Dịch COVID tại châu Âu: Số ca tử vong tại Anh, Pháp tiếp tục tăng mạnh

03/04/2020 - 14:00

Anh hiện đứng thứ 7 trong số các quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới, trong khi đó Pháp cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên 5.387 ca.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một trạm xét nghiệm lưu động ở London, Anh, ngày 31-3-2020. (Nguồn: THX-TTXVN)

Phóng viên TTXVN tại London dẫn nguồn Bộ Y tế Anh ngày 2-4 cho biết số ca tử vong tại Anh do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong 24 giờ qua đã tăng 569 ca (24%) lên 2.921 ca.

Trong tổng số 163.194 người được xét nghiệm tại Anh trong thời gian qua, có 33.718 người được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2.

Anh hiện đứng thứ 7 trong số các quốc gia có số ca tử vong do COVID-19 cao nhất trên thế giới, sau Italy, Tây Ban Nha, Mỹ, Pháp, Trung Quốc và Iran.

Cùng ngày, Pháp cho biết số ca tử vong do COVID-19 tại nước này đã lên 5.387 ca, sau khi ghi nhận thêm 471 ca tử vong tại bệnh viện trong ngày 2-4 cũng như số liệu ban đầu về 884 ca tử vong tại các viện dưỡng lão kể từ đầu dịch.

Khoảng 26.000 người vẫn đang điều trị trong bệnh viện tại Pháp với 6.399 người đang được chăm sóc đặc biệt.

Kể từ ngày 17-3 vừa qua, Pháp đã áp đặt lệnh phong tỏa trong nỗ lực nhằm làm chậm lại sự lây lan của dịch bệnh.

Người dân chỉ được phép ra ngoài  khi thực sự cần và phải mang theo giấy tờ chứng minh.

Phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe kêu gọi người dân tuân thủ lệnh phong tỏa để vượt qua dịch bệnh hiện nay.

Một số bệnh viện khu vực cho biết đã giảm bớt được áp lực điều trị, song ông Jerome Salomon, một quan chức y tế hàng đầu Pháp, cảnh báo hãy còn quá sớm để đánh giá lệnh phong tỏa này có hiệu lực hay không. Số ca nhiễm tại Pháp hiện là 59.105 ca.

Trong khi đó, giới chức y tế Thụy Sĩ cho biết nước này vẫn chưa ghi nhận đỉnh dịch COVID-19 và còn quá sớm để dừng các biện pháp phong tỏa.

Phát biểu tại họp báo, một quan chức hàng đầu của Cơ quan Y tế liên bang Thụy Sĩ (FOPH) Daniel Koch nêu rõ tình trạng gia tăng các ca nhiễm không còn nguy hiểm như trước, song vẫn còn quá sớm để dự báo tình hình trong những tuần tới, cũng như giảm bớt các biện pháp hạn chế hiện nay.

Theo cập nhật của FOPH, Thụy Sĩ là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 tại châu Âu, khi cứ 100.000 dân lại có 213 ca nhiễm.

Tính đến ngày 2-4, Thụy Sĩ đã xác nhận tổng cộng 18.267 ca mắc COVID-19 và 432 ca tử vong.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 2-4 cho biết nước này đã ghi nhận thêm 4.668 ca dương tính với virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 115.242 trường hợp. Trong số đó, số ca tử vong tăng thêm 760 ca lên 13.915 người. Số bệnh nhân điều trị thành công là 18.278 người.

Trong tổng số các ca mắc bệnh hiện nay, có 28.540 ca nhập viện với các triệu chứng, 4.053 ca phải điều trị tích cực và 50.456 trường hợp phải cách ly tại nhà.

Tại vùng tâm dịch Lombardia, tổng số ca mắc COVID-19 là 46.065 ca, trong khi số ca tử vong là 7.960 ca.

Số ca nhập viện với các triệu chứng là 11.762 ca và 1.351 bệnh nhân phải điều trị tích cực.

Trước đó, Italy từng ghi nhận số ca tử vong trong ngày cao kỷ lục trên thế giới với 969 ca tử vong ngày 27-3.

Theo Vietnam+