U Minh xây dựng NTM còn nhiều khó khăn

21/09/2018 - 10:22

Sau 3 năm phát động phong trào thi đua “U Minh chung sức xây dựng nông thôn mới (NTM)” giai đoạn 2016 - 2020, bộ mặt nông thôn huyện U Minh (Cà Mau) đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Nhờ đó, đời sống người dân nâng lên từng ngày.

A A

Xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện, ngay từ những năm đầu thực hiện chương trình này, Đảng bộ cùng chính quyền, nhân dân huyện U Minh đã nhận thấy, đây là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân, được nhân dân đồng tình và hưởng ứng tích cực.

Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND kiêm Trưởng BCĐ xây dựng NTM huyện U Minh chia sẻ, kể từ khi phát động phong trào toàn dân chung sức xây dựng NTM, với quyết tâm không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn, bằng những việc làm thiết thực, chương trình đã nhận được sự ủng hộ rất lớn từ toàn thể người dân trong huyện.

Ông Dư Bé Ba, Chủ tịch UBND huyện U Minh

Tiêu biểu là phong trào hiến đất, vật tư, ngày công lao động xây dựng cầu, đường; phong trào giúp nhau phát triển kinh tế gia đình; đóng góp quỹ an sinh xã hội; đào tạo nghề, giải quyết việc làm…

“Hiệu quả từ những phong trào mang lại, là chỉ trong 6 tháng qua, huyện đã xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa và mở rộng 10 lộ giao thông nông thôn ở các xã Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Hoà, Khánh Hội, Khánh Tiến và Khánh Thuận dài 23km, xây mới 4 cây cầu giao thông”, ông Bé Ba cho biết.

Ông Kim Tây 54 tuổi, ngụ ấp 6, xã Khánh Hòa, huyện U Minh cho biết: “Nhờ xây dựng NTM mà nông sản gia đình tôi làm ra trong những năm gần đây luôn được thương lái đến tận vườn thu mua, với giá cả ổn định. Không còn cảnh khi thu được hạt lúa, củ khoai lại chật vật thuê ghe chuyển ra chợ bán như trước, đặc biệt không còn lo thương lái ép giá”.

Ông Tô Quốc Bình 53 tuổi, ngụ ấp 13, xã Khánh An, chia sẻ: “Sau khi nghe chính quyền tuyên truyền, phổ biến chương trình xây dựng NTM, hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của xây dựng NTM là cho dân và vì dân nên gia đình tôi phấn khởi hưởng ứng ngay, tôi quyết định hiến 300m2 đất nhà làm trụ ở ấp”, ông Bình tươi cười.

Theo ông Dư Bé Ba, nhằm phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân, huyện đã nạo vét 39 công trình thuỷ lợi, đến nay đã có 7/7 xã đạt tiêu chí thủy lợi. Về điện, huyện đã cho mắc mới điện kế an toàn (xóa câu phụ) nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn lên gần 93%. Về thông tin và truyền thông, 7/7 xã có điểm phục vụ 2 dịch vụ là bưu chính và viễn thông…

Công tác chăm chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn luôn được huyện quan tâm đầu tư, hiện tại đã có 7/7 xã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế ở khu vực nông thôn đạt trên 90%; số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh trong toàn huyện đạt 96%.

Theo ông Dư Bé Ba, vì là một huyện nghèo, nằm ở vùng sâu của tỉnh Cà Mau, nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM hạn hẹp nên rất nhiều tiêu chí khó thực hiện như cơ sở vật chất văn hóa, đến nay huyện mới có 3/7 xã đạt tiêu chí này gồm Khánh An, Khánh Hoà và Khánh Tiến; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn của huyện hàng năm đều giảm nhưng vẫn còn khá cao (12,81%), so với các huyện khác trong tỉnh.

Theo ông Dư Bé Ba tuy còn khó khăn vì phần lớn các xã đều có điểm xuất phát thấp, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực phục vụ xây dựng NTM hạn chế… nhưng với quyết tâm cao nhất, tin rằng có khó đến đâu đi nữa, nếu được người dân tin tưởng, ủng hộ, thì chương trình NTM của huyện U Minh cũng sẽ cán đích.

Đến nay, huyện U Minh có 2 xã đạt chuẩn NTM là Khánh An và Khánh Hoà; xã Khánh Tiến đạt 16/19 tiêu chí; các xã Nguyễn Phích, Khánh Lâm, Khánh Thuận đều đạt 12/19 tiêu chí và xã Khánh Hội đạt 10/19 tiêu chí. Theo kế hoạch, từ nay cuối năm 2018 huyện sẽ có thêm một xã về đích NTM là xã Khánh Tiến.

Theo TRỌNG LINH (Nông Nghiệp)