Diện mạo mới ở đồng bằng sông Cửu Long

04/10/2019 - 08:17

Sau 10 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) ở ĐBSCL đã làm thay đổi diện mạo tích cực, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện.

A A

Nhờ chương trình NTM đã giúp xã vùng sâu Đông Bình (huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ) có đường khang trang. Ảnh: HƯNG TÂN

Những kết quả khích lệ

Con đường từ trung tâm huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) dẫn vào xã vùng sâu Vĩnh Phong được láng nhựa thẳng tắp, xe chạy bon bon chẳng khác nào đường tỉnh lộ. Đi một vòng các ấp trong xã Vĩnh Phong, đâu đâu cũng thấy nhà tường mọc lên khang trang, thể hiện cuộc sống sung túc của người dân nông thôn nơi này. Ông Nguyễn Văn Dậu, ở ấp Căn Cứ, xã Vĩnh Phong (huyện Vĩnh Thuận), bộc bạch: “Kinh tế của bà con không ngừng cải thiện, nhờ chuyển dịch cơ cấu đúng hướng và con tôm đã thật sự “đổi đời” cho người dân vùng sâu này”. 

Khi được chọn thí điểm xây dựng xã NTM, UBND xã Vĩnh Phong tiến hành thực hiện các tiêu chí giao thông nông thôn theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, trong đó vận động Nhân dân đóng góp hơn 7,1 tỉ đồng láng nhựa 29km đường nông thôn, bắc mới 14 cầu bê tông nông thôn hơn 6,6 tỉ đồng… Đến nay, đã nhựa hóa và bê tông hóa 100% các tuyến đường trong toàn xã đảm bảo đi lại dễ dàng trong mùa mưa bão. Hệ thống thủy lợi được đầu tư nạo vét 38 kênh lớn, chiều dài 136km, tổng vốn 12 tỉ đồng; xây dựng 6 cống ngăn mặn hơn 6 tỉ đồng; Nhân dân đóng góp 214 triệu đồng để nạo vét kênh thủy lợi nội đồng với tổng chiều dài 10,2km... Ngoài ra, mỗi năm đào tạo nghề và tạo việc làm cho hàng ngàn người dân nông thôn, góp phần tăng thu nhập cho bà con; nhờ đó Vĩnh Phong về đích sớm nông thôn mới vào năm 2015.

Hậu Giang huy động nhiều nguồn lực làm giao thông, phát triển nông thôn mới. Ảnh: HƯNG TÂN

Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang, cho biết: Qua gần 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đến nay tỉnh Hậu Giang đã có 29/53 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 54,72%. So với kết thúc giai đoạn 1 (năm 2015) là tăng 16 xã, 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Đại Thành), có 1 đơn vị cấp huyện là thị xã Ngã Bảy đạt chuẩn nông thôn mới, số tiêu chí bình quân là 15,6 tiêu chí/xã và khả năng hoàn thành mục tiêu đến năm 2020. Theo dự kiến từ nay đến cuối năm 2019 sẽ có thêm 1-2 xã được công nhận và năm 2020 có thêm 4 xã được công nhận, nâng tổng số là 35 xã đạt chuẩn NTM. Số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là 3 đơn vị. Hiện nay, đã trình hồ sơ của huyện Châu Thành A và thành phố Vị Thanh cho Trung ương, dự kiến trong năm 2019 được công nhận.

Còn tỉnh Đồng Tháp, đến nay đã có 55 xã và 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền nên người dân hiểu được mục tiêu quan trọng là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống vùng nông thôn. Từ đó, mọi người chăm chỉ, tự lực, hợp tác, cùng nhau góp công, góp của xây dựng làng quê khang trang. Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho hay: “Trong quá trình thực hiện đã xuất hiện nhiều mô hình hay, nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Điển hình như mô hình cộng đồng dân cư quản lý xây dựng nông thôn mới theo phương châm “3 tự, 1 nhờ”, có tổ giám sát các công trình hạ tầng, cộng đồng cùng bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan xanh - sạch - đẹp, cùng sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn GAP gắn với liên kết tiêu thụ, mang lại kết quả tốt. Mô hình Nhà nước cấp vật tư, người dân góp ngày công lao động, chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay Nhà nước hỗ trợ kinh phí hơn 12 tỉ đồng để người dân thực hiện 26 công trình hạ tầng ở 25 xã, giúp giao thông đi lại thuận lợi…”.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho rằng: Xây dựng nông thôn mới góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh; kết cấu hạ tầng kỹ thuật - kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi… ngày càng được đầu tư cơ bản, đồng bộ và hoàn thiện đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Từ những chủ trương, chính sách, kêu gọi đầu tư, hỗ trợ chăm lo cho người dân trong phát triển sản xuất, chăm lo cho đời sống văn hóa, tinh thần, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội đã mang lại cho người dân nông thôn yên tâm sản xuất. Cùng với những chính sách chăm lo đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, ưu đãi cho phát triển kinh tế tập thể... góp phần nâng cao hiệu quả phát triển sản xuất, nâng cao giá trị lao động cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Thu nhập bình quân đầu người/năm các xã nông thôn mới tỉnh Hậu Giang cuối năm 2018 đạt trên 42 triệu đồng/người, tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015. Tiêu chí nông thôn mới của các xã trên địa bàn tỉnh đều có sự chuyển biến đáng kể và không còn xã dưới 5 tiêu chí. Hàng năm, số tiêu chí bình quân/xã đều tăng, số xã đạt chuẩn nông thôn mới đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Khắc phục khó khăn, vướng mắc

