Thông tin học phí các trường đều được công khai, thí sinh cần xem kỹ để cân nhắc, tính toán chọn trường.
Học
phí các trường công lập thường nằm trong khung quy định chung. Riêng
các trường ngoài công lập, do trường tự quyết định mức thu nên từ năm
2010 trở đi, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các trường này phải công khai học
phí (thông qua cuốn Những điều cần biết về kỳ thi tuyển sinh
hằng năm) để cho thí sinh, phụ huynh biết, đối chiếu vào chất lượng
trường và hoàn cảnh gia đình mà “liệu cơm gắp mắm”.
Ngoài công lập: Cao, thấp tùy chất lượng
Các trường ngoài công lập bình thường (không tuyên
bố đào tạo chất lượng cao) có học phí tương đối thấp, chỉ 3-7 triệu
đồng/học kỳ. Riêng một số ngành nghề đặc thù thường có học phí cao hơn
chút ít. Ví dụ, Trường ĐH Hồng Bàng thu dưới 10 triệu đồng/năm với hầu
hết các ngành, riêng ngành điều dưỡng, kỹ thuật y học… thu trên 13
triệu đồng/năm. Tương tự, Trường ĐH Văn Lang thu 8-13 triệu đồng/năm
tùy theo từng ngành học. Trường ĐH Kỹ thuật công nghệ TP.HCM thu từ
800.000 đến 1 triệu đồng/tháng. Trường ĐH Hùng Vương, ĐH Lạc Hồng thu
khoảng 8 triệu đồng/năm. Trường ĐH Ngoại ngữ tin học thu khoảng 11
triệu đồng/năm. Trường có học phí thấp nhất là ĐH Văn Hiến với khoảng 7
triệu đồng/năm.
Hiện nay, các trường ngoài công lập “đào tạo theo
chất lượng cao” được xem là nhóm có mức học phí cao nhất trong hệ thống
các trường ĐH, CĐ của Việt Nam. Trong đó, Trường ĐH Hoa Sen thu học phí
khoảng 1,9 triệu đồng/tháng. Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM, Trường
ĐH Quốc tế Sài Gòn thu 50-70 triệu đồng/năm học, tùy theo ngành và ngôn
ngữ đào tạo là tiếng Anh hay tiếng Việt.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh trường
quốc tế năm 2011. Học phí trường quốc tế 100% vốn nước ngoài hiện nay
150-300 triệu đồng/năm. Ảnh: TH
Công lập: Tùy nhóm ngành
Từ năm 2010, học phí của hệ thống trường công lập đã
được chia thành nhiều mức tùy theo nhóm ngành với nguyên tắc chung là
“chia sẻ chi phí” giữa người học và đơn vị đào tạo. Theo đó, mức trần
học phí 290.000- 400.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, mức học phí này có thể
tăng dần hàng năm. Đến năm 2014, mức trần học phí sẽ khoảng 580.000
đồng/tháng.
Năm nay, nhóm ngành khoa học xã hội, kinh tế, luật,
nông-lâm-thủy sản có mức trần học phí là 335.000 đồng/tháng (đến năm
2014 sẽ tăng thành 550.000 đồng/tháng). Đối với nhóm ngành khoa học tự
nhiên, kỹ thuật, công nghệ, thể dục thể thao, nghệ thuật, du lịch,
khách sạn thì học phí quy định mức trần là 395.000 đồng/tháng (tăng dần
đến 2015 sẽ là 650.000 đồng/tháng). Nhóm ngành y dược thu 455.000
đồng/tháng (tăng dần đến 2015 là 800.000 đồng/tháng).
Đặc biệt, kể từ 2010 trở đi, hầu hết các trường ĐH,
CĐ đều phải đào tạo theo học chế tín chỉ. Mức học phí sẽ được tính toán
theo số tín chỉ mà sinh viên đăng ký học. Học phí mỗi tín chỉ bằng tổng
học phí của một khóa học chia cho tổng số tín chỉ của toàn khóa học.
Đào tạo theo địa chỉ: Đắt gấp 5-10 lần
Trong vài năm trở lại đây, bên cạnh việc tuyển sinh
chính quy (thí sinh được gọi trúng tuyển theo chỉ tiêu công bố công
khai trước khi thi tuyển), sau mỗi đợt xét tuyển, các trường còn xin
thêm chỉ tiêu phụ để đào tạo cho những địa phương có nhu cầu. Đây cũng
là loại hình đào tạo chính quy nhưng không được Nhà nước hỗ trợ kinh
phí. Chính vì vậy, các thí sinh diện “xin thêm” này thường phải gánh
toàn bộ chi phí. Nhìn chung, học phí dành cho sinh viên “đào tạo theo
địa chỉ” có thể gấp 5-10 lần so với học phí chính quy.
PGS-TS Lý Văn Xuân - Trưởng phòng Đào tạo ĐH Y Dược
TP.HCM cho biết học phí của trường hiện có hai mức. Diện chính quy
trúng tuyển theo ngân sách nhà nước chỉ phải đóng 3,4 triệu đồng/năm
học. Diện thí sinh trúng tuyển ngoài ngân sách nhà nước - “đào tạo theo
nhu cầu địa phương” phải đóng 17-20 triệu đồng/năm học. Tuy nhiên, số
tiền này sẽ do địa phương chi trả.
Công bố điểm sàn ĐH, CĐ năm 2011 trước ngày 10-8
Bộ GD&ĐT cho
biết Bộ sẽ công bố điểm sàn ĐH, CĐ cho các khối thi A, B, C, D trước
ngày 10-8. Bộ cũng quy định các trường dùng chung đề và kết quả thi chủ
động trong việc xét tuyển theo nguyên tắc: Thứ nhất, có thể xác định
điểm trúng tuyển theo khối thi, ngành học hoặc điểm trúng tuyển chung.
Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Thứ hai, mức điểm tối thiểu
nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đợt 2 không thấp hơn điểm trúng tuyển đợt
1, đợt 3 không thấp hơn đợt 2. Lấy từ điểm cao trở xuống cho đủ chỉ
tiêu. Thứ ba, chênh lệch điểm trúng tuyển giữa các nhóm đối tượng là 1
điểm và giữa các khu vực là 0,5 điểm. |
Nguồn: XUÂN CHIỂU
Pháp Luật TP.HCM