Theo lời mời của Tổng Giám đốc UNESCO, đoàn công tác của tỉnh An Giang do Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang dẫn đầu tham dự kỳ họp. Trước phiên khai mạc kỳ họp của UNESCO, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang có cuộc trao đổi với phóng viên xung quanh nội dung này.
Phóng viên: Thưa đồng chí Lê Hồng Quang, Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa và tín ngưỡng của người dân An Giang. Đồng chí có thể chia sẻ cảm nhận về giá trị đặc biệt của lễ hội?
Đồng chí Lê Hồng Quang: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là di sản văn hóa phi vật thể có giá trị đặc biệt, không chỉ đối với người dân An Giang nói riêng mà còn đối với cộng đồng người dân Nam Bộ nói chung - gắn liền với lịch sử 192 năm hình thành, phát triển tỉnh An Giang (22/11/1832 - 22/11/2024).
Thông qua các hoạt động “thực hành”, lễ hội đã “trao truyền” đến thế hệ hôm nay hiểu biết thêm về phong tục tập quán, đạo đức, giao tiếp xã hội từ những câu chuyện của quá trình khẩn hoang, mở cõi, bảo vệ vùng đất phương Nam của Tổ quốc, quan niệm về thế giới quan, nhân sinh quan của tiền nhân... góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ về lòng yêu nước, yêu quê hương bản quán, trân trọng giá trị nguồn cội...
Chính những giá trị đặc biệt quan trọng ấy, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho phép đệ trình và hiện chúng ta đang bảo vệ hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Đến thời điểm này, tại vùng đất Nam Bộ, ngoài Đờn ca tài tử là di sản duy nhất được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại (năm 2013), thì Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam An Giang (nếu đáp ứng các tiêu chí theo Công ước) sẽ là di sản thứ hai, và là lễ hội truyền thống đầu tiên của đất phương Nam được đón nhận vinh dự này.
Phóng viên: Việc UNESCO công nhận Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam là Di sản văn hóa phi vật thể thì có ý nghĩa như thế nào đối với tỉnh An Giang, thưa đồng chí?
Đồng chí Lê Hồng Quang: Nếu Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam An Giang được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, sẽ khẳng định tính toàn vẹn, tính xác thực và giá trị nổi bật toàn cầu của di sản độc đáo này.
Đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, niềm vinh dự lớn của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh An Giang. Thông qua đó, góp phần tuyên truyền, quảng bá rộng rãi đến người dân, du khách trong và ngoài nước giá trị văn hóa tiêu biểu, đặc sắc về vùng đất, con người An Giang. Kết quả đó chính là sản phẩm thiết thực nhất hướng đến chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XII, nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Đồng thời, đây cũng là niềm tự hào của Nhân dân cả nước, bởi di sản được vinh danh càng góp phần khẳng định sự đa dạng, giàu giá trị của văn hóa dân tộc Việt Nam trong bối cảnh phát triển hội nhập.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang trả lời phỏng vấn trước trụ sở Trung tâm Văn hóa Asuncion Port (thủ đô Asunción, Paraguay), nơi diễn ra kỳ họp thứ 19 của UNESCO
Phóng viên: Thưa đồng chí, sau khi tham dự kỳ họp UNESCO lần này, tỉnh An Giang dự kiến sẽ triển khai các chương trình hoặc kế hoạch gì để bảo tồn, phát huy di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam?
Đồng chí Lê Hồng Quang: Theo tinh thần Công ước 2003 UNESCO xác định, cộng đồng quyết định những thực hành văn hóa của họ và quyền đó cần được tôn trọng. Tất cả những hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể đều phải dựa trên nguyên tắc này.
Do đó, ngay sau Hội nghị UNESCO lần thứ 19, An Giang sẽ xây dựng Kế hoạch bảo tồn và phát huy di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Theo đó, cộng đồng được tham gia đến mức tối đa các hoạt động “thực hành”, “trao truyền”, bảo vệ di sản cũng như công tác quản lý. Chính quyền địa phương sẽ tạo hành lang về chính sách, huy động nguồn lực cho việc phát huy các giá trị của di sản.
Đồng thời, An Giang sẽ khẩn trương phối hợp với các tổ chức, nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước để tiếp tục tìm hiểu, sưu tầm tư liệu về lễ hội và tín ngưỡng thờ Chúa Xứ Thánh Mẫu nhằm giải mã các “dấu ấn”, biểu tượng văn hóa liên quan của các dân tộc cùng “thực hành” lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cả hệ thống chính trị và Nhân dân các dân tộc trong mỗi cộng đồng dân cư nhằm nhận thức sâu sắc về trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam - An Giang.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy An Giang Lê Hồng Quang dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đã đến Trung tâm Văn hóa Asuncion Port (thủ đô Asunción, Paraguay), tham dự kỳ họp thứ 19 của UNESCO
Phóng viên: Nhân sự kiện quan trọng này, Bí thư Tỉnh ủy có thông điệp gì gửi đến cộng đồng người dân An Giang trong việc chung tay bảo tồn và phát huy di sản này?
Đồng chí Lê Hồng Quang: Lễ hội Vía Bà Chúa xứ Núi Sam - tài sản chung của cộng đồng các dân tộc An Giang, do đó, “ứng xử với di sản là ứng xử với truyền thống tổ tiên, với thời đại và với chính bản thân mình”.
Tôi kêu gọi mọi người dân An Giang trân trọng, bảo tồn, phát huy, quảng bá di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam - xem đây là trách nhiệm của bản thân mình đối với quê hương, xứ sở.
Phóng viên: Xin cám ơn đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn công tác của tỉnh tham dự kỳ họp lần thứ 19 của UNESCO.
Lễ khai mạc kỳ họp lần thứ 19 của Ủy ban liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Asuncion Port, thủ đô Asunción (Paraguay) vào lúc 19 giờ, ngày 1/12/2024.
Buổi lễ do Bộ Văn hóa Paraguay - quốc gia đăng cai kỳ họp lần này tổ chức. Có khoảng 800 khách quốc tế tham dự lễ khai mạc. Bên cạnh những nghi thức khai mạc, phát biểu, các đại biểu được xem chương trình biểu diễn nghệ thuật và trải nghiệm ẩm thực truyền thống của người dân Paraguay. |
CÔNG TÍNH