Bạo lực leo thang phủ bóng chiến dịch tranh cử Tổng thống Afghanistan

29/07/2019 - 19:12

Nhiều cử tri Afghanistan bày tỏ hy vọng, cuộc bầu cử lần này sẽ giúp chấm dứt được tình trạng bạo lực, mang lại hòa bình cho đất nước và người dân.

Afghanistan hôm qua (28-7) đã chính thức khởi động chiến dịch vận động tranh cử tổng thống dự kiến vào cuối tháng 9 tới, trong bối cảnh nước này đang đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có tình hình an ninh trong nước. Nhiều cử tri Afghanistan bày tỏ hy vọng, cuộc bầu cử lần này sẽ giúp chấm dứt được tình trạng bạo lực, mang lại hòa bình cho đất nước và người dân.

Ông Ashraf Ghani diễn thuyết trong ngày đầu chiến dịch tranh cử tại Kabul. (Ảnh: Independent.ie).

Cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan dự kiến diễn ra vào ngày 28/9 tới là cuộc bầu cử Tổng thống lần thứ tư tại quốc gia Tây Nam Á này kể từ khi chính quyền Taliban sụp đổ vào cuối năm 2001. Trong một tuyên bố, Ủy ban bầu cử Afghanistan cho biết chiến dịch vận động tranh cử sẽ kết thúc vào ngày 25/9, tức 48 giờ trước khi bắt đầu bỏ phiếu. Như vậy, là các ứng cử viên sẽ còn khoảng 2 tháng để vận động tranh cử nhằm thu hút lá phiếu của cử tri.

Tổng thống đương nhiệm Afghanistan Ashraf Ghani là ứng cử viên đầu tiên đã chính thức khởi động chiến dịch tranh cử trong ngày hôm qua (28/7), với cam kết thúc đẩy hòa bình và một nền quản trị hành chính tốt, nếu đắc cử.

“Chúng tôi muốn chấm dứt đổ máu ở đất nước này. Tôi muốn chấm dứt đổ máu, với các nguyên tắc ổn định và có hệ thống. Ưu tiên thứ 2 của tôi khi tiếp tục tranh cử là tái thiết lập vai trò của Afghanistannhư một quốc gia nằm ở khu vực trung tâm của châu Á và trung tâm của nền văn minh thế giới”, ông Ashraf Ghani nói.

Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2019 có 18 ứng cử viên tham gia tranh cử. Trong số các đối thủ của ông Ghani có cựu Giám đốc tình báo Rahmatullah Nabil và đối thủ Abdullah Abdullah – người từng cạnh tranh với ông Ghani trong cuộc bầu cử Tổng thống hồi năm 2014.

Cuộc bầu cử Tổng thống Afghanistan đã 2 lần bị trì hoãn do thiếu sự chuẩn bị và bị phủ bóng đen bởi các vụ bạo lực liên tiếp tại Afghanistan cũng như nỗ lực thúc đẩy hòa bình với Taliban vẫn dậm chân tại chỗ. Một ngày trước khi khởi động chiến dịch vận động tranh cử, Chính phủ Afghanistan đã công bố kế hoạch chuẩn bị cho các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp với Taliban trong vòng 2 tuần song phía Taliban đã nhanh chóng bác bỏ, với lý do, phía Mỹ phải đồng ý rút quân khỏi Afghanistan trước khi các bên ở nước này chính thức đàm phán.

Bạo lực vẫn là một thách thức lớn đối với Afghanistan lúc này. Chỉ tính riêng trong tháng 7 đã có hơn 10 vụ tấn công nhằm vào thủ đô Kabul và nhiều địa phương khác khiến nhiều người thiệt mạng. Bạo lực không ngừng gia tăng, cộng thêm những tranh cãi về kết quả bầu cử Quốc hội, với cáo buộc gian lận hồi năm ngoái, đã khiến nhiều cử tri không khỏi quan ngại về tương lai của cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới. Đối với nhiều người dân Afghanistan, một nền hòa bình dù mong manh vẫn là cách tốt nhất để mang lại sự ổn định lâu dài cho đất nước và cho phép cộng đồng quốc tế giảm dần sự hiện diện tại đây. 

Một số người dân nói: “Cuộc bầu cử này rất quan trọng đối với đất nước chúng tôi. Tuy nhiên, chúng cần phải được tiến hành một cách minh bạch và không có gian lận trong bầu cử".

“Mọi người cần phải bỏ phiếu cho một ứng cử viên đáng tin cậy và phục vụ người dân tốt. Họ nên bỏ phiếu cho người có thể mang lại hòa bình và ổn định cho đất nước.”

Chiến tranh và xung đột đã tàn phá đất nước Afghanistan nặng nề suốt nhiều năm. Kể từ khi phương Tây rút phần lớn binh lính khỏi nước này vào năm 2014, sau khi đã phải hao tổn nhiều sinh mạng và tiền của trong cuộc chiến này, Afghanistan vẫn là đất nước của xung đột và nghèo đói. Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, kể từ năm 2009 đến nay, đã có hơn 26.000 dân thường ở Afghanistan thiệt mạng và gần 49.000 người bị thương do xung đột vũ trang và hơn 1 triệu người khác phải đi sơ tán.

Theo VOV