Tỉnh Phú Thọ sẵn sàng cho Giỗ tổ Hùng Vương và Lễ hội Đền Hùng

14/04/2018 - 17:32

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng thể hiện truyền thống đạo lý 'Uống nước nhớ nguồn', biết ơn sâu sắc các Vua Hùng và các bậc tiền nhân có công dựng nước và giữ nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tôn vinh các giá trị văn hóa thời đại Hùng Vương; quảng bá di sản văn hóa 'Hát Xoan Phú Thọ' và 'Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương' được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất - 2018, do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ chủ trì với sự tham gia của 4 tỉnh, thành phố là: Thái Nguyên, Quảng Nam, Bình Dương và Kiên Giang diễn ra trong 05 ngày, từ 21 - 25.4.2018 (tức là từ ngày 06-10 tháng 3 âm lịch).

Ông Nguyễn Đắc Thủy - Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ.

Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và rước kiệu lễ vật do thành phố Việt Trì tổ chức vào ngày 20.4.2018 (tức ngày 05.3 Mậu Tuất). Ngày ngày 21.4.2018 (tức 06.3 Mậu Tuất), Lễ Giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân tại đền thờ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân - Khu di tích lịch sử Đền Hùng với hoạt động rước kiệu lễ vật và tế của xã Chu Hóa, tổ chức Lễ dâng hương Quốc Tổ Lạc Long Quân. Báo điện tử Dân Việt đã phỏng vấn ông Nguyễn Đắc Thủy- Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Phú Thọ về sự kiện trọng đại này.

Thưa ông, đến giờ, mọi phương án cho Giỗ Tổ Hùng Vương và Lễ hội Đề Hùng chắc đã được được hoàn tất?

- Chúng tôi đã sẵn sàng bởi từ trước đó, hoạt động tuyên truyền đã được tiến hành trên các hình thức như: Tuyên truyền cổ động trực quan, trên các phương tiện truyền thông của tỉnh Phú Thọ và sự vào cuộc của các cơ quan trung ương và các địa phương tham gia. Chúng tôi liên kết Cổng giao tiếp điện tử tỉnh Phú Thọ với 62 Cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trong cả nước; tổ chức hoạt động của Trung tâm báo chí, đặc biệt là thông tin đối ngoại được tăng cường nhằm quảng bá di sản Hát Xoan Phú Thọ, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2018.

Di sản văn hóa thời đại Hùng Vương sẽ tiếp tục được giới thiệu với công chúng cả nước, du khách thông qua nhiều hoạt động nghi lễ, văn hóa dân gian được tổ chức trong phạm vi Khu di tích lịch sử Đền Hùng, thành phố Việt Trì và trên địa bàn toàn tỉnh Phú Thọ, trong đó Khu di tích lịch sử Đền Hùng và thành phố Việt Trì làm trung tâm.

Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ tại đền thờ Tổ Mẫu Âu Cơ - Khu di tích lịch sử Đền Hùng với hoạt động tế nữ quan và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ; Rước kiệu về Đền Hùng của các xã, phường, thị trấn vùng ven Khu di tích lịch sử Đền Hùng; Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cùng thời gian tổ chức Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng tại Đền Thượng, núi Nghĩa Lĩnh, Khu di tích lịch sử Đền Hùng; đặc biệt là Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vào lúc 6h30 phút ngày 25.4.2018 (tức ngày 10.3 Mậu Tuất) được truyền hình và phát thanh trực tiếp trên sóng của Đài Phát thanh và Truyền hình Phú Thọ và tiếp sóng trên các đài truyền hình trung ương, các tỉnh thành.

Cùng với phần Lễ thì phần hội năm nay sẽ diễn ra như thế nào thưa ông?

-Cùng với phần lễ sẽ có nhiều hoạt động văn hóa dân gian đặc sắc, phong phú, mang đậm nét văn hóa vùng đất cội nguồn dân tộc. Chúng tôi tổ chức rước kiệu dâng lễ vật từ các xã phường, thị trấn về Đền Hùng; Trưng bày tư liệu, hiện vật về “Lễ hội và Tín ngưỡng vùng đất Tổ”, các hiện vật khảo cổ về thời đại Hùng Vương và sự hình thành của Nhà nước Văn Lang, trưng bày tư liệu về Di sản Hát Xoan Phú Thọ; trưng bày giới thiệu, quảng bá du lịch, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Phú Thọ; tổ chức đánh trống đồng, đâm đuống, múa lân; tổ chức Lễ hội văn hóa dân gian đường phố tại thành phố Việt Trì theo hướng mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng trình diễn; Hội thi gói và nấu bánh chưng, giã bánh giày tỉnh Phú Thọ mở rộng lần thứ VI; tổ chức hội trại văn hóa, trình diễn diễn xướng dân gian, trưng bày sản vật và văn hóa ẩm thực của 13 huyện, thị, thành tỉnh Phú Thọ; tổ chức biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh tham gia giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng; biểu diễn Múa rối nước; tổ chức trình diễn “Hát Xoan làng cổ” gắn với điểm du lịch di sản văn hóa; Liên hoan văn nghệ quần chúng, Hát Xoan và dân ca Phú Thọ; tổ chức các hoạt động thể dục, thể thao và trò chơi dân gian truyền thống, Hội thi bơi chải mở rộng …

Lễ hội Đền Hùng. Ảnh Internet

Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội Đền Hùng năm Mậu Tuất - 2018 cũng được tổ chức vào 20h00 ngày 21.4.2018 (tức ngày 06.3 Mậu Tuất) tại Sân khấu Quảng trường công viên Văn Lang và được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài Phát và Truyền hình tỉnh Phú Thọ.

