WHO nêu hai yếu tố không thể thiếu trong ứng phó dịch Covid-19

11/08/2020 - 14:31

Trong tuần này, thế giới đã vượt mốc 20 triệu ca mắc và 750 nghìn ca tử vong do Covid-19. Đằng sau những thông kê này là rất nhiều nỗi đau. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hai yếu tố thiết yếu giúp ứng phó với đại dịch một cách hiệu quả.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, đó là các nhà lãnh đạo phải tăng cường hành động và người dân cần tuân thủ các biện pháp mới.

Một số nước tại vùng Mekong, New Zealand, Rwanda và nhiều quốc đảo trên vùng Caribe và Thái Bình Dương đã có thể sớm ngăn chặn virus SARS-CoV-2.

Ông Ghebreyesus cho rằng, New Zealand được coi là một hình mẫu của thế giới. Cuối tuần trước, New Zealand đã vượt qua 100 ngày không có ca nhiễm trong cộng đồng. Tuy nhiên, Thủ tướng Jacinda Ardern nhấn mạnh, nước này vẫn cần giữ cảnh giác trước sự lây lan của Covid-19.

Thủ tướng New Zealand Ardern cầm bảng giới thiệu hệ thống cảnh báo Covid-19 mới tại Wellington, ngày 21-3. (Ảnh: AP)

Tại Rwanda, những tiến bộ trong công tác phòng chống dịch Covid-19 mà nước này có được cũng là do sự kết hợp giữa sự lãnh đạo kiên quyết, thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn dân, nhân viên y tế được hỗ trợ tốt và chiến lược truyền thông y tế cộng đồng rõ ràng.

Người dân tại Rwanda được miễn mọi chi phí xét nghiệm và điều trị Covid-19. Do đó, không có rào cản về tài chính ngăn họ làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2. Khi có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, người bệnh sẽ được cách ly. Nhân viên y tế sẽ truy vết tiếp xúc của người bệnh và làm xét nghiệm cho những người này.

Nắm được những điều cơ bản nhất sẽ mang lại một bức tranh rõ ràng về vị trí của virus SARS-CoV-2 cũng như những hành động cần thiết và tập trung nhằm ngăn chặn sự lây nhiễm và cứu sống người dân. Điều đó có nghĩa là tại khu vực xuất hiện nhiều ca bệnh, chính phủ có thể nhanh chóng triển khai các biện pháp có mục tiêu và tập trung triển khai các nỗ lực tại nơi cần thiết nhất.

Nhiều quốc gia đang sử dụng mọi công cụ có sẵn để ứng phó với đợt bùng phát mới. Vài ngày trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu người dân tại các khu vực ở miền bắc nước này ở trong nhà trong bối cảnh xuất hiện nhiều cụm dịch mới.

Khi số ca bệnh tăng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại những khu vực tụ tập đông người ngoài trời tại Paris.

Các biện pháp mạnh mẽ và nghiêm ngặt như vậy cùng với việc tận dụng mọi công cụ sẵn có là chìa khóa để ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát và cho phép xã hội mở cửa trở lại một cách an toàn. 

Chuỗi lây nhiễm sẽ bị phá vỡ bởi sự kết hợp giữa việc nhanh chóng xác định ca bệnh, truy vết tiếp xúc toàn diện, chăm sóc cho người bệnh một cách phù hợp, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay và tránh ho vào người khác.

Liên quan vụ nổ kinh hoàng tại Lebanon ngày 4-8 vừa qua, ông cho biết, WHO sẽ chuyển các thiết bị bảo hộ cá nhân trị giá 1,7 triệu USD để hỗ trợ Lebanon ứng phó dịch Covid-19 và bù đắp nguồn cung nhân đạo đã bị vụ nổ phá hủy. WHO kêu gọi quyên góp 76 triệu USD và sự đoàn kết, hỗ trợ của thế giới dành cho người dân Lebanon trong thời điểm khó khăn này.

Theo HOÀNG HÀ (Báo Nhân Dân)