Cồn Ốc khởi sắc

14/02/2019 - 13:40

Cồn Ốc là tên gọi của xã Hưng Phong, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) nằm cách biệt với đất liền. Nơi này vẫn yên bình, đâu đâu cũng rợp mát bóng dừa xanh. Nhịp sống dẫu chưa đến mức hối hả nhưng cũng đủ rộn ràng, sôi động và người dân đầy ắp niềm tin.

A A

Hơn 20 năm qua, cùng với Phước Long, Hưng Phong là một trong những xã của huyện Giồng Trôm chuyên SX giỏ cọng dừa để tiêu thụ khắp nơi trong nước. Ông Nguyễn Thanh Liêm, Phó Chủ tịch UBND xã phấn khởi nó, hiện xã có 500 hộ đan giỏ cọng dừa, trong đó có vài chục hộ quy mô lớn, số còn lại tận dụng thời gian nhàn rỗi để đan giỏ. Nhiều hộ có điều kiện tự làm khung, mua dây và cọng dừa về đan giỏ. Một số hộ nhận khung, dây và cọng dừa từ các hộ SX quy mô lớn về hoàn thiện sản phẩm. Do khung giỏ được xử lý, nên giỏ thành phẩm có thể trữ lại 1 năm.

Làng nghề làm giỏ cọng lá dừa Cồn Ốc tấp nập, sôi động hơn, nhiều chuyến xe chở giỏ cọng lá dừa đi tiêu thụ khắp cả nước

“Cùng với nghề đan giỏ, nghề làm thủ công mỹ nghệ từ gỗ dừa, gáo dừa từ lâu cũng được xem trọng. Nơi đây từng rất hấp dẫn khách tham quan về nhiều loại mẫu mã giỏ xách kết từ những mẫu gáo dừa nhỏ xíu được cách điệu và họa tiết hoa văn. Các cơ sở làm hang thủ công mỹ nghệ đã góp phần giải quyết việc làm cho gần trăm lao động nhàn rỗi, nhất là phụ nữ không có điều kiện đi làm xa. Các nghề SX từ cây dừa đang phát triển khá ổn định, tạo điều kiện cho người dân đất cồn ăn nên làm ra”, ông Liêm cho biết thêm.

Riêng ấp Hưng Quý có khoảng 350 hộ dân thì có hơn 120 hộ duy trì nghề đan giỏ bằng cọng dừa. Ấp có 3 cơ sở thu mua giỏ để tiêu thụ tại các tỉnh, TP trong cả nước. Hơn tháng nay, nhà nào cũng thật đông vui, từ người già đến người trẻ ngồi quây quần đan giỏ. Cảnh tất bật như thế này là do mùa Tết, nhu cầu giỏ đựng quà tặng tăng cao nên sản phẩm giỏ cọng lá dừa tiêu thụ mạnh, giá bán cũng nhỉnh hơn trước.

Chị Nguyễn Thị Thu ở ấp Hưng Quý cho biết, nghề đan giỏ bằng cọng dừa là nghề dành cho lao động nghèo và nhàn rỗi, vì nó không cần nhiều vốn. Hộ nào nhiều vốn thì mua nguyên liệu về đan giỏ bán, còn ít vốn thì nhận nguyên liệu về đan gia công. Công việc nhàn nhã không kể ngày hay đêm, phụ nữ hay người cao tuổi đều có thể làm được.

“Nguồn nguyên liệu cọng dừa phần lớn mua ở địa phương có giá từ 10.000 – 12.000đ/kg. Bình quân 1kg cọng dừa có thể SX được từ 10 – 12 chiếc giỏ. Giỏ loại nhỏ giao cho thương lái 4.000đ/chiếc, giỏ loại trung 5.000/chiếc, loại lớn 6.300 – 6.500đ/chiếc. Hộ tự mua nguyên liệu về SX thu lợi nhuận 50%, còn thuê lao động đan giỏ thì chia đôi lời lãi. Mỗi năm, gia đình tôi làm ra từ 12.000 – 15.000 chiếc giỏ cọng dừa, cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống”, chị Thu nói.

Chị Nguyễn Thị Thu ở ấp Hưng Quý, khéo léo trong từng động tác đan giỏ cọng dừa

So với các xã ở đất liền, Cồn Ốc gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM như việc xây dựng đường giao thông nông thôn là rất khó khăn bởi phải có chi phí san lắp mặt bằng. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thanh Liêm, hiện nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông nông thôn chủ yếu từ nguồn vốn của xã bãi ngang. Đầu năm 2017, xã Hưng Phong được công nhận là xã bãi ngang và hàng năm được đầu tư 1,6 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông.

Theo quy hoạch phát triển du lịch sinh thái, Hưng Phong đầu tư tuyến đường đê bao với chiều dài 4,7km, rộng 3,5m nối liền với cù lao Long Thành, xã Sơn Phú, tạo điều kiện để người dân đất cồn khai thác tiềm năng phát triển du lịch, nâng cao giá trị SX trên mỗi ha đất nông nghiệp và làm ra nhiều mặt hàng nông sản, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa – xã hội địa phương.

Tuyến đường về ấp Hưng Long – Hưng Phú vừa được bê tông hóa

Tính đến thời điểm này, Hưng Phong mới đạt 9 tiêu chí NTM, tỷ lệ hộ nghèo còn 17,7%. Đất thì ít dần trong quá trình nước biển dâng lên, người mỗi lúc một đông. Ngoài thu nhập từ dừa ra, người dân Hưng Phong đều có con em đi làm ăn xa, vào các khu công nghiệp... gửi tiền về nên cũng đỡ khó khăn hơn.

Theo PHƯƠNG NGHI (Nông Nghiệp)