Cùng với những kết quả đạt được thì quá trình xây dựng nông thôn mới ở ĐBSCL cũng gặp không ít khó khăn. Theo Sở NN&PTNT các tỉnh ĐBSCL, có nhiều xã thực hiện các tiêu chí nông thôn mới trong bối cảnh xuất phát điểm thấp, nguồn lực còn hạn chế, việc huy động các doanh nghiệp và các nguồn hợp pháp khác cho xây dựng nông thôn mới chưa cao, sự đóng góp của cộng đồng còn ở mức thấp, nhiều nơi trông chờ vốn Nhà nước. Tiến độ xây dựng các công trình giao thông nông thôn, công trình thủy lợi còn chậm, gặp nhiều vướng mắc trong thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất xây dựng công trình… dẫn đến tiến độ thực hiện của một số xã chưa đạt kế hoạch đề ra.

Theo ông Huỳnh Thành Hữu, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh Hậu Giang, Bộ tiêu chí xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với nhiều tiêu chí được bổ sung nội dung, điều chỉnh nâng cao, đòi hỏi mức độ hoàn thành phải cao hơn. Đây là vấn đề khách quan phục vụ nhu cầu phát triển của xã hội nhưng cũng là thách thức lớn đối với nhiều địa phương, đặc biệt trong thực hiện các tiêu chí như hộ nghèo, tổ chức sản xuất, y tế. Do đó, có rất nhiều xã bị rớt tiêu chí đã đạt và không hoàn thành các tiêu chí đã đăng ký thực hiện. Ngoài ra, việc xã hội hóa nguồn lực xây dựng NTM ở một số địa phương còn khó khăn do thu nhập người dân nông thôn còn thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, vốn huy động từ các doanh nghiệp hạn chế, đặc biệt khó khăn ở các huyện vùng sâu. Bộ máy giúp việc ban chỉ đạo các cấp thiếu cán bộ chuyên trách nên công tác tham mưu chưa được phát huy tốt nhất; các sở, ngành chưa phân công rõ cán bộ tham mưu cho lãnh đạo ngành phụ trách các tiêu chí, thường xuyên thay đổi nên chế độ thông tin, báo cáo định kỳ thiếu tính thường xuyên, thiếu tính kịp thời và chưa đầy đủ, chưa phản ánh được tình hình triển khai thực hiện của địa phương.

Ông Nguyễn Minh Tho, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: “Đến nay, Vĩnh Long không có nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, vẫn có nhiều xã gặp khó khăn do xuất phát điểm thấp, nguồn lực hạn chế, huy động các doanh nghiệp chưa cao bởi các dự án đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả thấp, sự đóng góp của cộng đồng còn hạn chế, trong khi nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa đáp ứng nhu cầu... Vì vậy, việc đầu tư nhiều công trình chưa đạt kế hoạch đề ra. Giai đoạn từ 2021-2025, Vĩnh Long cần khoảng 4.988 tỉ đồng xây dựng NTM, trong đó nguồn vốn lồng ghép từ ngân sách địa phương đóng vai trò chủ lực với khoảng 3.500 tỉ đồng”.

Theo ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tới đây việc xây dựng NTM cần đánh giá đúng tiềm năng, sức mạnh của người dân, lắng nghe những hiến kế của dân; việc huy động nguồn lực xã hội hóa, trong dân, mạnh thường quân, doanh nghiệp… phải khéo léo, hợp lý, bàn bạc cụ thể, đảm bảo công khai minh bạch, không quá sức dân. Ngoài ra, phát triển nông thôn mới cần gắn với khai thác thế mạnh của từng địa phương như du lịch sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, chương trình mỗi xã một sản phẩm…

Để xây dựng nông thôn mới hiệu quả, bền vững cần đảm bảo tính thực chất, tránh hình thức, lãng phí; hướng tới mục tiêu nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân... Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, đề xuất tới đây cần ưu tiên hỗ trợ các xã vùng khó khăn; đồng thời giải quyết yêu cầu bức thiết phục vụ sản xuất và dân sinh như đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt, nước sạch, tạo chuyển biến về cảnh quan môi trường nông thôn... để người dân được thụ hưởng từ hiệu quả NTM mang lại.

Theo Báo Hậu Giang