Tổng thống Iran Rouhani nêu các điều kiện đàm phán với Mỹ

15/07/2019 - 08:42

Tổng thống Hassan Rouhani cho biết Iran sẵn sàng đàm phán với Mỹ bất cứ lúc nào nếu Washington đáp ứng được các điều kiện mà Tehran đưa ra.

Ngày 14-7, Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết rằng Tehran sẵn sàng đàm phán với Mỹ nếu Washington tham gia trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015 và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện nay.

Phóng viên TTXVN tại Washington D.C. dẫn trang mạng The Hill cho biết, trong một phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh: “Chúng tôi luôn tin tưởng vào các cuộc đàm phán... Nếu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, chấm dứt áp lực kinh tế và trở lại thỏa thuận, chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Mỹ hôm nay, ngay bây giờ và tại bất cứ nơi nào.”

Tổng thống Iran Hassan Rouhani phát biểu tại một sự kiện ở Tehran ngày 8-5-2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Iran cũng ca ngợi việc Tehran có thể chống chọi trước các lệnh trừng phạt cứng rắn của Washington nhiều tháng qua, đồng thời cho rằng sức ép của Mỹ với nước Cộng hòa Hồi giáo là “vô tác dụng.”

Phát biểu của Tổng thống Iran được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Tehran và Washington, trong đó bao gồm cả việc Mỹ lên kế hoạch cho một cuộc tấn công, dù được hủy bỏ sau đó, với Iran nhằm trả đũa việc máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ - vụ việc mà phía Iran cho là nằm trong không phận của nước này.

Iran cũng đã rút lại các cam kết của riêng mình theo thỏa thuận hạt nhân mà Mỹ tuyên bố rút khỏi từ năm 2018, tiến hành việc làm giàu nhiều urani hơn so với hiệp ước cho phép và bắt đầu làm giàu urani trên mức 3,67% quy định.

Trong khi đó, các bên ký kết khác của thỏa thuận năm 2015, bao gồm Pháp, Anh và Đức, đã yêu cầu hai quốc gia này thực hiện các bước tiến tới đàm phán.

Theo hãng tin Reuters, trong một tuyên bố chung của các nước này được đưa ra bởi Tổng thống Pháp cho biết: “Chúng tôi tin rằng đã đến lúc phải hành động có trách nhiệm và tìm mọi cách để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng và tiếp tục đối thoại.”

Tuyên bố này cũng nhấn mạnh thêm: “Rất cần thiết để cho các bên tạm dừng và xem xét về những hậu quả có thể xảy ra đối với hành động của các bên”./.

Theo BÙI ĐẠI THẮNG (Vietnam+)