Ngành hàng cá tra hướng đến sự phát triển bền vững

22/01/2020 - 10:01

 - Đó là mục tiêu, nhiệm vụ mà những người trong cùng ngành hàng đang hướng đến. Để làm được việc này, doanh nghiệp và ngư dân đẩy mạnh liên kết, thực hiện những định hướng quan trọng mà ngành nông nghiệp đã đề ra, giúp những người tham gia có được lợi nhuận tốt nhất.

A A

Sản phẩm fillet cá tra xuất vào các thị trường cao cấp

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình thăm khu ương giống cá tra 3 cấp của Công ty Cổ phần cá tra Việt - Úc

Đàn cá tra bố mẹ được thuần dưỡng để cho sinh sản nhân tạo

Ngư dân nuôi cá luôn mong muốn đẩy mạnh liên kết để việc tiêu thụ thu được dễ dàng

Đẩy mạnh liên kết

Năm 2019 là năm mà xuất khẩu cá tra gặp nhiều thách thức, đầu tiên phải kể đến thị trường Trung Quốc. Nếu năm 2018, Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu cá tra số 1 thế giới, sau Tết Nguyên đán 2019, thị trường này có dấu hiệu chững lại. Những container cá tra xuất khẩu vào Trung Quốc lúc bấy giờ bắt buộc phải truy xuất được nguồn gốc. Sản phẩm phải tuyệt đối an toàn cho sức khỏe con người. Còn thị trường Hoa Kỳ, các hàng rào kỹ thuật tiếp tục được dựng lên nhằm bảo vệ nền sản xuất cá nheo trong nước.

Khó khăn là vậy, song nhờ đẩy mạnh liên kết, liên doanh; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tổ chức nuôi cá với quy mô lớn, khép kín quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất bằng những công nghệ tiên tiến nhất, mở đầu bằng chương trình mang tính đột phá, tổ chức sản xuất giống cá tra theo 3 cấp…

Chính những việc làm tích cực này nên trong năm 2019, nghề nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu của cả nước nói chung, An Giang nói riêng gặt hái được nhiều thành công. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt gần 2 tỷ USD, giải quyết việc làm cho gần 500.000 lao động.

Hướng đến sự phát triển mang tính bền vững, nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân ra đời, đó là liên kết giữa Công ty Cổ phần Tập đoàn Sao Mai với 20 hộ ngư dân nuôi cá tra trong tỉnh. Liên kết này thực hiện trên diện tích gần 40ha. Công ty Vĩnh Hoàn liên kết với 8 hộ nuôi cá tra trên diện tích là 53ha. Công ty Agifish liên kết với 9 hộ nuôi cá tra trên diện tích là 16ha và còn nhiều mô hình khác nữa, thể hiện sự quyết tâm của những người làm chung một ngành hàng, hướng đến sự phát triển bền vững.

Nâng cao chất lượng

Trước đây, khi cá tra được xuất khẩu mạnh vào các thị trường, nhiều hộ sản xuất giống vì chạy theo lợi nhuận, đưa ra cộng đồng những con giống kém chất lượng, từ đó trong quá trình nuôi thương phẩm, cá chết rất nhiều. Tỷ lệ hao hụt có khi lên đến 50%. Nay nhờ có sự liên kết, bao tiêu sản phẩm giữa doanh nghiệp với ngư dân, người sản xuất cá giống đã có những nghiên cứu chuyên sâu như: lựa chọn cá bố mẹ theo phương pháp di truyền; tổ chức sản xuất giống theo hướng an toàn sinh học. Bằng cách làm này khi thả giống vào hầm nuôi, kháng thể của cá rất mạnh, tỷ lệ hao hụt rất thấp.

Đi đầu trong nâng cao chất lượng sản phẩm, lấy việc sản xuất con giống chất lượng cao làm khâu đột phá; khép kín quy trình để hạ giá thành sản xuất sản phẩm, trước hết phải kể đến Tập đoàn Nam Việt, Công ty Cổ phần Cá tra Việt - Úc An Giang, Chi hội Giống thủy sản AFA.

Đây là 3 trong nhiều đơn vị tiên phong hưởng ứng chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh An Giang, mạnh dạn đầu tư vào chương trình giống cá tra 3 cấp để tạo sự đột phá cho ngành công nghiệp cá tra. Tập đoàn Nam Việt là đơn vị tiên phong của cả nước ứng dụng mạnh mẽ khoa học - kỹ thuật công nghệ cao của các quốc gia tiên tiến như: Israel, Nhật Bản vào khâu nuôi trồng, chế biến xuất khẩu. Tập đoàn Nam Việt là niềm tự hào của ngành hàng cá tra Việt Nam bởi đơn vị có đến 4 nhà máy chế biến cá tra xuất khẩu, nhiều vùng nuôi cá tra bằng công nghệ cao, trong đó có vùng nuôi Bình Phú (xã Bình Phú, Châu Phú) lên đến 60ha.

“Ngày nay có rất nhiều quốc gia như: Ấn Độ, Trung Quốc, Indonesia, Campuchia, Thái Lan đi vào nghiên cứu chuyên sâu về con cá tra. Bởi đây là loại cá thịt trắng, dễ nuôi, ăn ngon, giá thành sản xuất hợp lý. Cá tra Việt Nam không còn “một mình, một chợ” như 20 năm về trước mà các quốc gia vừa nêu đã sản xuất thành công và đang cạnh tranh với chúng ta. Ý thức được vấn đề này, Tập đoàn Nam Việt đã nhanh chóng đưa công nghệ vào chăn nuôi, đồng thời khép kính quy trình sản xuất, đẩy mạnh liên kết, liên doanh để có được sản phẩm tốt nhất, cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Nam Việt Doãn Tới  chia sẻ.

“Ngành hàng cá tra hướng đến sự phát triển bền vững bằng hình thức đẩy mạnh liên kết, mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ thấp chi phí, giá thành sản xuất để cạnh tranh; đưa khoa học - kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất... Đây là hướng đi mới mở ra triển vọng lớn cho những người tham gia” - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Sĩ Lâm khẳng định.

Bài, ảnh: MINH HIỂN