Trà Vinh: 67 chủ thể OCOP tham gia “Diễn đàn liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP”

25/11/2022 - 15:33

Sáng nay (25/11), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Trà Vinh tổ chức diễn đàn “Liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh”.

A A

Các diễn giả tham gia diễn đàn liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Nguyễn Quỳnh Thiện, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Trà Vinh; Lê Văn Đông, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT; Kiên Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh; Trung tá Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Viettel Trà Vinh; Trần Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã (HTX) OCOP Việt Nam; lãnh đạo Sở Công thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và 67 đại biểu là các chủ thể có sản phẩm OCOP…

Qua 04 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến cuối tháng 11/2022, toàn tỉnh có 104 sản phẩm đạt OCOP (06 sản phẩm tiềm năng 05 sao; 15 sản phẩm đạt 04 sao và 83 sản phẩm đạt 03 sao) thuộc 67 chủ thể. Hiện toàn tỉnh còn 50 xã chưa có sản phẩm OCOP.

Đồng chí Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc diễn đàn liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Quỳnh Thiện thông tin: từ năm 2019 - 2022, tỉnh đã triển khai nguồn vốn hỗ trợ cho Chương trình mỗi xã một sản phẩm 10,2 tỷ đồng (vốn Trung ương 9,1 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 1,1 tỷ đồng), mở 54 lớp tập huấn cho 1.422 lượt người tham dự; hỗ trợ cho 50 sản phẩm xây dựng nhãn hiệu.

Thời gian tới, để các sản phẩm OCOP của tỉnh phát triển tốt, có thị trường tiêu thụ ổn định… cần nâng cao các chuỗi cung ứng, kết nối thông tin thúc đẩy liên kết tiêu thụ sản phẩm OCOP. Qua diễn đàn sẽ giúp cho các sở, ngành tỉnh và các chủ thể có sản phẩm OCOP tiếp cận với thị trường, liên kết tiêu thụ được sản phẩm qua hỗ trợ từ Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam…

Đại diện các chủ thể đạt sản phẩm OCOP nêu lên những khó khăn, hạn chế; như: từng địa phương còn nhiều lúng túng trong cách làm, xác định lợi thế, tiềm năng và chủ thể sản xuất để xây dựng sản phẩm OCOP. Công tác phối hợp, hỗ trợ của các ngành chưa đồng bộ; bộ tiêu chí đánh giá, phân loại sản phẩm còn một số tồn tại, chưa phù hợp với thực tế; ứng dụng khoa học công nghệ, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa phong phú…

Tại diễn đàn, các diễn giả tập trung phân tích về tìm ra giải pháp phát triển các sản phẩm; tăng số lượng sản phẩm OCOP hàng năm; nâng cao chất lượng sản phẩm; giải pháp liên kết, kết nối cung cung - cầu giúp các chủ thể OCOP phát triển bền vững; ứng dụng công nghệ vào quảng bá sản phẩm…

Đồng chí Kiên Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ: Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 04 cuộc hội thảo, tọa đàm với Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam; qua đó, có 59 sản phẩm/36 chủ thể được kết nối tham gia…

Đồng chí Kiên Thị Minh Nguyệt, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh diễn giải về một số chính sách liên kết giữa Hội với các chủ thể OCOP là hội viên vào thị trường.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam thông tin: đơn vị luôn mong muốn được kết nối với tất cả các sản phẩm OCOP của địa phương; trong đó, đối với các sản phẩm đạt OCOP từ 03 sao trở lên đều đủ điều kiện kết nối. Hiện nay, một số đối tác của Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam đã liên kết được các đầu mối tiêu thụ lớn để xuất khẩu.

Trung tá Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Viettel Trà Vinh thông tin: Viettel luôn đồng hành với việc chuyển, cung ứng sản phẩm nông sản đến với người tiêu dùng. Đặc biệt là các sản phẩm tươi sống được đơn vị vận chuyển nhanh chóng theo đường hàng không. Logistics của Viettel sẽ nâng cao trách nhiệm trong vận chuyển hàng hóa, kênh phân phối (ViettelPost) có mặt tại 63/63 tỉnh thành… Viettel Trà Vinh sẽ phối hợp với Liên hiệp HTX OCOP Việt Nam trưng bày sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh tại tòa nhà của trung tâm.

Trung tá Nguyễn Ngọc Hùng, Giám đốc Viettel Trà Vinh thông tin về kết nối tại diễn đàn.

Theo Báo Trà Vinh