Trên tinh thần phần lễ được tổ chức trang nghiêm, trọng thể mang tính cộng đồng; gắn với các hoạt động hội nhằm tôn vinh di sản “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” với các hình thức hoạt động vui tươi, lành mạnh, kết hợp hài hòa giữa các hoạt động văn hóa dân gian truyền thống và hiện đại, tạo ấn tượng sâu sắc cho đồng bào và du khách về dự giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng.

Thưa ông, lần đầu tiên,TƯ Giáo hội Phật giáo VN có công văn đề nghị hạn chế và dần loại bỏ tục đốt vàng mã. Việc này được tỉnh và sở quán triệt như thế nào đối với các cơ sở thờ tự và tại Lễ hội Đền Hùng?

-Tập tục đốt vàng mã là một phần nghi thức gắn với đời sống tín ngưỡng tâm linh của người dân Việt Nam từ bao đời nay. Trong thực tế, việc hạn chế và loại bỏ việc đốt vàng mã là rất cần thiết, tránh lãng phí tiền của, ô nhiễm môi trường, nguy cơ mất an toàn, gây cháy nổ tại các cơ sở thờ tự.

Từ năm 2012, trong “Chương trình về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam” hàng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ đã có văn bản gửi UBND các huyện, thị, thành đề nghị tăng cường công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa, trong đó chỉ đạo các đơn vị đồng thời vận động khách tham quan thực hiện nếp sống văn minh khi tham gia lễ hội tại các di tích lịch sử - văn hóa (đình, chùa, đền, miếu), hạn chế đốt vàng mã và yêu cầu không đốt đồ mã trong khu vực di tích, lễ hội.

Công tác tổ chức giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng ngày càng được hoàn thiện, trở thành mô hình tổ chức lễ hội tiêu biểu không chỉ của tỉnh Phú Thọ mà trong cả nước, tạo ấn tượng, linh thiêng, thu hút đông đảo đồng bào cả nước và kiều bào Việt Nam ở nước ngoài hướng về đất Tổ. Ngày hội Đền Hùng đã trở thành ngày hội của toàn dân tộc với nhiều hoạt động văn hóa lớn diễn ra trên địa bàn thành phố Việt Trì, khu vực các xã vùng ven, đặc biệt là trong khu vực Khu Di tích lịch sử Đền Hùng. Tình trạng đặt tiền giọt dầu, đốt vàng mã không đúng nơi quy định, chèo kéo khách, hoạt động vui chơi có thưởng trá hình, dùng loa phóng thanh quảng cáo bán bánh kẹo giảm rất nhiều; đặc biệt việc đổi tiền lẻ, thả tiền xuống giếng, dắt tiền vào tay ngai cơ bản được ngăn chặn. Việc đặt hòm công đức, ghi phiếu công đức, hạn chế đốt vàng mã đã đi vào nề nếp.

Theo ông, đâu là phương án tốt nhất để đảm bảo an toàn trong các lễ hội của tỉnh?

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tôn vinh giá trị, ý nghĩa giáo dục của lễ hội, bảo tồn có chọn lọc những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân.

Năm 2018, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ động ban hành văn bản số 16/SVHTTDL-QLVH ngay 08.01.2018 về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội gửi UBND các huyện, thị, thành yêu cầu các địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ,của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tăng cường kiểm tra trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Chú trọng công tác tổ chức, không để các hành vi chen lấn, tranh cướp, hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, cờ bạc trá hình, ăn mày, ăn xin, dịch vụ đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch... Thực hiện quy hoạch khu dịch vụ đảm bảo thuận tiện, không gây cản trở, ùn tắc giao thông. Tiến hành kiểm tra, rà soát các di tích để chủ động có phương án phòng, chống cháy nổ, trộm cắp di vật, cổ vật, hiện vật, đảm bảo giữ gìn an ninh, an toàn tuyệt đối cho nhân dân và du khách khi tham gia lễ hội.

Hướng dẫn khách tham quan thực hiện nếp sống văn minh, không đưa các linh vật ngoại lai, hiện vật lạ không phù hợp với thuần phong mỹ tục của Việt Nam vào các khu di tích, khu thờ tự, đảm bảo tính nguyên trạng của di tích theo đúng Luật di sản văn hóa và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Thông qua lễ hội các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, thuần phong mỹ tục được phát huy, góp phần duy trì thực hành, truyền dạy và trình diễn di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương, củng cố tinh thần đoàn kết, giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn” tốt đẹp của dân tộc. Lễ hội được tổ chức tạo điều kiện tốt cho công tác bảo tồn di tích, đồng thời phát huy được vai trò, giá trị của di tích trong đời sống cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Dân Việt