Gỡ khó cho lúa, gạo

21/02/2019 - 07:48

 - Trái với thông lệ hàng năm, sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, giá lúa đột ngột giảm mạnh khiến nông dân lo lắng. Dù biết đây là hiện tượng nhất thời, bởi nhu cầu gạo thế giới vẫn tăng, giá gạo xuất khẩu đang ở mức cao nhưng nông dân đành phải “bấm bụng” bán giá thấp bởi không có nơi dự trữ.

Thương lái liên tục ép giá

Nông dân Trần Văn Dương, canh tác 5ha lúa IR50404 tại ấp Giồng Cát (xã Lương An Trà, Tri Tôn) cho biết, tuần trước, ruộng lúa của ông còn khoảng 10 ngày nữa thu hoạch, có “cò lúa” đến ruộng hỏi mua lúa tươi giá 4.400 đồng/kg. “Dù mức giá này giảm 300 đồng/kg so trước Tết Nguyên đán nhưng trong bối cảnh giá lúa giảm, tôi đồng ý bán và lấy cọc 50.000 đồng/công (500.000 đồng/ha)” - ông Dương thông tin. Tuy nhiên, ngày 19-2, tức còn 4 ngày nữa thu hoạch, “cò lúa” này lại đến thỏa thuận, chỉ đồng ý mua với giá 4.300 đồng/kg, nếu không sẽ bỏ cọc. “Do đợt rồi lũ lớn, đất được vệ sinh tốt, bù đắp phù sa nên dự kiến vụ đông xuân này đạt khoảng 7 tấn/ha, tổng sản lượng 5ha lúa khoảng 35 tấn. Nếu “cò lúa” bỏ cọc, họ chỉ mất 2,5 triệu đồng nhưng khi giá lúa cứ giảm 100 đồng/kg, tôi lại mất thêm 3,5 triệu đồng. Vài ngày nữa thu hoạch, nếu không bán lúa tươi thì biết mang lúa đi đâu, để lúa chín rục trên đồng chờ giá thì càng thiệt hại, tôi đành phải bán vì biết “cò lúa” và thương lái đang ép giá mình” - ông Dương bức xúc.

Tương tự, so với tuần trước, giá lúa đông xuân sớm ở huyện Tịnh Biên giảm từ 100 - 150 đồng/kg đối với cả lúa thường IR50404 và lúa thơm hạt dài. “Mấy ngày trước, thương lái chạy ghe vào hỏi mua lúa OM4218 giá 4.700 đồng/kg, nông dân chưa đồng ý bán. Hôm 19-2, khi nông dân đồng ý bán thì thương lái chỉ chịu mua với giá 4.550 đồng/kg. Họ nói do doanh nghiệp lương thực hạn chế nhập kho nên không dám “ăn” hàng mạnh vì sợ nhốt vốn” - ông Nguyễn Thanh Sang (xã An Nông, Tịnh Biên) bộc bạch.

Những nông dân thu hoạch lúa đông xuân sớm ở các phường: Bình Đức, Mỹ Hòa, Mỹ Quý, Mỹ Thới, Mỹ Thạnh, xã Mỹ Khánh, Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) cũng “đứng ngồi không yên” khi trước Tết, “cò lúa” liên tục liên hệ hỏi mua nhưng hiện nay, khi liên hệ lại thì “làm ngơ”, không đến đúng hẹn hoặc ép giá xuống thấp. Ở huyện Phú Tân, vùng chuyên canh nếp lớn nhất tỉnh, nông dân đang rất lo lắng cho đầu ra của nếp. “Thời gian gần đây, đối với một số diện tích nếp sắp thu hoạch, nông dân gọi điện thoại liên hệ đầu mối thì có hiện tượng không bắt máy hoặc hẹn đến xem ruộng nhưng không đến” - Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Dương Văn Cường thông tin.

Thúc đẩy dự trữ

Phân tích thị trường chung, giá lúa hiện nay giảm là bất thường bởi một số tỉnh ĐBSCL mới bước vào thu hoạch vụ đông xuân sớm, sản lượng chưa nhiều. Trong khi đó, theo dự báo của Tổ chức Lương thực thế giới (FAO), nhu cầu lương thực năm 2019 tăng do một số nước sử dụng gạo bị mất mùa do ảnh hưởng hạn hán, lũ lụt, biến đổi khí hậu.

Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam cho biết, hiện tại, xuất khẩu gạo khá ổn định, giá gạo xuất khẩu đang đứng ở mức cao, bình quân 350 USD/tấn đối với gạo thường (IR50404), 410 USD/tấn đối với gạo thơm. Theo ông Nam, việc giá lúa sụt giảm trong những ngày gần đây do các doanh nhiệp chưa đẩy mạnh thu mua, phần vì hàng tồn kho còn nhiều, phần vì doanh nghiệp đang “ngóng” hợp đồng xuất khẩu mới. Trong khi đó, một doanh nghiệp xuất khẩu lương thực lớn có trụ sở ở TP. Long Xuyên cho rằng, không phải doanh nghiệp không muốn mua lúa trong dân để tạm trữ chờ xuất khẩu mà do thiếu vốn, trong khi đơn hàng chưa có được nên còn ngần ngại.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nhu cầu gạo thế giới vẫn tăng nhưng do một số thị trường truyền thống thay đổi phương thức thu mua nên sau Tết, doanh nghiệp xuất khẩu chưa có được nhiều hợp đồng mới. Ví dụ như Philippines đang định thay đổi phương thức nhập khẩu từ Chính phủ chỉ định sang cho doanh nghiệp đấu thầu, trong khi Trung Quốc siết chặt nhập khẩu đường tiểu ngạch, ưu tiên chính ngạch. “Hiện nay, Chính phủ Philippines đã cam kết sẽ tiếp tục duy trì hình thức Chính phủ chỉ định nhập khẩu gạo thêm ít nhất 2 năm nữa. Việt Nam đang chuẩn bị cử đoàn công tác sang Philippines làm việc. Sau buổi họp với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chiều 19-2, các cơ quan Việt Nam sẽ làm việc với Cục Hải quan Trung Quốc (cơ quan mới được giao phụ trách chính về xuất, nhập khẩu) để thống nhất giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo sang Trung Quốc” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thông tin.

“Có tình trạng ăn Tết xong, doanh nghiệp chưa chuẩn bị các hợp đồng mới. Trong khi doanh nghiệp “ngóng” hợp đồng xuất khẩu thì thương lái lại “ngóng” doanh nghiệp, nông dân sốt ruột bán lúa dẫn đến lúa rớt giá do tâm lý. Tới đây, khi được hỗ trợ vốn tín dụng, doanh nghiệp cần đẩy mạnh thu mua lúa tạm trữ, dự trữ chờ xuất khẩu. Điều này vừa thể hiện trách nhiệm của doanh nghiệp với nông dân, cũng là vì lợi ích doanh nghiệp khi chuẩn bị trước nguồn lúa nguyên liệu với giá hợp lý phục vụ xuất khẩu sau này” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý.

 

Bài, ảnh: HOÀNG XUÂN