Lãnh đạo Pháp và Nga thảo luận về vấn đề Syria

17/02/2019 - 08:06

Ngày 16-2, văn phòng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, nhà lãnh đạo này đã điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình hình tại Syria và Ukraine.

Chú thích ảnh

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở Buenos Aires, Argentina. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố, Điện Elysee khẳng định cơ chế hợp tác Nga-Pháp sẽ giúp thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố, bảo vệ dân thường và tìm ra một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng Syria dưới sự giám sát của LHQ.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập ủy ban soạn thảo hiến pháp Syria trong thời gian sớm nhất có thể.

Tại Syria, cũng trong ngày 16-2, Tư lệnh chỉ huy chiến dịch của Các lực lượng Dân chủ Syria (SDF), ông Jiya Furat khẳng định lực lượng này sẽ đánh bại tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng ở miền Đông Syria "trong thời gian rất ngắn nữa", và sớm giành quyền kiểm soát toàn bộ khu vực này.

Phát biểu với báo giới, ông Furat cho hay những phần tử IS cuối cùng cố thủ tại khu vực miền Đông Syria đã bị lực lượng SDF bao vây và dồn ép vào làng Baghouz. Ông khẳng định SDF - một liên minh giữa các nhóm Arab và người Kurd được Mỹ bảo trợ, sẽ sớm đánh bật những phần tử này khỏi thành trì cuối cùng của chúng.

Trước đó cùng ngày, Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho hay SDF đã giành kiểm soát vùng lãnh thổ cuối cùng của tổ chức khủng bố IS ở miền Đông Syria. Theo SOHR, hàng trăm phần tử IS, trong đó có nhiều tay súng nước ngoài, đã đầu hàng SDF trong 2 ngày qua. SOHR cho biết thêm một số phiến quân vẫn đang ẩn náu trong các đường hầm ngầm.

Với sự hỗ trợ từ các cuộc không kích của Mỹ, từ ngày 9/2, SDF đã tiến hành chiến dịch tấn công cuối cùng nhằm vào thành trì cuối cùng của IS ở làng Baghouz, vùng lãnh thổ rộng khoảng 4 km2 do IS kiểm soát, ở phía Đông sông Euphrates gần biên giới Iraq. Đợt tấn công này được nối lại sau hơn 1 tuần tạm gián đoạn để người dân sơ tán khỏi khu vực. SDF cho biết hơn 20.000 người đã được sơ tán ra khỏi 2 ngôi làng gần biên giới với Iraq trước khi đợt tấn công được triển khai.

Từ năm 2014, IS đã chiếm đóng phần lớn lãnh thổ Syria và Iraq và biến những nơi này làm thành trì hoạt động chính trước khi dần bị tan dã do các cuộc tấn công từ các lực lượng quốc tế cũng như từ quân đội chính phủ các nước kể trên. Từ tháng 12/2018, SDF đã đẩy mạnh các chiến dịch chống IS tại Syria khiến hơn 37.000 người, trong đó chủ yếu là các tay súng IS và thân nhân, phải bỏ chạy khỏi vùng lãnh thổ mà chúng kiểm soát tại Syria.

Theo TIẾN TRUNG (Báo Tin Tức)