Mở đường kết nối miền Tây Nam Bộ

10/08/2022 - 09:16

Giao thông vận tải (GTVT) được xem là huyết mạch của nền kinh tế; là cầu nối không gian, kết nối các hoạt động kinh tế-xã hội giữa các vùng, miền trong cả nước và kết nối đất nước với thế giới.

A A

Hiện nay, khu vực Tây Nam Bộ-vùnG Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nói riêng, kết cấu hạ tầng giao thông nhìn chung còn nhiều yếu kém, không đồng bộ, khiến cho khu vực có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nhưng chưa thể phát huy và khai thác hết giá trị.

Điểm nghẽn hạ tầng giao thông Tây Nam Bộ

Thời gian qua, mặc dù được quan tâm, đầu tư nhưng kết cấu hạ tầng giao thông vùng ĐBSCL còn nhiều hạn chế. Cụ thể, hệ thống đường bộ chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải, nhất là về vận tải hành khách, hàng hóa với thời gian nhanh, chất lượng cao nhằm đưa hàng hóa, của cải vật chất sản xuất tại vùng đến với cả nước và thế giới. Hiện toàn vùng ĐBSCL mới có 90km đường cao tốc đã hoàn thành, đưa vào vận hành và đang triển khai 30km cao tốc. Trong khi đó, vùng chưa được đầu tư xây dựng cảng biển nước sâu để làm đầu mối xuất, nhập khẩu hàng hóa đi các nước trong khu vực và đi các tuyến hàng hải quốc tế; thiếu các trung tâm tiếp vận, kho vận lớn và giao thông đường thủy nội địa chưa được phát huy...

Hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL chậm phát triển một phần do điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Đây là khu vực có nhiều kênh, rạch chằng chịt nên phải tốn kém rất nhiều chi phí để xây dựng hệ thống cầu. Bên cạnh đó, nơi đây có kết cấu địa chất yếu, dễ sụt lún nên suất đầu tư xây dựng đường cao tốc, quốc lộ, cầu lớn bắc qua sông thường cao hơn nhiều lần so với các khu vực khác trong cả nước...

Thi công tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận (đoạn qua tỉnh Tiền Giang). Tuyến cao tốc đã hoàn thành và đưa vào sử dụng từ cuối tháng 4-2022. Ảnh: THÚY AN 

Hạ tầng giao thông yếu kém, không đồng bộ nên mức độ kết nối giữa vùng ĐBSCL với các vùng, khu vực kinh tế trọng điểm rất hạn chế và thiếu bền vững. Cũng từ những điểm nghẽn về hạ tầng GTVT nên mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng ĐBSCL vẫn gặp nhiều khó khăn trong thu hút đầu tư. Cụ thể như, để di chuyển bằng ô tô từ trung tâm tỉnh Cà Mau về TP Cần Thơ (150km) mất khoảng 3,5 giờ đồng hồ và đến TP Hồ Chí Minh (gần 300km) mất khoảng 7 giờ đồng hồ. Do chưa có đường cao tốc, trong khi hệ thống đường thủy nội địa chưa được phát huy nên mức độ thu hút đầu tư vào tỉnh Cà Mau và một số tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Sóc Trăng... khá khiêm tốn. Các địa phương này hiện chỉ có một số cụm công nghiệp nhỏ và rất ít doanh nghiệp lớn đầu tư vào.

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, chính từ điểm nghẽn hạ tầng GTVT mà nhiều tiềm năng, lợi thế của vùng chưa phát huy được hết giá trị. Toàn vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên gần 4 triệu km2 (khoảng 13% diện tích cả nước), dân số khoảng 18 triệu người (19% dân số cả nước) và nhiều lợi thế về nông nghiệp, du lịch, công nghiệp năng lượng tái tạo... Tuy nhiên, quy mô kinh tế của vùng những năm gần đây khá khiêm tốn, chỉ chiếm 12,08% GDP cả nước; thu nhập bình quân đầu người bằng khoảng 67% so với bình quân chung cả nước (53,98 so với 80,21 triệu đồng/người) và tỷ lệ đô thị hóa mới đạt 27,2%, trong khi trung bình cả nước là 40,5%.

Định hình hạ tầng giao thông để "định vị" lại Tây Nam Bộ

Thông tin từ Bộ GTVT cho biết, phát triển kết cấu hạ tầng GTVT vùng ĐBSCL là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong nhiệm kỳ này. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT đã tập trung điều chỉnh quy hoạch giao thông vùng ĐBSCL, trong đó xác định rõ vai trò, đóng góp to lớn của GTVT đối với sự phát triển chung của toàn vùng, nhất là việc thu hút các nhà đầu tư. Theo đó, căn cứ vào các điều kiện đặc thù, lợi thế của các phương thức vận tải trong vùng, quy hoạch GTVT được điều chỉnh trên cơ sở triển khai đồng bộ 5 quy hoạch ngành quốc gia nhằm bảo đảm phát triển GTVT hiện đại, kết nối hiệu quả giữa các phương thức vận tải, qua đó tái cơ cấu thị phần vận tải, nâng cao chất lượng và giảm các chi phí logistics.

