Tạo động lực để nông nghiệp phát triển bền vững

25/09/2018 - 09:17

Trước áp lực diện tích đất canh tác bị thu hẹp, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, biến đổi khí hậu... ngành nông nghiệp TP Cần Thơ vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng ổn định.

A A

Có được kết quả này là nhờ các quận, huyện khéo léo khai thác các lợi thế sẵn có. Đồng thời, đề ra những giải pháp kịp thời thích ứng với thực tiễn sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước…

Khai thác lợi thế

Những năm qua, tùy vào điều kiện, tiềm năng hiện có, các quận, huyện chủ động chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, với lợi thế trồng cây ăn trái, huyện Phong Điền tập trung mở rộng diện tích, khôi phục các vườn cây ăn trái suy thoái, kém hiệu quả trên địa bàn. Giai đoạn 2008-2017, diện tích cây ăn trái của huyện đã tăng gấp đôi (từ 3.600ha lên 7.200ha). Ngoài ra, huyện hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo hướng vườn kiểu mẫu với diện tích hàng chục đến hàng trăm héc-ta. Điển hình như vùng trồng vú sữa ở xã Giai Xuân; vùng dâu Hạ Châu xã Nhơn Ái; vùng trồng nhãn trên địa bàn xã Trường Long... Nhà vườn còn đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quy trình tiên tiến vào thực tế sản xuất. Hiện Phong Điền đã xây dựng hoàn thành 3 mô hình sản xuất VietGAP trên cây nhãn Edor, vú sữa và cam mật.

Nhà vườn Phong Điền thu hoạch bưởi. Ảnh: MỸ THANH

Đối với huyện Vĩnh Thạnh, cây lúa là cây trồng chủ lực và là thế mạnh của địa phương. Do đó, huyện chọn xây dựng và nhân rộng mô hình “Cánh đồng lớn” làm khâu đột phá. Ông Đỗ Sĩ Nhường, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh, cho biết: “Huyện đã xây dựng được 83 “Cánh đồng lớn” với diện tích 12.787 ha. Trong đó, có 63 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP và 100ha đạt chuẩn GlobalGAP. Song song đó, Vĩnh Thạnh tiếp tục khai thác lợi thế phát triển nuôi trồng thủy sản với diện tích hằng năm đạt khoảng 806 ha, sản lượng trung bình hơn 32.799 tấn. Một số mô hình nuôi trồng thủy sản nổi bật có thể kể đến như: mô hình nuôi lươn bùn cho lợi nhuận 13,5 triệu đồng/40m2, nuôi ếch lợi nhuận 3 triệu đồng/24m2… Để ổn định đầu ra, huyện cũng tổ chức gắn kết các tác nhân trong chuỗi sản xuất và cung ứng thủy sản, đặc biệt là hộ nuôi cá tra với doanh nghiệp chế biến thủy sản”.

Trước áp lực đất canh tác bị thu hẹp do tiến trình đô thị hóa, ngành nông nghiệp đã nhanh chóng thích ứng bằng mô hình nông nghiệp đô thị ở các quận Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn... Ông Tiêu Quốc Doãn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy, cho biết: “Thời gian qua, Bình Thủy đã triển khai đồng bộ các giải pháp về phát triển nông nghiệp đô thị gắn với phát huy các di tích lịch sử, văn hóa và du lịch sinh thái trên địa bàn. Bình Thủy hiện có các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị như: hoa kiểng (Làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ-Bà Bộ, Câu lạc bộ Hoa lan Bình Thủy), rau màu (Hợp tác xã rau an toàn Long Tuyền, mô hình sản xuất rau ăn lá thủy canh của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Minh Hòa...), thủy sản (mô hình nuôi lươn không bùn của Hợp tác xã Thuận Thiên), trồng cây ăn trái kết hợp với phát triển du lịch sinh thái (Vườn du lịch Ba Cống, Khu du lịch Tre Ngà, Du lịch Cồn Sơn…)”.

Đi vào chiều sâu

Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND Phong Điền, cây ăn trái tiếp tục là thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp và là cơ sở thực hiện định hướng xây dựng huyện Phong Điền thành huyện đô thị sinh thái. Do đó, ngành nông nghiệp huyện xác định tập trung đổi mới hình thức tổ chức sản xuất; tăng cường hợp tác, liên doanh; đa dạng hóa trong phát triển sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững. Đồng thời, xây dựng, khuyến khích phát triển mạng lưới thương lái làm đầu mối thu mua, tiêu thụ nông sản nói chung và sản phẩm cây ăn trái nói riêng cho nông dân. Tranh thủ nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển vườn cây ăn trái như: hệ thống thủy lợi, giao thông, trạm bơm điện phục vụ cơ giới hóa, sản xuất, tiêu thụ hàng hóa thích ứng với biến đổi khí hậu.

Về mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, ông Tiêu Quốc Doãn, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thủy đề xuất thành phố sớm phê duyệt quy hoạch Làng nghề Hoa kiểng Phó Thọ-Bà Bộ để các hợp tác xã hoa kiểng yên tâm sản xuất. Đồng thời, ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao; hỗ trợ địa phương trong việc kết nối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Một số ý kiến cho rằng, nông nghiệp đô thị của thành phố phải kết hợp với du lịch sinh thái, để vừa có thể tạo thu nhập cho bà con vừa góp phần cải thiện cảnh quan môi trường. Song song đó, các đơn vị có liên quan cần chủ động phối hợp với các viện, trường để tổ chức huấn luyện, chuyển giao khoa học kỹ thuật, các thành tựu khuyến nông về sử dụng giống mới, phương pháp sản xuất hiện đại cho nông dân.

Bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ cho rằng, thành phố cần có các chính sách về vốn, thuế, thủ tục hành chính giúp nông dân mạnh dạn khởi nghiệp, dám nghĩ, dám làm. Đồng thời, hỗ trợ, định hướng nông dân sản xuất theo quy hoạch, chú trọng đến chất lượng; đầu tư phát triển, đăng ký thương hiệu và có chiến lược quảng bá, tiếp thị phù hợp đối với sản phẩm đặc trưng, lợi thế của thành phố.

Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, khẳng định: Thời gian tới, ngành nông nghiệp thành phố tập trung vào các giải pháp mang tính đột phá như tăng đầu tư khoa học công nghệ gắn với dồn sức phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực tăng trưởng nhanh. Đồng thời, tổ chức lại sản xuất các sản phẩm chủ lực theo hướng quy mô lớn, tập trung; thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị nhằm phục vụ xuất khẩu, mang lại giá trị kinh tế cao. Ngoài ra, ngành nông nghiệp thành phố cũng ưu tiên phát triển hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trạm bơm điện, cơ giới hóa… Đây là những khâu quan trọng không chỉ phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất mà còn thúc đẩy giao thương qua đó nâng cao thu nhập cho người dân.

Theo MỸ THANH (Báo Cần Thơ)