Mặt trận cần phát huy triệt để dân chủ trực tiếp để mình không trở thành “cây cảnh”. Ông Huỳnh Đảm xin không tái cử.
Ngày
14-2, Đại hội lần thứ năm Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN khóa
VII đã khai mạc tại Hà Nội. Một trong những nội dung được tập trung
thảo luận là vai trò của Mặt trận trong kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội
(ĐBQH), đại biểu HĐND các cấp vào tháng 5. Nhiều ý kiến cho rằng Mặt
trận cần thực hiện tốt các quyền của mình để công tác bầu cử tới đây
được thực hiện dân chủ một cách thực chất, tránh hình thức, nể nang.
Ông Trương Quang Phú, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, nhấn mạnh: “Mặt trận
phải làm sao thực hiện cho được tinh thần của Nghị quyết Đại hội Đảng
lần thứ XI là đưa dân chủ lên đầu. Tôi rất tiếc là Luật sửa đổi, bổ
sung một số điều Luật Bầu cử ĐBQH vừa rồi lại không phát huy được việc
này chủ yếu sửa đổi về kỹ thuật. Đại biểu mà cái gì cũng giơ tay thì
thật nguy hiểm! Nếu làm đại biểu chỉ để làm nhiệm vụ chính trị thì tôi
nghĩ không nên bầu”.
Đại biểu Trần Đình Phùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ
VN, cũng cho rằng vấn đề phát huy dân chủ trực tiếp là một trong những
mối quan tâm của người dân hiện nay, nhất là trong bầu cử ĐBQH và đại
biểu HĐND các cấp sắp tới. “Hiện nay cũng đã có quy định về tiêu chuẩn
của các ứng viên. Tuy nhiên, ngoài đạo đức, năng lực, tôi đề nghị Mặt
trận khi giới thiệu người ứng cử cũng phải lựa chọn người có trách
nhiệm phản ánh và thực thi đầy đủ ý kiến, nguyện vọng của nhân dân...”
- ông Phùng nói.

Các đại biểu mong muốn Mặt trận thực hiện tốt vai trò của mình để bầu cử thực sự dân chủ. Ảnh: TH
“Trong kỳ bầu cử sắp tới, Mặt trận cần phát huy triệt để dân chủ
trực tiếp để mình không trở thành “cây cảnh” như đồng chí Nguyễn Hữu
Thọ từng nói khi ông về làm chủ tịch Mặt trận” - ủy viên Đoàn Chủ tịch,
ông Nguyễn Tiến Võ, nhấn mạnh.
Quan tâm đến vấn đề số dư trong bầu cử, ông Đỗ Duy Thường, nguyên
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN, phát biểu: Kinh nghiệm từ
Đại hội Đảng vừa qua cho thấy đại hội đã có tỉ lệ số dư
không hạn định, chính vì vậy tạo được không khí sinh hoạt dân
chủ. Chẳng hạn, bầu Ban Chấp hành Trung ương dư gần 25% với ủy
viên chính thức và 144% với ủy viên dự khuyết. Số dư bầu vào Bộ Chính
trị lên tới 70%. Bài học này hoàn toàn có thể áp dụng cho
việc bầu cử ĐBQH sắp tới, vấn đề làm hay không là ở Mặt
trận. “Đảng đã mở cửa trước rồi, vậy Mặt trận có đi theo
không?” - ông Thường đặt vấn đề.
Ông Huỳnh Đảm xin không tái cử
Tại hội nghị, Chủ
tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Huỳnh Đảm cho biết một số nội dung quan
trọng được Mặt trận góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội XI đã được đại
hội tiếp thu như vấn đề tham nhũng, mở rộng dân chủ, đại đoàn kết dân
tộc… Đáng chú ý, đại hội xem xét lại vai trò của Mặt trận như là một
liên minh chính trị chứ không phải liên hiệp. Điều này được khẳng định
ở tầm cương lĩnh, có ý nghĩa chiến lược đối với hoạt động của Mặt trận
trong thời gian tới. Từ đó bổ sung và phát triển Mặt trận là đại diện
cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Về vấn đề nhân sự
của Mặt trận, ông Huỳnh Đảm cho hay ông sẽ không tái cử vì đã quá tuổi.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng do công tác Mặt trận có những đặc
thù riêng nên có thể việc quá vài ba tuổi là chuyện bình thường. Lâu
nay cũng có nhiều trường hợp quá tuổi nhưng vẫn được tín nhiệm và tái
cử.
Các mốc thời gian chuẩn bị bầu cử
- Từ ngày 21 đến
26-2: Tổ chức hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành
phần và số lượng ứng cử viên ĐBQH và HĐND.
- Từ ngày 4 đến 16-3: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu những người ứng cử ĐBQH.
- Từ ngày 4 đến 20-3: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, thôn, tổ dân phố (cấp xã) giới thiệu những người ứng cử đại biểu HĐND.
- Từ ngày 21 đến
23-3: Tổ chức hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ
những người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND.
- Từ ngày 24 đến
31-3: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi
cư trú và nơi công tác về những người ứng cử ĐBQH.
- Từ ngày 29-3 đến
10-4: Tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi
cư trú và nơi công tác về những người ứng cử đại biểu HĐND.
- Từ ngày 13 đến 17-4: Hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lập danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH và HĐND. |
Nguồn: T.HẰNG
Pháp Luật TP.HCM