Pháp đóng cửa biên giới với các nước ngoài khu vực EU

30/01/2021 - 07:23

Ngày 29-1, Thủ tướng Pháp Jean Castex công bố một số biện pháp bổ sung nhằm chặn đà lây lan của dịch bệnh, nhất là các biến thể virus SARS-CoV-2. Từ ngày 31-1, việc xuất nhập cảnh đối với công dân của những nước ngoài khu vực EU sẽ bị cấm, trừ trường hợp đặc biệt.

Thủ tướng Pháp Jean Castex thông báo quyết định tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2.

Sau cuộc họp khẩn cấp chiều tối 29-1 của Hội đồng Quốc phòng dưới sự chủ trì của Tổng thống Emmanuel Macron, Thủ tướng Jean Castex có bài phát biểu ngắn gọn từ Điện Élyseé, thông báo một số biện pháp mới để ứng phó nguy cơ khó kiểm soát của dịch bệnh.

Lý giải về việc trì hoãn đưa ra lệnh phong tỏa, Thủ tướng Jean Castex cho rằng, biện pháp này sẽ tác động nặng nề đối với người Pháp ở mọi cấp độ và cả nước "có thêm một cơ hội để tránh bị phong tỏa một lần nữa". Vì vậy, chính phủ quyết định chỉ tăng cường các biện pháp hạn chế và sẽ bổ sung biện pháp mạnh hơn trong những ngày tới nếu cần thiết.

Kể từ ngày 31-1, tất cả các trung tâm mua sắm không bán hàng thiết yếu và rộng hơn 20.000 m2 sẽ phải đóng cửa. Các địa điểm kinh doanh khác phải tăng cường việc kiểm soát số lượng người để bảo đảm khoảng cách an toàn.

Làm việc từ xa sẽ được tăng cường tối đa, kể cả ở các cơ quan hành chính. Còn lệnh giới nghiêm từ 18 giờ được duy trì cùng với việc tăng cường lực lượng kiểm tra để ngăn chặn việc di chuyển, tụ tập đông người hay mở nhà hàng trái phép như đã xảy ra ở một số nơi trong mấy ngày vừa qua.  

Nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài, chính phủ ra quy định phải có giấy xét nghiệm PCR âm tính đối với tất cả những người vào Pháp từ một nước thành viên EU. Còn những người đến từ các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp phải có lý do chính đáng.

Chính phủ Pháp đưa ra các biện pháp bổ sung sau hai ngày tham vấn đại diện của các đảng phái chính trị, nghiệp đoàn cũng như chuyên gia y tế. Như vậy, chính phủ vẫn cố gắng không ban hành lệnh phong tỏa cũng như đóng cửa trường học nhằm hạn chế thiệt hại về kinh tế và gián đoạn giáo dục.

Theo ước tính do Viện Thống kê và Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Pháp công bố ngày 29-1, GDP của Pháp suy giảm tới 8,3% trong năm 2020 do khủng hoảng dịch bệnh. Bộ trưởng Kinh tế Bruno Le Maire cho biết, mức suy giảm này thấp hơn so với dự báo trước đó vì có sự phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm. Mỗi tháng phong tỏa như tháng 11-2020 "thổi bay" 1% GDP. Do vậy Chính phủ Pháp quyết định chỉ tăng cường biện pháp chống dịch.   

Bộ Y tế Pháp cho biết, có khoảng 10% số ca nhiễm mới hằng ngày là do biến thể mới ở Anh hoặc Nam Phi. Tại vùng thủ đô Ile-de-France, tỷ lệ lây nhiễm lên tới hơn 20% và tăng rất nhanh trong mấy ngày gần đây.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh, các chuyên gia y tế Pháp lo ngại nguy cơ xảy ra làn sóng dịch thứ ba "nghiêm trọng hơn rất nhiều" so với hai đợt trước do tốc độ lây lan rất nhanh của các biến thể mới. Chiến lược "truy tìm, cách ly và bảo vệ" của Pháp chưa đủ mạnh để hạn chế đà lây lan. Nếu tình hình không sớm được kiểm soát, Pháp có khả năng đối mặt đợt dịch rất nghiệm trọng trong tháng 3. Các đảng phái chính trị đối lập cũng cho rằng, quyết định vừa đưa ra "không đủ mạnh" để giải quyết tình hình cấp bách như hiện nay. 

Ngày 29-1, Pháp tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm ở mức cao, với 22.858 trường hợp và 356 ca tử vong trong bệnh viện. Số ca nhiễm hằng ngày tăng liên tục, ở mức trung bình 20.100 ca so với 18.300 ca của tuần trước. Số người nhập viện và ca hồi sức cấp cứu cũng tăng liên tục, gia tăng sức ép đối với các bệnh viện.

Cũng như Pháp, một số nước châu Âu đã tăng cường kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của các biến thể virus SARS-CoV-2. Đức cấm nhập cảnh đối với những người đến từ các nước có nguy cơ cao như Brazil, Anh, Ireland, Bồ Đào Nha và Nam Phi trong thời gian từ ngày 30-1 đến 17-2. Từ 14 giờ ngày 29-1, Anh đóng cửa biên giới đối với những người đến từ Các tiểu Vương quốc Ả-rập. Lệnh cấm nhập cảnh của Na Uy đối với những người không cư trú ở nước này cũng có hiệu lực từ ngày 29-1.

Theo KHẢI HOÀN (Nhân Dân)

 

Liên kết hữu ích