơ hội việc làm đã giúp nhiều lao động nông thôn nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, nhất là lúc nông nhàn.

Bước ra từ cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp” năm đầu tiên, với dự án “Lục bình dây chuối từ quê ra phố”; được hỗ trợ vốn từ quỹ hỗ trợ của Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp, bạn Huỳnh Thị Diễm (Tri Tôn, An Giang) đã thành lập Công ty TNHH MTV Thủ công mỹ nghệ Vĩnh An. Từ nguồn nguyên liệu lục bình sẵn có ở địa phương, Diễm nảy ra ý tưởng biến lục bình thành sản phẩm mỹ nghệ, giúp lao động nhàn rỗi ở địa phương có thêm thu nhập.

Không dừng lại ở ý tưởng, Diễm nhanh chóng viết dự án, triển khai ngay kế hoạch của mình. Đầu tiên, Diễm bỏ thời gian xuống Vĩnh Long học nghề đan đát lục bình, sau đó về mở lớp dạy nghề cho bà con ở địa phương. Học nghề xong, đan đát thành thạo, bà con sẽ lãnh nguyên liệu về nhà làm, Diễm sẽ đến tận nơi để thu gom và trả tiền công theo sản phẩm đã làm ra.

Thời gian đầu, một số bà con mới học nghề xong còn chưa quen, nhưng làm vài lần quen tay trở nên thành thục, khéo tay. Tùy vào tay nghề và loại sản phẩm gia công, thu nhập từ 80.000-120.000 đồng/người/ngày.

“Các chị, các cô, các bà có thể vừa ở nhà trông cháu, nấu cơm, vừa có việc làm kiếm thêm thu nhập nên ai cũng phấn khởi, chỉ cần siêng năng, chịu khó là có thêm phần chi phí trang trải kinh tế gia đình” - Diễm cho biết.

Hiện nay, ngoài đầu ra ổn định của các sản phẩm mỹ nghệ lục bình vì có hợp đồng thu mua lâu dài, công ty của Diễm còn nhận cung cấp các sản phẩm làm từ tre, hay các sản phẩm tái chế từ giấy báo... Nhờ có việc làm ổn định, có sản phẩm để người lao động làm nhiều nên công ty của Diễm hiện đang giải quyết việc làm cho khoảng 50 lao động trong và ngoài địa phương.

Là phụ nữ với đôi chân khuyết tật, chị Nguyễn Thị Phương Thanh (xã Vọng Đông, Thoại Sơn, An Giang) đã chọn nghề may để theo học với suy nghĩ đơn giản là có thể may đồ cho bản thân và gia đình. Suy nghĩ là vậy, nhưng chị Thanh phải mất mấy tháng mới tập làm quen được chiếc máy may và đường kim, mũi chỉ.

Sau này, khi có được chiếc máy may công nghiệp, công việc may vá mới bắt đầu thuận lợi với chị Thanh. Từ việc đi phụ giúp may gia công các mặt hàng bóp, ví cầm tay, túi xách... sau vài năm thành thạo với nghề, chị Thanh nhận hàng về quê để gia công, đồng thời rủ thêm 4, 5 chị em ở xóm cùng làm để họ có thêm thu nhập.

“Mới đầu chưa biết thực lực của mình tới đâu nên chưa dám nhận nhiều, mỗi tuần chỉ dám lãnh 1 đơn hàng khoảng 2.000 chiếc bóp viết, ví cầm tay... các loại. Sau này, nhờ Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, huyện giới thiệu vay 140 triệu đồng có kinh phí nhập nguyên liệu, mua thêm máy móc phục vụ cho việc mở rộng cơ sở của mình, công việc từ đó thuận lợi hơn” - chị Thanh nhớ lại.

Nhờ mở rộng cơ sở, làm ăn uy tín, chất lượng nên số lượng sản phẩm xuất xưởng của cơ sở chị Thanh ngày càng tăng lên, trung bình mỗi tuần xuất 2 đơn hàng với khoảng 3.000-4.000 sản phẩm bóp viết, ví cầm tay, móc khóa, túi xách. Đến nay, gần 15 năm hoạt động, cơ sở may gia công của chị Thanh đã tạo việc làm cho 30 - 40 lao động, thu nhập ổn định từ 2,5-3 triệu đồng/tháng.

“Khi đến với cơ sở của tôi, chị nào chưa biết may, chưa biết sử dụng máy may công nghiệp, tôi tận tình hướng dẫn và dạy nghề miễn phí cho các chị. Đa phần các chị em nhận hàng về nhà may, để tranh thủ thời gian rảnh vừa chăm sóc gia đình, vừa may kiếm thêm thu nhập” - chị Thanh cho hay.

Với những trường hợp khó khăn cũng được chị Thanh rất quan tâm, sẵn sàng hỗ trợ tiền mua máy may, rồi sẽ trả dần hàng tháng. Thời gian qua, chị Thanh đã hỗ trợ cho 5 chị khó khăn mua máy may, tổng số tiền 20 triệu đồng. Tuy là người khuyết tật, nhưng với ý chí vươn lên của bản thân, chị Thanh không chỉ sống tốt mà còn tạo công ăn, việc làm cho nhiều phụ nữ nghèo, khó khăn ở địa phương.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích