Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình:

Nông nghiệp tiếp tục giữ vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế của tỉnh

21/09/2020 - 06:41

 - Giai đoạn 2015 - 2020, mặc dù chịu nhiều tác động từ tình hình chính trị, kinh tế thế giới và trong nước, cùng những ảnh hưởng do biến đổi khí hậu, thiên tai, sạt lở, dịch bệnh, nhưng với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị, An Giang đã đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Nhằm khái quát những thành tựu nổi bật tỉnh đạt được trong 5 năm qua và phương hướng đề ra trong giai đoạn tiếp theo, phóng viên Báo An Giang đã phỏng vấn Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình.

Xuất khẩu gạo có nhiều cơ hội tăng tốc. Ảnh: MINH HIỂN

Phóng viên (P.V): giai đoạn 2015-2020, An Giang đã đạt những thành tựu như thế nào trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Bình: giai đoạn 2015-2020, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân An Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, khó khăn thực hiện đạt và vượt 8/15 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) đề ra. Kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015 - 2020 ước đạt 5,25% (giai đoạn 2010 - 2015 tăng trưởng GRDP đạt 5,07%). Quy mô của nền kinh tế tăng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng (tăng 16 triệu đồng so năm 2015).

Bên cạnh việc ban hành và triển khai đồng bộ các chính sách phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh còn tập trung thực hiện 3 khâu đột phá gồm: đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hội nhập, đặc biệt là nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI), tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, tập trung cho lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp chế biến. Từ đó, đã tạo được sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh, góp phần quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua.

P.V: An Giang xác định nông nghiệp là nền tảng để phát triển kinh tế, xin ông cho biết giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã tạo được những bước chuyển như thế nào trong lĩnh vực nông nghiệp?

Ông Nguyễn Thanh Bình: giai đoạn 2015 - 2020, với mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp có trọng tâm, trọng điểm theo phương châm “lấy thị trường làm mục tiêu, định hướng cho sản xuất, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản”, tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ X thành nhiều chương trình, đề án như: phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Nhờ đó, nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng của nền kinh tế, với mức tăng trưởng bình quân 2,3%/năm, đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung GRDP bình quân của tỉnh. Giá trị sản xuất nông nghiệp 2015 là 142,7 triệu đồng/ha, đến năm 2020 đạt khoảng 192 triệu đồng/ha. Toàn tỉnh có trên 400 mô hình được hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) và đã thu hút 60 dự án đăng ký đầu tư vào nông nghiệp, với tổng vốn 22.860 tỷ đồng.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đến nay, An Giang có 61 xã đạt chuẩn xã NTM (đạt tỷ lệ 51,26% tổng số xã toàn tỉnh và tăng 48 xã so giai đoạn 2011 - 2015); có 3 đơn vị cấp huyện: Thoại Sơn, TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, giai đoạn 2010 - 2020, An Giang là 1 trong 2 tỉnh dẫn đầu khu vực ĐBSCL về phong trào xây dựng NTM, được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất; 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng ba.

P.V: trong công tác an sinh xã hội An Giang đã tạo nên nét văn hóa riêng về thực hiện đa dạng các hoạt động vì cộng đồng, ông đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Bình: An Giang luôn quyết tâm thực hiện tốt và đầy đủ các chủ trương, chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực để ổn định chính trị - xã hội. Do đó, thời gian qua, tỉnh đã tổ chức thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là những chính sách quan trọng như: hỗ trợ bảo hiểm y tế, nhà ở; trợ cấp đối tượng bảo trợ xã hội, người cao tuổi, người khuyết tật; miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên; ưu đãi tín dụng cho hộ nghèo, cận nghèo...

Ngoài các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh còn bố trí nguồn lực thực hiện một số chính sách riêng như: hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số Khmer, Chăm phát triển kinh tế; hỗ trợ vùng miền núi, vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 30% mệnh giá thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ gia đình cận nghèo… Tỉnh còn quan tâm, chỉ đạo và vận động các tổ chức, cá nhân tham gia hỗ trợ những đối tượng yếu thế trong cộng đồng và đã được nhân dân hưởng ứng tích cực. Những điểm trên được xem là nét văn hóa đặc trưng của An Giang, giúp tô đẹp truyền thống đoàn kết, “Uống nước nhớ nguồn”, “Lá lành đùm lá rách”.

P.V: giai đoạn 2020-2025, An Giang đề ra mục tiêu như thế nào để đưa địa phương tiếp tục phát triển, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Bình: giai đoạn 2020-2025, tỉnh đề ra phương hướng: đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn. Theo đó, An Giang xác định ngành nông nghiệp tiếp tục khẳng định vai trò nền tảng trong phát triển kinh tế và là lợi thế so sánh để tỉnh trở thành trung tâm nông nghiệp của khu vực và cả nước.

Song song với phát triển nông nghiệp, tỉnh sẽ tập trung lĩnh vực đầu tư hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch, phục vụ công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, nhất là tình trạng sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh ngày càng diễn biến phức tạp. Đồng thời, phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chăm lo an sinh xã hội. Chú trọng tổng kết thực tiễn, phát hiện, biểu dương và nhân rộng các mô hình, điển hình tiêu biểu để tạo sự lan tỏa trong nhân dân.

P.V: xin cám ơn ông!

MỸ LINH (thực hiện)