Cà Mau: Linh hoạt trong chuyển đổi vị trí công tác

16/05/2024 - 16:18

Sáng 16/5, Đoàn giám sát Ban Pháp chế - HĐND tỉnh do Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Nguyễn Sơn Ca làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh về việc chấp hành pháp luật về chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.

A A

Tiếp và làm việc với đoàn có Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cùng đại diện sở, ngành cấp tỉnh và UBND các huyện, TP Cà Mau.

Theo UBND tỉnh, nhìn chung, đội ngũ công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, xây dựng, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, giáo dục và đào tạo, tố chức cán bộ, thanh tra, tài chính - kế toán, quản lý tài sản công được sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ cơ bản phù hợp với Đề án vị trí việc làm được cấp thấm quyền phê duyệt. Về trình độ chuyên môn, đa số công chức, viên chức có trình độ đào tạo từ đại học trở lên.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi cho rằng, các đơn vị, địa phương xây dựng đề án vị trí việc làm cần phải cơ động, linh hoạt.

Từ năm 2021-2023, căn cứ quy định về chuyển đổi vị trí công tác, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, đa số các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện việc rà soát, xác định vị trí cần chuyển đổi công tác, ban hành kế hoạch và thực hiện chuyến đổi vị trí công tác theo quy định. Một số ít cơ quan, đon vị không ban hành kế hoạch chuyến đổi vị trí công tác do không có công chức, viên chức đến hạn phải thực hiện chuyển đổi vị trí công tác. Cụ thể: năm 2021, có 34/38 cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; năm 2022, có 36/38 cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác; năm 2023, có 33/38 cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác.

Ông  Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế - HĐND tỉnh, ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu tham dự buổi giám sát.

UBND tỉnh đánh giá, công tác ban hành kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác cơ bản đảm bảo nội dung theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng cũng như các văn bản quy phạm khác có liên quan.

Trong giai đoạn từ năm 2021-2023, có tổng số 770 công chức, viên chức đến hạn phải chuyển đổi vị trí công tác theo quy định, đã thực hiện chuyển vị trí công tác đối với 450 công chức, viên chức, đạt 58,44%.

Ông Tô Hoài Phương, Chủ tịch UBND TP Cà Mau cho rằng, việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác đã và đang gặp một số khó khăn, trong đó có khó khăn ngay chính cán bộ được chuyển đổi trong tiếp cận vị trí mới, đã có tình trạng “điểm đi thì có, nhưng điểm đến thì chưa”.

Tại buổi giám sát, UBND tỉnh và một số sở, ngành tỉnh, các địa phương cũng nhìn nhận trong thực hiện chuyển đổi vị trí công tác thời gian qua còn nhiều khó khăn. Đáng quan tâm là một số cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác còn mang tính đối phó, chưa đảm bảo nội dung theo yêu cầu. Cụ thể: chưa nêu rõ trường hợp phải chuyến đổi vị trí công tác, thời gian thực hiện việc chuyển đổi, quyền, nghĩa vụ của người phải chuyển đổi và biện pháp tổ chức thực hiện. Do đó, ảnh hưởng đến tính khả thi của kế hoạch chuyển đổi vị trí công tác. Sau khi chuyển đổi vị trí công tác, một bộ phận công chức, viên chức chưa kịp thời thích nghi với vị trí việc làm mới, gây ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả giải quyết công việc. Việc chuyển đổi vị trí công tác từ cơ quan, đơn vị, địa phương này sang cơ quan, đơn vị, địa phương khác (khi cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ có 1 vị trí việc làm trong danh mục định kỳ chuyển đổi mà vị trí này có yêu cầu chuyên môn, nghiệp vụ khác với các vị trí còn lại trong cơ quan, đơn vị, địa phương) gặp nhiều khó khăn, do công chức, viên chức phải thay đổi môi trường làm việc, đi làm xa nhà..., trong khi chưa có quy định về chế độ chính sách để hỗ trợ, động viên đối với công chức, viên chức.

Trong giai đoạn 2021-2023, các sở, ngành tỉnh đã thực hiện chuyển vị trí công tác đối với 450 công chức, viên chức, đạt 58,44%. (Ảnh minh hoạ)

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Văn Bi đề nghị: "Các đơn vị, địa phương xây dựng đề án vị trí việc làm phải cơ động, linh hoạt để có điều kiện bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp; phải xác định từng vị trí việc làm đưa vào kế hoạch hằng năm. Cùng với đó, cần làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, không để ảnh hưởng đến công việc. Điều quan trọng cần lưu ý là không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong công tác này".

Thay mặt Đoàn giám sát, ông  Nguyễn Sơn Ca, Trưởng ban Pháp chế - HĐND ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của đại biểu tham dự buổi giám sát. Thông qua giám sát, đoàn đã ghi nhận nhiều ý kiến phản ánh đúng thực tế tại địa phương. Đồng thời, mong rằng thời gian tới sẽ tiếp tục ghi nhận nhiều hơn nữa đóng góp của sở, ngành, địa phương nhằm cụ thể hoá Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định về chuyển đổi vị trí công tác một cách hiệu quả hơn./.

Theo VĂN ĐUM (Báo Cà Mau)