Châu Âu trước ranh giới đỏ: Cứu vãn hay từ bỏ Thỏa thuận hạt nhân?

23/01/2020 - 13:41

Bất chấp cảnh báo cứng rắn, cả Iran và 3 nước châu Âu đều đang cố gắng tránh viễn cảnh thỏa thuận hạt nhân sụp đổ.

Iran hôm qua (22/1) tuyên bố có thể rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, nếu bất đồng gia tăng với các nước châu Âu liên quan đến Thỏa thuận này. Trong khi 3 nước châu Âu là Anh, Pháp Đức có mọi ý định để cứu vãn Thỏa thuận hạt nhân, nhưng việc kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp với Iran cho thấy sự bất lực của các nước này trước sức ép của Mỹ và có khả năng phá hủy Thỏa thuận cũng như làm tình hình trở nên tồi tệ hơn.

Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: RT.

Hãng tin chính thức IRNA dẫn lời Chánh Văn phòng Phủ Tổng thống Iran, ông Mahmoud Vaezi cho biết, nếu các nước phương Tây vẫn kiên quyết đưa vấn đề hạt nhân của Iran ra Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc như đã thảo luận, Iran buộc phải quyết định cứng rắn rời khỏi thỏa thuận này. Ông cho biết thêm Tổng thống Iran Hassan Rouhani trước đó đã đề cập khả năng này trong thư gửi các nhà lãnh đạo châu Âu. 

Với việc Tổng thống Trump rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran đã khiến châu Âu rơi vào thế khó. Mỹ gia tăng sức ép buộc châu Âu phải từ bỏ thỏa thuận trong khi Iran kêu gọi các nước châu Âu phải duy trì thỏa thuận. Việc Iran liên tiếp rút các cam kết trong thỏa thuận đã khiến các nước châu Âu phải kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua (22/1) cũng cảnh báo, Pháp sẽ không “linh hoạt” về các tham vọng hạt nhân của Iran và nước này quyết tâm đảm bảo Iran sẽ không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân.

“Riêng đối với vấn đề hạt nhân Pháp sẽ không nhân nhượng. Từ năm 2017 chúng tôi đã bày tỏ mong muốn đưa vấn đề tên lửa đạn đạo và hành vi gây bất ổn của Iran trở thành một phần của thỏa thuận. Trong bối cảnh hiện nay, Pháp quyết tâm khẳng định Iran không bao giờ sở hữu vũ khí hạt nhân”, ông Emmanuel Macron nói.

Với việc EU kích hoạt qui trình giải quyết tranh chấp, nếu không được giải quyết trước ủy ban chung, vấn đề sẽ tiếp tục được đưa lên một ban cố vấn và cuối cùng có thể lên tới Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran. Khi đó chắc chắn Iran sẽ đưa ra biện pháp phản ứng, với khả năng rút khỏi thỏa thuận. Điều này cho thấy với tuyên bố châu Âu muốn cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nhưng bước đi mới nhất này đang có nguy cơ phá hủy thỏa thuận và làm cho mọi việc tồi tệ hơn.

Bất chấp cảnh báo cứng rắn của cả hai bên nhưng rõ ràng cả Iran và 3 nước châu Âu đều đang cố gắng tránh viễn cảnh thỏa thuận hạt nhân sụp đổ, vì những lợi ích của thỏa thuận này. Iran cho biết muốn tiếp tục đàm phán với châu Âu, trong khi châu Âu nhấn mạnh duy trì thỏa thuận và thúc đẩy một giải pháp ngoại giao.

Tổng thống Iran Rouhani cũng đã liên kết vấn đề kinh tế của nước này đối với an ninh châu Âu, cảnh báo rằng gánh nặng trừng phạt sẽ tác động đến khả năng đối phó với “các tổ chức tội phạm và khủng bố”, dẫn đến làn sóng tội phạm, người tị nạn và tấn công gia tăng nhằm vào châu Âu. Giám đốc Dự án về Iran của Nhóm khủng hoảng quốc tế Ali Vaez cho rằng, sự sụp đổ của thỏa thuận hạt nhân có thể mang đến một cuộc xung đột khác trong khu vực, với làn sóng tội phạm và lực lượng cực đoan tiến tới châu Âu.

Ngoài ra, việc Iran và Mỹ dấn sâu vào vòng xoáy leo thang không có lối thoát cũng sẽ tác động không nhỏ đến an ninh và lợi ích châu Âu. Chính vì vậy, với vị trí “yếu ớt” của các nước châu Âu hiện nay, điều mà các nước này hi vọng nhất là có thể tiếp tục duy trì Thỏa thuận hạt nhân, thậm chí chỉ trên danh nghĩa, để đảm bảo tình hình không vượt ngoài tầm kiểm soát, với hi vọng có sự thay đổi chính trị lớn sau cuộc bầu cử Mỹ sắp tới.

Theo VOV