Bảo tồn nguồn gen động, thực vật quý hiếm

15/06/2021 - 04:07

 - Trước tình trạng nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có giá trị kinh tế cao đang dần bị mai một, tỉnh An Giang đã và đang triển khai nhiều giải pháp quyết liệt, mang tính bền vững để giữ gìn, bảo tồn các “tài nguyên” quý giá này.

Mai vàng Tân Châu được bảo tồn theo dự án của tỉnh

Nguy cơ mai một

An Giang là tỉnh có điều kiện tự nhiên rất đặc trưng so với những tỉnh, thành phố khác khu vực ĐBSCL. Tỉnh có đồng bằng rộng lớn, đất đai màu mỡ, phì nhiêu, hàng năm được sông Tiền và sông Hậu chảy qua, cung cấp lượng phù sa dồi dào. Bên cạnh đó là hệ thống sông ngòi chằng chịt, thuận lợi cho canh tác nông nghiệp của người dân. Ngoài ra, An Giang còn có địa hình đồi núi với thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng. Những yếu tố trên giúp An Giang có nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tiềm năng dược liệu to lớn.

Tuy nhiên, trong quá trình canh tác, khai thác, cải tạo đất và làm thủy lợi thâm canh đã làm môi trường thiên nhiên hoang dã bị thay đổi. Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư cho biết, các loại thực vật thích nghi lâu đời ở một số vùng đất hoang hóa, bưng trũng thấp đang dần mất đi, đẩy nhanh sự phát triển của các loài cỏ dại gây hại. Bên cạnh đó, các quần thể thực vật nguyên sinh hầu như không còn, hiện chỉ có các quần thể thực vật thứ sinh. Các loài thực vật đặc trưng của vùng dần bị mất đi.

Bên cạnh sự thay đổi về hệ thực vật, quá trình canh tác thâm canh của con người kéo theo sự thay đổi về hệ động vật. Một số loài thú lớn đã từng tồn tại ở vùng Bảy Núi ngày nay đã không còn tìm thấy. Nhiều loài thủy sản có nguy cơ bị biến mất do sự khai thác quá mức của con người và môi trường tự nhiên thay đổi, không phù hợp cho sự sinh sản, phát triển...

Trước thực trạng trên, tỉnh An Giang đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn và duy trì nguồn gen của các loại động, thực vật quý hiếm nhằm giữ gìn và làm đa dạng nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh. Qua đó, không những giúp người nông dân giảm nghèo, phát triển kinh tế mà còn bảo vệ môi trường sống.

Cây Bí kì nam

Bảo tồn nguồn gen

Nhãn Mỹ Đức là một trong những giống nhãn bản địa của người dân xã Mỹ Đức (huyện Châu Phú). Giống nhãn này có đặc tính rất dễ trồng, dễ ra hoa, đậu trái. Nhãn cho trái to, cơm dày, thịt có màu vàng, vị ngọt thanh, tỷ lệ thịt trái vượt trội so với nhãn trồng ở những vùng đất khác. Bên cạnh đó, năng suất giống nhãn này khá ổn định, cây 8-10 năm tuổi có năng suất trung bình 150-200kg/cây/năm...

Năm 2019, để bảo tồn và phát triển nguồn gen của giống nhãn quý này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Phú phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện nhân giống 1.900 cây nhãn Mỹ Đức từ 110 cây nhãn đầu dòng. Đến nay, tỷ lệ sống của cây nhãn Mỹ Đức được nhân giống đạt hiệu suất rất cao và đã cấp phát cho nhiều nông dân canh tác.

Nhãn Mỹ Đức là một trong nhiều giống cây trồng, vật nuôi mà tỉnh An Giang thực hiện bảo tồn theo đề án bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, tính từ năm 2014-2020, tỉnh đã bảo tồn và lưu trữ 23 nguồn gen; đưa vào khai thác và sử dụng 6 nguồn gen của các đối tượng động, thực vật. Trong đó, có nhiều loại động, thực vật có giá trị kinh tế cao như: xoài thơm Vĩnh Hòa, gà tàu, cá heo nước ngọt...

Trầm hương

Giai đoạn 2021-2025, An Giang sẽ tiếp tục điều tra, thu thập và bổ sung nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có giá trị kinh tế và khoa học trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu một số nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế, giá trị khoa học của tỉnh. Từ đó, hướng đến bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen quý, đặc hữu của An Giang có nguy cơ tuyệt chủng ở một số loài bản địa, cây lâm nghiệp và dược liệu. Tỉnh còn xây dựng khu vực nuôi trồng chuyên canh một số loại cây trồng bản địa, đồng thời xã hội hóa từ 1-2 giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu quý hiếm, đặc hữu có giá trị kinh tế cao để người dân canh tác.

ĐỨC TOÀN

Trong giai đoạn này, các ngành chức năng dự kiến sẽ điều tra, khảo sát 28 đối tượng vào nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cấp tỉnh, chủ yếu là các loại cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu, như: mai vàng Tân Châu, sầu riêng núi Cấm, quế khâu, trầm hương, bí kì nam, hà thủ ô đất...