Những thách thức COVID-19 đặt ra cho 'Lục địa Đen'

16/05/2020 - 08:40

Theo phóng viên TTXVN tại Pretoria, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu phi, ông Matshidiso Moeti cảnh báo về tác động tiềm tàng của đại dịch viêm đường hô hấp COVID-19 đối với sinh kế và kinh tế hộ gia đình, làm trầm trọng thêm nạn đói và suy dinh dưỡng ở châu lục này.

Lực lượng chức năng đang phổ biến các quy định của lệnh phong tỏa cho người dân tại ngoại ô thủ đô Pretoria, Nam Phi. Ảnh: Phi Hùng - P-v TTXVN tại Nam Phi

Phát biểu trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 14-5, Tiến sĩ Matshidiso Moeti ước tính khoảng 200 triệu người châu Phi bị thiếu dinh dưỡng và tăng trưởng ở 30% trẻ em dưới 5 tuổi (khoảng 59 triệu trẻ em) bị ảnh hưởng do suy dinh dưỡng, cao hơn rất nhiều so với mức trung bình 21,9% của thế giới. Theo ông, châu Phi có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao nhất so với các khu vực khác trên thế giới. 

Châu Phi hiện có khoảng 73 triệu người đang đối mặt với tình trạng thiếu lương thực nghiêm trọng và thực tế này đang trở nên tồi tệ hơn do các quy định hạn chế về nhập khẩu thực phẩm và hoạt động nông nghiệp để phòng chống đại dịch COVID-19. 

Những người không được đảm bảo về dinh dưỡng có hệ miễn dịch yếu hơn sẽ phải đối mặt với các nguy cơ lớn hơn nếu nhiễm virus SARS-CoV-2. Nghiên cứu của WHO cho thấy các ca bệnh COVID-19 có bệnh lý nền béo phì hoặc đái tháo đường sẽ nghiêm trọng hơn và đối mặt với nguy cơ tử vong cao hơn. Việc phải tiêu thụ thường xuyên hơn các thực phẩm chế biến và đóng hộp, cũng như giảm tập thể dục có thể làm các bệnh trên thêm trầm trọng.

Theo Giám đốc Moeti, đại dịch COVID-19 tác động đến mọi người không đồng đều, do đó chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, lành mạnh hay không là yếu tố chính giúp cơ thể tự vệ trước loại virus chết người này. Thiếu thức ăn hoặc không tiêu thụ đủ loại thực phẩm phù hợp có thể khiến cơ thể sẽ khó chống lại virus SARS-CoV-2 hơn.

WHO nhấn mạnh tầm quan trọng của lương thực và ngũ cốc nguyên chất, đậu lăng, đậu Hà Lan và các loại đậu đỗ trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày nhằm tăng sức đề kháng cho cơ thể.

WHO cũng đã ban hành hướng dẫn liên quan chế độ dinh dưỡng trong điều kiện phong tỏa do đại dịch COVID-19 và khuyến nghị các hộ gia đình dễ bị tổn thương cần nhận được sự hỗ trợ thực phẩm, vật tư y tế và khả năng điều trị vốn được dành riêng để xử lý bệnh nhân suy dinh dưỡng cấp tính. Các chính phủ cũng cần sẵn sàng huy động các cơ chế sàng lọc và điều trị suy dinh dưỡng để đối phó với nguy cơ nảy sinh sau đại dịch.

WHO khuyến cáo việc nới lỏng phong tỏa cần dựa trên các căn cứ khoa học và dữ liệu thực tế. Trong trường hợp phải tiếp tục áp dụng tình trạng phong tỏa, các chính phủ cần xem xét thực thi những biện pháp kèm theo để giảm bớt nạn đói có thể phát sinh.

Theo ĐÌNH LƯỢNG (Báo Tin Tức)