Thủ tướng Đức khẳng định tình hình dịch bệnh vẫn rất nghiêm trọng

17/11/2020 - 18:11

Trong tuyên bố đưa ra ngày 17-11, Thủ tướng Đức Merkel cho rằng tình hình dịch bệnh bệnh tại Đức vẫn rất nghiêm trọng ngay cả khi số ca nhiễm không còn tăng nhanh.

Thủ tướng Đức Angela Merkel. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn phức tạp tại châu Âu, Thủ tướng Đức Angela Merkel mong muốn giới chức liên bang và bang nhất trí siết chặt hơn các quy định phòng bệnh, trong khi Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran khẳng định chưa thể đưa ra thời hạn kết thúc phong tỏa.

Trong tuyên bố đưa ra ngày 17-11, Thủ tướng Merkel cho rằng tình hình dịch bệnh bệnh tại Đức vẫn rất nghiêm trọng ngay cả khi số ca nhiễm không còn tăng nhanh.

Tuyên bố trên được bà Merkel đưa ra sau khi các quan chức liên bang và bang quyết định hoãn quyết định áp đặt thêm các biện pháp hạn chế nhằm khống chế dịch bệnh cho đến ngày 25-11.

Thủ tướng Đức cho rằng dù tỷ lệ lây nhiễm hiện không còn theo cấp số nhân, song vẫn còn khá cao, đồng thời bày tỏ quan ngại tình hình dịch bệnh lây lan tại một số khu vực, trong đó có thủ đô Berlin. Do đó, theo bà, người dân cần tiếp tục hạn chế tiếp xúc.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng mong muốn có thể nhất trí với giới chức liên bang và bang về việc siết chặt các quy định phòng dịch trong cuộc họp ngày 17-11.

Thống kê của Viện Robert Koch (RKI) cho thấy, trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận thêm 14.419 ca mắc COVID-19 và 267 trường hợp tử vong. So với 1 tuần trước, số ca nhiễm đã giảm 913 ca, song số người tử vong lại tăng 113 người. 

Theo bà Merkel, hiện có khoảng từ 30-40% người dân Đức dễ tổn thương với COVID-19, trong đó có người già và những người có bệnh lý nền. Chính vì vậy, kiểm soát được tình hình dịch bệnh cũng là giải pháp tốt nhất đối với nền kinh tế.

Ngày 2-11 vừa qua, Đức đã áp đặt phong tỏa trong vòng 1 tháng nhằm khống chế làn sóng lây nhiễm thứ 2 dịch COVID-19. trong khi các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa, các trường học và cửa hàng vẫn mở cửa.

Thủ tướng Merkel đã đề xuất áp đặt thêm các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó có yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc tại các lớp học, hối thúc người dân và học sinh hạn chế tiếp xúc.

Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Berlin, Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran cho rằng nước này đã kiểm soát được sự lây lan của virus SARS-CoV-2, song vẫn còn quá sớm để tuyên bố chiến thắng, vì vậy, chưa thể nới lỏng các biện pháp phong tỏa toàn quốc lần thứ 2.

Do việc áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số thành phố của Pháp hồi giữa tháng 10 không phát huy hiệu quả trong việc ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, nhà chức trách nước này đã áp đặt tình trạng phong tỏa trong vòng 1 tháng, từ ngày 30-10.

Tuy nhiên, các biện pháp phong tỏa này được đánh giá ít nghiêm ngặt hơn so với các biện pháp được áp đặt từ ngày 17/3-11/5.

Phát biểu trên đài truyền hình BFM, ông Veran khẳng định nếu ngừng các nỗ lực khống chế dịch bệnh quá sớm, cũng như không thực thi nghiêm biện pháp phong tỏa, nước Pháp có thể lại chứng kiến làn sóng dịch bệnh gia tăng, phủ nhận toàn bộ nỗ lực của chính phủ và người dân trong những tuần qua.

Sau khi số ca nhiễm mới lên mức cao nhất trong 1 ngày vào ngày 7-11 (với 86.852 ca), con số này đã giảm mạnh. Ngày 16-11, số ca nhiễm mới tại Pháp ở mức 9.406 người, thấp nhất trong hơn 1 tháng. Tuy nhiên, số người phải nhập viện do COVID-19 đã lên mức cao nhất từ trước tới nay, với 33.497.

Dù tình hình dịch bệnh đã có tín hiệu tích cực, song Bộ trưởng Y tế Pháp khẳng định chưa thể nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, và ông chưa thể đưa ra thời hạn kết thúc phong tỏa toàn quốc nhằm ngăn chặn dịch COVID-19. Do đó, nhà chức trách sẽ không dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại vào ngày 1-12.

Hiện Pháp đang là nước có số ca nhiễm cao thứ 4 thế giới, với khoảng gần 2 triệu người mắc bệnh, sau Mỹ, Ấn Độ và Brazil.

Theo NGỌC HÀ (TTXVN)