Tìm giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa

03/06/2020 - 18:49

 - Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt 890 triệu USD, đạt 100% so kế hoạch và tăng 5,95% so cùng kỳ. Ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2020 đạt 423 triệu USD, tăng 0,60% so cùng kỳ. Thị trường trọng điểm xuất khẩu của tỉnh là Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Gha-na, Mexico, Thái Lan, Bỉ, Đài Loan...

Năm 2020, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 930 triệu USD, tăng 4,49% so năm 2019. Tuy nhiên, theo dự báo tình hình xuất khẩu năm 2020 tiếp tục khó khăn, để đạt mục tiêu đó tỉnh đã đặt ra nhiều phương án thực hiện.

Đối với mặt hàng gạo, nếp chủ lực, tỉnh phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 233,9 triệu USD, thị trường xuất khẩu gạo qua 39 nước, trong đó các nước Châu Á tiếp tục là thị trường có tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng xuất trực tiếp (chiếm 85%). Mặt hàng thủy sản phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 285,8 triệu USD. Duy trì và giữ vững ổn định các thị trường truyền thống; tích cực đẩy mạnh xúc tiến, tận dụng cơ hội xuất khẩu qua các thị trường tiềm năng.

Đối với mặt hàng rau quả đông lạnh đóng lon và một số loại trái cây tươi như: xoài, chuối... phấn đấu kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt 16,7 triệu USD. Thị trường xuất khẩu qua 23 nước, trong đó các nước Châu Âu tiếp tục là thị trường có tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng xuất trực tiếp (chiếm 43%), đẩy mạnh phát triển xuất khẩu trái cây tươi trực tiếp vào thị trường Trung Quốc. Với mặt hàng may mặc phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 135,8 triệu USD; duy trì ổn định xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng lượng xuất khẩu trực tiếp.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng, sẽ tăng cường hỗ trợ, thông tin đến các doanh nghiệp xuất khẩu tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại, hợp tác giao thương... trong và ngoài nước. Tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) xuất khẩu rau quả tham gia hội chợ duy trì thị trường truyền thống và tìm kiếm các thị trường tiềm năng. Tạo điều kiện để DN, hợp tác xã (HTX) trái cây khai thác thị trường nội địa, thông qua việc đẩy mạnh giới thiệu đưa vào hệ thống các cửa hàng nông sản an toàn, hệ thống phân phối siêu thị.

Về nguồn nguyên liệu, tỉnh định hướng, hướng dẫn nông dân trồng cây ăn trái xuất khẩu theo quy định sửa đổi về kiểm dịch thực vật số 2019/523 của Liên minh Châu Âu (EU). Rà soát lại quy hoạch phát triển cây ăn trái và đề án tái cơ cấu nông nghiệp để có điều chỉnh hợp lý theo yêu cầu của thị trường; có chính sách hỗ trợ các HTX và DN đầu tư chế biến sâu. Tập trung xây dựng và triển khai dự án “Phát triển bền vững cây ăn quả tỉnh An Giang”.

Xúc tiến thương mại, hợp tác giao thương trong và ngoài nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp xuất khẩu.

Theo UBND tỉnh, phối hợp Cục Xuất nhập khẩu, tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài cập nhật các quy định, chính sách xuất, nhập khẩu, nhu cầu thị trường liên quan đến sản phẩm nông, thủy sản. Theo dõi chặt chẽ thông tin tình hình dịch bệnh Covid-19 để kịp thời triển khai kế hoạch, phương án ứng phó nhằm giảm thiểu tối đa ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu...

Thông tin đến các DN xuất khẩu của tỉnh các quy định, chính sách nhập khẩu đối với thị trường truyền thống và các thị trường tiềm năng (thị trường EU). Mời đại diện tham tán thương mại Việt Nam tại một số nước, thị trường trọng điểm và tiềm năng đối với hàng hóa của tỉnh về An Giang giới thiệu, thông tin đến DN xuất khẩu của tỉnh về chính sách thương mại, thị trường, nhu cầu nhập khẩu năm 2021 của nước sở tại.

Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh An Giang giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Tổ chức diễn đàn DN tỉnh An Giang với DN tỉnh Takeo, Kandal, Kep, Kampongchlang (Campuchia) kết hợp phiên chợ giao thương tổ chức tại An Giang...

Theo Sở Công thương, tỉnh triển khai chương trình phối hợp liên ngành giữa Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh An Giang giai đoạn 2019-2020 trong tổ chức sản xuất - tiêu thụ nông sản, tổ chức các sự kiện quảng bá sản phẩm nông nghiệp...

Tiếp tục củng cố các hợp tác xã đã liên kết với DN kinh doanh xuất khẩu, mời gọi các tập đoàn, DN gắn kết với các HTX triển khai mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, xây dựng chuỗi giá trị nông sản nhằm đáp ứng yêu cầu truy suất nguồn gốc sản phẩm của nhà nhập khẩu. Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu, quảng bá thương hiệu thông qua môi trường thương mại điện tử và các nền tảng công nghệ số.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh tập trung mời gọi đầu tư, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thực hiện hỗ trợ tài chính cho tổ hợp tác, HTX thực hiện sản xuất kinh doanh thuộc 8 nhóm sản phẩm nông nghiệp được quy hoạch sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Thường xuyên đối thoại trực tiếp với DN, lắng nghe đề xuất, kiến nghị của DN và giải quyết kịp thời khó khăn vướng mắc.

Chủ động khai thác mọi nguồn lực phục vụ cho đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông. Tiếp cận, tranh thủ tối đa các nguồn vốn nước ngoài đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh.

Ngoài tác động của nhà nước, DN sản xuất, xuất khẩu cần chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, tạo dựng thương hiệu sản phẩm hàng hóa. Chủ động triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, tổ chức liên kết sản xuất theo hướng bền vững. Chủ động tham gia các hoạt động xúc tiến trong và ngoài nước... và không ngừng tự đào tạo hoặc tham gia các khóa đào tạo do các sở, ngành tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài, ảnh: HẠNH CHÂU