Số liệu của FAO cho thấy, bất chấp tiềm năng cũng như khả năng đảm bảo cung cấp lương thực cho người dân, số người rơi vào tình cảnh thiếu ăn tại Mỹ Latinh và Caribe đã lên tới 47,7 triệu người vào năm 2019, tương đương 7,4% tổng dân số trong khu vực (khoảng 630 triệu người).
Người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ ở ngoại ô thủ đô Lima, Peru ngày 28-5-2020. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo đó, khu vực Mỹ Latinh - nơi tỷ lệ mất an ninh lương thực tăng nhanh nhất thế giới - sẽ không đạt được mục tiêu xóa đói vào năm 2030 và số người thiếu ăn có thể tăng lên 67 triệu, tăng gần 20 triệu người so với năm 2019.
Trước tình hình này, FAO kêu gọi sự nỗ lực của chính phủ các quốc gia trong khu vực, cũng như sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế nhằm tránh một cuộc khủng hoảng lương thực ở Mỹ Latinh và Caribe.
Mới đây, Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) của Liên hợp quốc đã đánh giá đại dịch COVID-19 sẽ gây ra sự suy giảm lịch sử đối với nền kinh tế khu vực này trong năm 2020 và dẫn đến cuộc khủng hoảng xã hội tồi tệ nhất ở khu vực trong nhiều thập kỷ, đẩy hàng chục triệu người rơi vào tình trạng nghèo đói và thất nghiệp. Ước tính khoảng 230 triệu người, chiếm 36,5% dân số Mỹ Latinh, sẽ rơi vào tình trạng nghèo đói trong năm 2020, tăng hơn 45 triệu người so với năm 2019, trong khi số người nghèo cùng cực sẽ tăng 28 triệu lên 96 triệu người.
Thư ký điều hành của CEPAL, bà Alicia Bárcena dự báo nền kinh tế của khu vực sẽ suy giảm 9,1% và đây sẽ là cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất trong vòng một thế kỷ qua. Điều này sẽ kéo theo sự gia tăng nghèo đói, nghèo cùng cực và bất bình đẳng. Trong đó, phụ nữ, người bản địa và người gốc Phi là những người dễ bị tổn thương nhất.
Theo VIỆT HÙNG (Báo Tin Tức)