Hiệu quả quản trị hành chính công ở An Giang

06/05/2021 - 05:47

 - Theo kết quả công bố của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), năm 2020, An Giang tiếp tục thăng hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (Chỉ số PAPI). Điểm tổng hợp Chỉ số PAPI An Giang đạt 43,85 điểm (trong nhóm điều hành “Cao nhất”), xếp 14/63 tỉnh, thành phố (thứ hạng cao nhất trong 10 năm qua), tăng 7 bậc so năm 2019 (trong nhóm 16 tỉnh, thành phố có chỉ số cao nhất), tăng 2 bậc so năm 2019 và đứng thứ 3 trong 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Trong khi năm 2019, Chỉ số PAPI của An Giang đạt 44,37 điểm, xếp 21/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ 5 trong các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL.

PAPI là công cụ phản ánh hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật liên quan đến người dân, với sự tham gia của người dân trong giám sát hiệu quả hoạt động của chính quyền, được thực hiện từ bên ngoài khu vực nhà nước lớn nhất ở Việt Nam hiện nay; củng cố niềm tin của người dân vào chính quyền các cấp, tạo điều kiện để người dân phát huy tiềm năng trong quá trình phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch COVID-19. PAPI là kết quả tổng hợp của 8 chỉ số lĩnh vực nội dung và 29 chỉ số nội dung thành phần. Theo đó, chỉ số PAPI 2020 được tổng hợp từ phỏng vấn trực tiếp 14.424 người dân có hộ khẩu thường trú ở các địa phương trên toàn quốc về trải nghiệm của họ khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương và sử dụng dịch vụ công.

Theo Sở Nội vụ, đối với 8 chỉ số nội dung của PAPI năm 2020, kết quả An Giang có 4/8 chỉ số nội dung tăng so năm 2019, bao gồm: tham gia của người dân ở cấp cơ sở; trách nhiệm giải trình với người dân; công khai, minh bạch và kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. 4/8 chỉ số nội dung giảm điểm so năm 2019, bao gồm: thủ tục hành chính công, cung ứng dịch vụ công, quản trị môi trường và quản trị điện tử. An Giang là một trong những tỉnh có nhiều tiến bộ trong năm 2020 so năm 2016 về chỉ tiêu “Tham gia của người dân vào việc ra quyết định xây mới hoặc tu sửa công trình công cộng ở địa phương”.

Chỉ số về công khai, minh bạch, An Giang tăng điểm so năm 2019

Về kiểm soát tham nhũng, An Giang là một trong 7 tỉnh phía Nam có chỉ số “Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công” thuộc nhóm “Cao nhất”, với 7,41 điểm. Tỷ lệ người dân trả lời cho biết cán bộ chính quyền không dùng tiền công quỹ vào mục đích riêng (69,73%), người dân không phải chi thêm tiền để được nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (68,33%), người dân không phải chi thêm tiền để nhận được giấy phép xây dựng (63,71%).

Về chỉ số “Cung ứng dịch vụ công ở cấp tỉnh” và “Quản trị môi trường”, An Giang có giảm điểm, nhưng là một những tỉnh thuộc nhóm “Cao nhất”. Cụ thể, chỉ số “Cung ứng dịch vụ công ở cấp tỉnh”, An Giang là một trong 5 tỉnh phía Nam thuộc nhóm “Cao nhất”. Về quản trị môi trường, An Giang là một trong 7 tỉnh phía Nam thuộc nhóm “Cao nhất”. Về “công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách”, An Giang tăng từ 5,06 điểm (năm 2019) lên 5,11 điểm (năm 2020).

Chỉ số nội dung “Công khai, minh bạch” gồm 4 chỉ số thành phần: tiếp cận thông tin; công khai, minh bạch danh sách hộ nghèo; công khai, minh bạch ngân sách cấp xã; công khai, minh bạch quy hoạch/kế hoạch sử dụng đất và khung giá bồi thường thu hồi đất. Tỷ lệ người dân trả lời cho biết họ tin vào tính chính xác của thông tin về thu chi ngân sách đã công bố (78,26%); tỷ lệ người trả lời cho biết chính quyền địa phương đã tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (100%).

Về chỉ số “Trách nhiệm giải trình với người dân”, An Giang tăng từ 4,63 (năm 2019) lên 4,76 (năm 2020). Chỉ số này, đo lường hiệu quả các cuộc tiếp xúc công dân của các cấp chính quyền theo quy định và về tính chủ động của công dân và chính quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo giúp các cấp chính quyền đánh giá hiệu quả thực thi Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố cáo năm 2011. Đồng thời, đánh giá mức độ tin tưởng vào tòa án và cơ quan tư pháp địa phương. Tỷ lệ người trả lời cho biết chính quyền địa phương đã tiếp thu ý kiến đóng góp của người dân cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất (100%), cuộc gặp với cán bộ đoàn thể để giải quyết khúc mắc có kết quả tốt (90,11%), cuộc gặp với cán bộ HĐND xã, phường để giải quyết khúc mắc có kết quả tốt (100%).

An Giang đẩy mạnh cung ứng dịch vụ công, cải cách thủ tục hành chính, góp phần nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công của tỉnh

Về “Thủ tục hành chính công”, An Giang thuộc nhóm “Trung bình thấp”, với số điểm giảm từ 7,58 điểm (năm 2019) xuống 7,32 điểm (năm 2020). Về “Quản trị điện tử”, An Giang giảm điểm từ 3,68 xuống 2,44 và hiện đang thuộc nhóm “Thấp nhất”.

Theo Sở Nội vụ, An Giang phấn đấu Chỉ số PAPI hàng năm duy trì trong nhóm 20/63 tỉnh, thành phố. Để đạt mục tiêu đó, tỉnh thường xuyên kiểm tra nội dung thành phần thuộc 8 trục nội dung của Chỉ số PAPI liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, từ đó kịp thời hướng dẫn, phối hợp UBND các địa phương đề ra giải pháp khắc phục hạn chế, góp phần nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh và phải chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh.

UBMTTQVN tỉnh, HĐND tỉnh hàng năm có kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố về tình hình, kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao liên quan Chỉ số PAPI. Thường xuyên tổ chức hội thảo, hội nghị quán triệt, tập huấn triển khai nhằm tuyên truyền, giới thiệu nội dung, ý nghĩa, tầm quan trọng của Chỉ số PAPI... góp phần nâng cao hiệu quả quản trị hành chính công của tỉnh.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU