Doanh nghiệp lạc quan, mong chờ năm mới bội thu

04/02/2022 - 08:59

Năm mới 2022 đã đến, cùng với nỗ lực, quyết tâm cùng sự hỗ trợ tích cực của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng sẽ gặt hái nhiều thành công.

Năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực thích ứng với đại dịch, xoay chuyển tình thế và gặt hái thành công. Đây được cho là tiền đề để năm 2022 tiếp tục ghi nhiều dấu ấn của doanh nghiệp Việt.

Sống chung với dịch

Trước đây, nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay khi phải chống chọi đại dịch diễn biến khó lường thì nay họ đã chuẩn bị hàng loạt phương án sống chung, thích ứng an toàn, linh hoạt với COVID-19. Trong đó, xu hướng nổi bật là tái cấu trúc mạnh mẽ mô hình kinh doanh, chuyển đổi số để hòa nhập tốt hơn trong môi trường dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trọng Văn, Giám đốc Công ty Cổ phần thực phẩm Nhân Hòa (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết, COVID-19 đã khiến doanh nghiệp của ông rất vất vả ứng phó. Nhưng đại dịch vô tình lại là phép thử tốt cho giá trị văn hóa doanh nghiệp mà đơn vị đã dày công xây dựng trong suốt 15 năm qua. Tất cả cán bộ, nhân viên luôn đồng lòng, quyết tâm cùng nhau vượt qua đại dịch.

Dù có tham gia “ba tại chỗ” hay làm việc tại nhà, tất cả mọi người đều ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, không ngại rủi ro, không ngại gian khó. Bất cứ khi nào công ty cần người tham gia chống dịch là cán bộ, nhân viên đều luôn sẵn sàng.

Dịch COVID-19 cũng làm tăng khả năng ứng biến linh hoạt của doanh nghiệp. Cụ thể, đơn vị đã xây dựng những kịch bản ứng phó trước sự khó lường của dịch COVID-19, trong đó tình huống xấu nhất là công ty phải đóng cửa 6 tháng nhưng thật may mắn là tình huống này đã không diễn ra.

“Chúng tôi kỳ vọng năm mới 2022 sẽ có nhiều tín hiệu vui. Trước mắt, ngay trong dịp đầu năm mới, chúng tôi đã cung ứng nhiều sản phẩm như thịt lợn sạch, cá ba sa, cá hồi, thịt gà, rau của quả để cung ứng cho thị trường những ngày sau Tết”, ông Văn lạc quan chia sẻ.

Ông Đinh Văn Thập, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty may Nhà Bè cũng tin tưởng vào một năm 2022 khởi sắc.

“Nhìn về năm 2022, chúng tôi lạc quan về tình hình kiểm soát dịch linh hoạt của Nhà nước. Dù dịch bệnh chưa thể sớm chấm dứt trên toàn cầu nhưng nhu cầu khách hàng về dệt may vẫn rất lớn nên hiện nay, công ty đã ký đơn hàng sản xuất với các đối tác nước ngoài đến giữa năm 2022 và kỳ vọng sẽ có một năm mới nhiều tăng trưởng tích cực hơn”, ông Thập nói.

Tuy vậy, thử thách mà các công ty ngành dệt may đang đau đầu ứng phó là chi phí vận chuyển rất lớn. Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy dẫn đến giá nguyên liệu tăng rất cao, kéo giá thành phẩm cũng tăng theo. Đó là chưa kể có thời điểm không thể tìm được tàu xuất khẩu. Đây là những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của doanh nghiệp

"Cộng đồng doanh nghiệp rất mong Nhà nước hỗ trợ. Chẳng hạn, sớm xây dựng đội tàu nội địa vận chuyển tuyến đường dài để phục vụ doanh nghiệp trong nước nhằm tránh lệ thuộc vào đội tàu nước ngoài", ông Thập đề xuất.

Nhiều việc phải làm trong 2022

Theo ông Trương Quang An, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu (Long An), đơn vị chuyên sản xuất, thu mua, xuất khẩu thanh long cho biết, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới, doanh bắt buộc phải linh hoạt tính toán các kế hoạch sản xuất, kinh doanh để xoay chuyển tình thế. Như để hạn chế rủi ro do vướng mắc ở khâu vận chuyển hàng hóa tại các cảng, doanh nghiệp chuyển từ xuất khẩu trái cây tươi sang xuất hàng trái cây đông lạnh, bảo quản tốt hơn. Đồng thời tăng cường các hoạt động trực tuyến để tìm kiếm khách hàng, đa dạng hóa thị trường…

“Khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp chính là chi phí vận chuyển tăng chóng mặt; thông quan hàng hóa diễn ra chậm chạp, kẹt cảng, kẹt cửa khẩu. Điều này đang ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp, kéo giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam”, ông An nói.

“Để khắc phục những khó khăn trên, Việt Nam cần triển khai nhiều giải pháp như đầu tư xây dựng các trung tâm logistics nông sản ở vùng sản xuất trọng điểm. Những trung tâm như vậy phục vụ nhu cầu cho cả một vùng, đảm nhận lưu trữ, phân phối hàng hóa”, ông An nói thêm.

Ngành dệt may được kỳ vọng là sẽ hồi phục nhanh vào năm 2022.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, để nền kinh tế bật dậy mạnh mẽ trong năm 2022, trước hết Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi. Ngoài ra phải xóa bỏ các rào cản, áp dụng những biện pháp thị trường, tránh thủ tục hành chính nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp.

“Cải cách mạnh mẽ để mọi hoạt động kinh tế trở nên năng động hơn, dễ dàng hơn trong mọi bối cảnh. Cải cách thể chế cần phải tiến hành theo hướng thúc đẩy sự năng động”, ông Doanh nói.

Trong khi đó, PGS-TS, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, doanh nghiệp không chỉ cần tiền mà còn cần sự hỗ trợ từ Nhà nước để giúp họ nâng cao năng lực như những chương trình đào tạo, thông tin, tư vấn...

“Chính những điều này sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, qua đó phát huy được sức mạnh nền kinh tế không lỡ nhịp với quốc tế”, ông Long nhấn mạnh.

Chia sẻ với VTC News, TS. Nguyễn Trọng Điều, Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân tư nhân Việt Nam cho rằng, hiện nay nhiều doanh nghiệp đang phục hồi sản xuất và tiến triển tốt nhưng vẫn gặp không ít thách thức vì chi phí bỏ ra quá lớn. Để hạn chế rủi ro, tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp đang nỗ lực nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm nông sản, thực phẩm chế biến, đẩy mạnh công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh. Đây được xác định là xu hướng phát triển trong thời gian tới và mở ra cơ hội tái cấu trúc sản xuất đối.

“Muốn làm được, ngoài sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì Chính phủ, các bộ, ngành liên quan phải đưa ra chính sách ưu đãi thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến; tạo cơ chế về tín dụng để hấp dẫn các công ty lớn đầu tư vào chế biến nông sản, nhất là tập trung vào một số sản phẩm chủ lực”, ông Điều nói.

Theo PHẠM DUY (VTC News)