Quy hoạch hạ tầng GTVT của vùng ĐBSCL được thiết kế với mục tiêu hướng đến là phải tạo ra được động lực, tạo đột phá, dư địa mới cho phát triển. Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong giai đoạn 2021-2025, kế hoạch vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho vùng là 86.000 tỷ đồng, chiếm 22% so với cả nước để triển khai 27 dự án, trong đó có 13 dự án đang thực hiện và 14 dự án khởi công mới. Dự kiến, các dự án sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025, riêng một số dự án trọng điểm quốc gia, dự án cầu lớn sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2026. Như vậy, giai đoạn này, số vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương cho vùng đã tăng gấp 2,6 lần so với giai đoạn 2016-2020. Số vốn bố trí để đầu tư hệ thống đường cao tốc lên tới hơn 42.600 tỷ đồng, chiếm 20% mức vốn đầu tư đường cao tốc của cả nước và tăng gấp 14 lần giai đoạn trước. 

Về hệ thống đường bộ và đường cao tốc, Bộ GTVT xác định đây là lĩnh vực hết sức cần thiết và được quy hoạch theo hướng kết nối đồng bộ cao tốc-cảng biển-sân bay và kết nối với trung tâm của vùng là TP Cần Thơ. Với nguồn ngân sách bố trí như trên, để tập trung phát triển đột phá hệ thống đường cao tốc vùng ĐBSCL, trong giai đoạn 2021-2025, toàn vùng sẽ triển khai đầu tư xây dựng khoảng 400km cao tốc, gồm các trục chính kết nối TP Hồ Chí Minh với Cần Thơ và từ Cần Thơ kết nối đến điểm cuối của đất nước là mũi Cà Mau. Ngoài ra, còn có tuyến cao tốc quan trọng khác là An Hữu (Cao Lãnh, Đồng Tháp) nối với Rạch Giá (Kiên Giang)... Nếu đạt kế hoạch đề ra, dự kiến đến cuối nhiệm kỳ này, toàn vùng ĐBSCL sẽ có hơn 500km đường cao tốc.

Về hệ thống hàng hải và đường thủy nội địa, Bộ GTVT đã quy hoạch và sẽ đầu tư nâng cấp bảo đảm cho tàu 10.000 tấn đến với TP Cần Thơ và một số cảng trong vùng. Đồng thời, bổ sung vào quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề (Sóc Trăng), xem đây là cửa ngõ chính của ĐBSCL vươn ra các tuyến hàng hải quốc tế, để tàu có tải trọng từ 80.000 đến 100.000 tấn có thể hoạt động ở khu vực này. Tổ chức vận tải đường thủy ven bờ để kết nối các cảng biển từ Bắc vào Nam; đột phá vào vận tải thủy nội địa ở sông Tiền, sông Hậu và hai trục đường thủy kết nối TP Hồ Chí Minh với ĐBSCL... 

Đối với hàng không, Bộ GTVT dự kiến sẽ đầu tư nâng cấp 4 cảng hàng không trong vùng, gồm: Phú Quốc, Rạch Giá (Kiên Giang), TP Cần Thơ và Cà Mau, nâng công suất từ 7,45 triệu hành khách/năm hiện nay lên 18,5 triệu hành khách/năm. Đồng thời, bổ sung vào quy hoạch kho hàng hóa, trung tâm logistics tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ để đầu tư, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa có giá trị cao, thời gian ngắn... 

Bộ GTVT cho biết, các quy hoạch đã được tích hợp trong quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các địa phương tích hợp trong quy hoạch của tỉnh. Do đó, cùng với hệ thống giao thông của địa phương, kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL sẽ tạo thành một chỉnh thể hoàn chỉnh, thực sự là tiền đề, là động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn vùng. Bên cạnh đó, khi thực hiện thành công quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng GTVT sẽ "đánh thức" vùng đồng bằng trù phú này trở thành vùng kinh tế phát triển, phát huy được tiềm năng và lợi thế vốn có. Khi việc kết nối đã đồng bộ sẽ là động lực quan trọng để vùng ĐBSCL thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Từ đó, vùng sẽ hình thành thêm nhiều khu công nghiệp và thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế trong toàn vùng.

Theo quy hoạch đến năm 2050, hệ thống đường bộ cao tốc vùng ĐBSCL sẽ có tổng chiều dài 1.180km, bao gồm 3 trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và 3 trục ngang nhằm tăng cường kết nối với hệ thống cảng biển trong vùng với các cửa khẩu quốc tế. Bên cạnh đó, sẽ triển khai xây dựng tuyến đường sắt TP Hồ Chí Minh-Cần Thơ với chiều dài khoảng 174km. Hệ thống kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa được phát triển với 13 cụm cảng hàng hóa, bảo đảm công suất trên 53 triệu tấn/năm và 11 cụm cảng hành khách, đáp ứng cho 31 triệu lượt hành khách/năm... 

 

Theo MINH MẠNH (Quân đội nhân dân)