Điểm sáng trong phong trào đỡ đầu học sinh nghèo vượt khó

05/09/2019 - 06:43

 - Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực thuộc cù lao Mỹ Hòa Hưng, tách biệt với nội ô TP. Long Xuyên. Trong điều kiện còn khó khăn, từ tấm lòng rộng mở của thầy, cô giáo, các nhà hảo tâm, nhiều học sinh nghèo có nguy cơ bỏ học đã được tiếp sức kịp thời để vững tin đến lớp. Nhiều năm qua, phong trào đỡ đầu cho học sinh của trường cứ thế lan tỏa và nhân rộng những câu chuyện đẹp vượt khó của học trò.

Chủ tịch công đoàn cơ sở Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực Hà Quốc Đạt cho biết, được sự quan tâm đặc biệt của các cấp, ngành và nỗ lực của tập thể, trường đã xây dựng đạt chuẩn quốc gia năm 2017, trang bị cơ sở vật chất khang trang, đảm bảo tốt cho việc dạy và học. Dù vậy, trường vẫn có những khó khăn riêng, đặc biệt là công tác vận động giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh hoàn cảnh khó khăn. Năm học 2018-2019, toàn trường có 562 em thì có trên 25% học sinh thuộc diện cần sự giúp đỡ để được tiếp tục đến lớp. Dù được cả cộng đồng quan tâm, vẫn có những trường hợp đặc biệt có nguy cơ bỏ học. Đó là những em hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, điều kiện không đảm bảo để tiếp tục học, cha mẹ đi làm xa, có em mồ côi cha hoặc mẹ, gia đình có sổ hộ nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, có trường hợp ỷ lại của phụ huynh học sinh, chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của nhà trường và tổ chức xã hội. Đa số giáo viên công tác tại trường là người địa phương, nên điều kiện, hoàn cảnh của các hộ gia đình cho đến từng học sinh được thầy, cô nắm rõ hơn ai hết. Với những trường hợp cha mẹ đi làm xa gửi con cho ông, bà nuôi thì cũng đồng nghĩa “phó mặc” con em cho nhà trường.

Trao quà cho các em học sinh hoàn cảnh khó khăn được nhận đỡ đầu

Để giúp đỡ các em, trường đề ra các biện pháp đỡ đầu, giao chỉ tiêu mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên chọn và nhận đỡ đầu ít nhất 1 học sinh, đặc biệt phối hợp chặt chẽ với tổ chức Đội, giáo viên Tổng phụ trách để nắm danh sách học sinh khó khăn, xét chọn ưu tiên theo từng diện đối tượng. Việc làm này được trường duy trì suốt nhiều năm qua, mang lại kết quả rất phấn khởi. Năm học 2018-2019, trường có 20 giáo viên nhận đỡ đầu 20 em (không trùng hợp với các em khác đã được tổ chức xã hội giúp đỡ) bằng các hình thức hỗ trợ quần áo, đồng phục, mua bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn, quà Tết, tiền ăn sáng… Các thầy, cô đã động viên gia đình và nêu được ý nghĩa của việc học để phụ huynh có trách nhiệm quan tâm đến con em nhiều hơn trong quá trình học tập ở nhà. Đồng thời, vận động các cá nhân, tổ chức hảo tâm giúp đỡ thêm về tập, viết, quần áo, học bổng… và giảm, miễn thu các khoản đối với những học sinh nghèo song song với vận động phong trào “Giúp bạn đến trường” trong học sinh để quyên góp, giúp đỡ bạn học. Thầy Hà Quốc Đạt chia sẻ: “Phong trào đạt được rất nhiều ý nghĩa, ngoài đỡ đầu về học phẩm giúp phụ huynh nhẹ gánh lo đầu năm học, còn có học bổng có thể trang trải một phần khó khăn của gia đình. May mắn là trong những năm qua, bên cạnh nguồn lực nội bộ, trường còn tiếp nhận sự giúp đỡ từ các nhà hảo tâm bên ngoài. Điển hình như Trung tâm ngoại ngữ - tin học Việt Ấn tại TP. Long Xuyên và ông Lâm Hồ Hải, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ - Tin học An Giang, mỗi năm tài trợ hàng chục triệu đồng để trường mua bảo hiểm y tế cho học sinh”.

Thầy Nguyễn Văn Khang, Tổng phụ trách Đội thông tin, nhiều trường hợp có nguy cơ bỏ học, trường phải rất nỗ lực để các em không bỏ cuộc. Đơn cử như em Kim Lâm Gia Thịnh, dân tộc thiểu số Khmer, quê ở tỉnh Sóc Trăng, di cư theo cha mẹ làm thuê tại vùng nuôi cá trên địa bàn xã. Cả nhà em Gia Thịnh hiện đang ở trọ, bản thân em bị bệnh thiếu máu bẩm sinh, mới đây còn bị tai nạn gãy cánh tay. Được nhà trường và địa phương giới thiệu, Hội Bảo trợ trẻ em tỉnh đã giúp đỡ Gia Thịnh được đi học, còn quỹ phúc lợi của Công ty TNHH May xuất nhập khẩu Đức Thành hỗ trợ cho gia đình 400.000 đồng/tháng. Nhờ sự động viên, giúp đỡ tích cực của nhà trường, 3 năm nay em vẫn bám lớp. Ban giám hiệu đang tiếp tục tìm nguồn hỗ trợ để em sớm có điều kiện trị bệnh. Trường hợp khác là em Khương Hữu Quý, nay đã hoàn thành chương trình cấp tiểu học, tiếp tục lên lớp 6. Cha của em bị bệnh tâm thần, mẹ vừa làm trụ cột, vừa nuôi mấy đứa con. Lên đến lớp học nào, em Quý được giáo viên lớp hỗ trợ đến đó. Trong 3 năm học liên tiếp em học rất giỏi, đều được nhận học bổng để yên tâm đến trường. Từ nghĩa cử tiếp sức kịp thời của nhà trường, xã hội, tất cả các em đều vượt khó vươn lên, đền đáp bằng nỗ lực học tập và rất chăm ngoan.

MỸ HẠNH