Đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường

10/12/2019 - 07:22

 - Thời gian qua, tỉnh đã có nhiều giải pháp về tăng cường đảm bảo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự chủ động, tích cực của ngành GD&ĐT, sự nỗ lực của từng cán bộ, giáo viên, nhân viên trong ngành, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trong ngành GD&ĐT đã đạt nhiều kết quả. Theo đó, nhiều trường đã xây dựng và tổ chức thực hiện khá tốt bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Mối quan hệ giữa thầy với thầy, giữa thầy với trò, giữa trò với trò trở nên thân thiện, lành mạnh. Có thể nói, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện là môi trường giáo dục mà người học được bảo vệ, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần; không có tệ nạn xã hội, không bạo lực. Người học, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa. Ở đó, người học được tôn trọng, đối xử công bằng, bình đẳng và nhân ái, được tạo điều kiện để phát triển phẩm chất và năng lực…

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường là nhiệm vụ rất quan trọng của ngành giáo dục

Tuy nhiên, theo Sở GD&ĐT, việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, bất cập. Cụ thể, một số trường, ngoài nhiệm vụ dạy văn hóa, chưa thật sự quan tâm đúng mức đến việc giáo dục đạo đức, nhân cách học sinh. Tình trạng một số giáo viên thiếu gương mẫu trong lối sống, phát ngôn, giao tiếp. Vẫn còn một bộ phận học sinh chưa lễ phép, tôn trọng thầy cô, người lớn tuổi; cá biệt, một số học sinh vô lễ với thầy cô, chưa thân thiện với bạn bè. Bên cạnh đó, tình trạng bạo lực học đường vẫn còn xảy ra ở một số đơn vị. Biểu hiện dễ thấy nhất là việc giáo viên dùng đòn roi để “dạy dỗ” học sinh hoặc dùng những ngôn từ khiếm nhã chê bai học sinh. Ở học sinh, có em tỏ thái độ thiếu tôn trọng bạn bè, thiếu kiềm chế, thiếu kỹ năng giải quyết xung đột.

Thực hiện Kế hoạch số 820/KH-UBND ngày 24-12-2018 của UBND tỉnh về việc thực hiện Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh, Sở GD&ĐT vừa tiến hành Hội nghị “Tăng cường giải pháp thực hiện việc xây dựng môi trường lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường”. Tại hội nghị, các đại biểu đã rà soát việc triển khai thực hiện Thông tư số 06/2019/TT-BGD&ĐT ngày 12-4-2019 của Bộ GD&ĐT quy định về việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên đối với các cơ sở giáo dục toàn ngành. Đồng thời thảo luận, thống nhất các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh…

Hiệu trưởng Trường THCS Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) Phùng Thị Bằng An  chia sẻ: “Thời gian qua, tại Trường THCS Mỹ Thới đã xảy ra vụ việc đánh bạn của học sinh trường. Khi vụ việc xảy ra, các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương, nhà trường đến thăm hỏi, động viên học sinh ổn định tâm lý để tiếp tục đến trường. Về phía các em học sinh đánh bạn đã thấy việc làm sai trái và thành khẩn nhận lỗi và kết quả kỷ luật từ nhà trường. Qua vụ việc trên, nhà trường rút ra kinh nghiệm trong phòng chống bạo lực học đường như: không được chủ quan, tiếp nhận và xử lý thông tin cần phù hợp hơn… Vừa qua, UBND phường Mỹ Thới (TP. Long Xuyên) tổ chức lễ ra mắt mô hình “Phòng chống bạo lực học đường” Trường THCS Mỹ Thới. Ban điều hành mô hình, gồm: lãnh đạo phường, Công an phường, Ban Giám hiệu Trường THCS Mỹ Thới và giáo viên chủ nhiệm, cùng phụ huynh học sinh… sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động vận động, tuyên truyền, giám sát học sinh chấp hành nghiêm nội quy trường học; các quy định về an ninh trật tự, trật tự an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường…”.

Công tác giáo dục nói chung và việc xây dựng văn hóa ứng xử, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường trong trường học nói riêng được xác định là nhiệm vụ quan trọng, trọng tâm của ngành GD&ĐT, nhằm góp phần xây dựng xã hội học tập tốt đẹp.

 PHƯƠNG LAN

 

Liên kết hữu ích