Gia tăng ca mắc COVID-19, Anh phong tỏa thành phố Leicester

30/06/2020 - 13:44

Ngày 29-6, Chính phủ Anh đã phong tỏa thành phố Leicester, nơi có tỷ lệ nhiễm virus SARS-COV-2 cao hơn nhiều so với tất cả các địa phương khác trên cả nước.

Người dân thực hiện giãn cách xã hội phòng lây nhiễm COVID-19 khi xếp hàng bên ngoài một cửa hàng ở Leicester, Anh, ngày 25-4-2020. Ảnh: AFP-TTXVN

Đây là động thái quan trọng đầu tiên mà Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson thực hiện nhằm ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong khuôn khổ chính sách mới, theo đó ngăn chặn dịch từ địa phương hơn là thực hiện các biện pháp toàn quốc.

Hiện Anh đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa trên toàn quốc, những cửa hàng không phục vụ những mặt hàng thiết yếu đã mở cửa và giai đoạn nới lỏng hạn chế tiếp theo sẽ được thực hiện từ ngày 4-7. Tuy nhiên, Leicester và các khu vực xung quanh đang phải làm ngược lại. 

Trong báo cáo gửi Quốc hội Anh, Bộ trưởng Y tế Matt Hancock (Mát Han-cốc) cho biết tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua tại Leicester là 135 ca-100.000 người, cao nhất cả nước và gấp 3 lần so với thành phố đứng thứ 2 về tỷ lệ lây nhiễm tại Anh. Trong tuần qua, số ca nhiếm mới tại Leicester chiếm 10% tổng số ca của cả nước. Vì vậy, Bộ Y tế Anh quyết định không triển khai giai đoạn nới lỏng phong tỏa tiếp theo tại thành phố này từ ngày 4-7 tới như áp dụng với các địa phương khác trên cả nước. Cùng với đó, từ ngày 30-6, tất cả các cửa hàng bán mặt hàng không thiết yếu tại thành phố sẽ phải đóng cửa. Các trường học cũng sẽ đóng cửa từ ngày 2-7.

Anh là quốc gia có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất ở châu Âu, với hơn 43.500 ca. Quốc gia này bắt đầu phong tỏa cả nước từ ngày 23-3 nhưng dần nới lỏng các biện pháp hạn chế trong tháng 5 và tháng 6. Gần đây, Thủ tướng Johnson tuyên bố nhà chức trách sẽ chuyển hướng sang kiểm soát dịch bệnh từ địa phương.

*Cùng ngày, giới chức Hy Lạp xác nhận các chuyến bay thẳng từ Anh và Thụy Điển tới quốc gia này sẽ tiếp tục bị cấm đến ngày 15-7, đồng thời cho biết Athens sẽ dựa theo hướng dẫn của Liên minh châu Âu (EU) để xác định các quốc gia vẫn có nguy cơ cao lây nhiễm dịch bệnh. Quyết định này được đưa ra bất chấp thực tế Anh lâu nay luôn là thị trường quan trọng của ngành du lịch Hy Lạp, ngành kinh tế mũi nhọn vốn đang đối mặt với nhiều khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh khiến kinh tế toàn cầu suy giảm.

Hy Lạp mở cửa trở lại các sân bay chính ở Athens và Thesaloniki để phục vụ các chuyến bay quốc tế từ ngày 15-6 và sẽ mở cửa tất cả các sân bay từ ngày 1-7. Theo đó, tất cả các chuyến bay từ hầu hết các địa điểm của châu Âu đều sẽ được hạ cánh tại các sân bay Hy Lạp. Tuy nhiên, các chuyến bay thẳng từ Anh và Thụy Điển chưa được phép hạ cánh tại Hy Lạp, ít nhất là tới giữa tháng 7. Nhấn mạnh việc mở cửa trở lại cần được thực hiện theo một quy trình linh hoạt, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết chính phủ nước này sẽ thận trọng xem xét tình hình trong khi triển khai quy trình này.

Hy Lạp được coi là một trong những quốc gia có nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 thấp so với các quốc gia khác tại châu Âu, chủ yếu nhờ sớm áp dụng biện pháp phong tỏa. Đến nay, Hy Lạp chỉ ghi nhận tổng cộng 3.376 ca mắc. Từ tháng 5, Hy Lạp dần nới lỏng các hạn chế. Từ ngày 1-7 tới, người nhập cảnh Hy Lạp phải điền tờ khai các địa điểm đã qua tối thiểu là 48 giờ trước khi nhập cảnh.

Theo LÊ ÁNH (Báo Tin Tức)