Nỗi buồn lạc lối
Không hiểu từ lúc nào, dư luận
bắt đầu thôi bớt nóng trước thông tin "nhà báo bị bắt giữ". Tôi nhớ cách
đây độ 3 năm, vào năm 2010, một nhà báo bị bắt giữ ngay lập tức khiến
dư luận xôn xao. Tuy nhiên, điều này đã không còn ở thời điểm hiện tại.
Điều nguy hiểm chính là, dư luận đã quen dần với thông tin đó. Điều đó,
đồng nghĩa với sự tin tưởng của họ dành cho người làm báo đã bắt đầu suy
giảm. Trước đây, khi nhà báo bị bắt, lập tức xuất hiện mối hồ nghi:
"Nhà báo chống tiêu cực, nhà báo bị trả thù". Hóa ra, không ai trả thù
nhà báo cả, chỉ là nhà báo có hành vi phạm tội nên bị xử lý đó thôi.
Lại vẫn trước đây, chỉ có một
vài nhà báo ở các cơ quan ngôn luận ít được biết đến mới có hành vi phạm
tội bị bắt giữ. Đó đích xác chỉ là những cá nhân mượn mác nhà báo để
trục lợi, nhóm này ít được để ý đến. Thì bây giờ chuyện này đã xảy ra ở
một số tờ báo trong nhóm cơ quan truyền thông đáng tin cậy.
Anh em đồng nghiệp cùng nghề
báo thường mắc phải căn bệnh "than", chứ thực tế, thu nhập minh bạch từ
nghề báo với người làm nghề nghiêm túc là sống được. Sống được hiểu
trong nghĩa đơn giản là đủ tiền để lo chi phí cho cá nhân, chắt chiu thì
lo thêm được cho người thân… Tất nhiên là nghề nào cũng vậy, phải chăm
chỉ thì mới đảm bảo được sự thụ hưởng mà cá nhân mong muốn. Theo nghề
báo rất khó để trở nên giàu có, nhưng cá biệt có nhà báo ở biệt thự, đi
ôtô xịn, sở hữu khách sạn hay gì gì đó… không hẳn là vì họ nhận tiền của
người này, bảo kê cho người khác. Một thực tế là nhà báo có nhiều mối
quan hệ, và nếu tận dụng tốt các mối quan hệ của mình thì đương nhiên họ
sẽ có nhiều cơ hội để gia nhập tầng lớp từ trung đến thượng lưu của xã
hội.
Có cá nhân theo nghề báo là vì
niềm đam mê được viết điều mình thích. Có cá nhân theo nghề báo là nhằm
thỏa mãn khâu oai. Nhà báo có oai không(?!). Nhà báo, có oai. Nhà báo
thường được săn đón trong mỗi sự kiện, được tiếp nồng nhiệt trong các
cuộc vui… Những nhà báo làm điều tra kiểu Duy Đông, hay Kim Cương thì
thuộc dạng "hét ra lửa". Gọi tếu táo thì nhóm này thuộc dạng "ngồi uống
rượu thả ga, tàn cuộc chỉ cần nhấc máy điện thoại lên là có thể thoải
mái đi về". Nhà báo làm vì oai, thường mắc phải hội chứng khệnh khạng
kiểu "Mày có muốn anh tẩn cho một bài không? Anh mà tẩn cho một bài thì
mày ra đường ở ngay".
Chính vì nghĩ mình oai, chính
vì tự cho phép mình được khệnh khạng, được làm "bề trên của người khác"
nên nhà báo phạm sai lầm.
Ban đầu, chỉ là nhận một ít quà
cảm ơn. Kế đến là bữa rượu, mừng ngày quen biết, rồi dịp lễ tết, Ngày
Nhà báo… nhận riết quen tay. Và từ đây, những cá nhân này nhận ra được
chuyện "trục lợi từ nghề báo".
Khi mà họ nhận ra chuyện lợi
dụng danh nghĩa của cơ quan nơi họ đang công tác, lợi dụng công việc của
bản thân... để tống tiền người này, để ép người kia phải chung chi bao
nhiêu… thì họ đã không còn là người làm nghề báo nữa. Họ không chỉ bán
rẻ danh dự của chính họ, mà họ còn bán rẻ cả một niềm tin của chính
những người bị họ tống tiền.
Họ tưởng, người ta đưa tiền cho
họ là họ oai à(?!). Họ sai vô cùng, người ta vừa đưa tiền vừa khinh. Là
chuyện tế nhị, tôi không tiện kể thẳng tên. Có ông anh chơi với tôi,
từng nhờ tôi ra ngồi làm chứng để một phóng viên của tờ báo L. biết ông
anh cũng chơi với nhà báo, nhằm "chịu giảm số tiền đòi chung chi xuống".
Tôi hỏi: "Anh báo công an chưa?". Ông anh trả lời: "Anh ngại". Tôi từ
chối, "Vậy thôi, quyền lợi của anh, anh không biết tự bảo vệ. Ai biểu
anh làm sai rồi tiếp tục thỏa hiệp với cái sai khác".
Tám năm về trước tôi vừa tốt
nghiệp đại học, có dịp đi công tác chung với một anh nhà báo lớn tuổi
hơn, công tác ở báo P.. Đường miền Tây thời điểm đó phải qua nhiều phà,
chưa có các cây cầu huyết mạch như hiện nay. Muốn lên được phà để qua
sông phương tiện phải xếp hàng rất dài, xe chúng tôi đang xếp hàng như
mọi xe khác, thì bất thần ông anh đi cùng rút thẻ nhà báo ra, đặt vào vị
trí kính chắn gió của xe phía trước mặt tài xế rồi yêu cầu tài xế không
cần xếp hàng cứ lái xe nhào tới để tranh lên phà trước.
Tài xế tin vào tấm thẻ nhà báo
của ông anh bấm còi nhấn ga lao đến khu vực lên phà, xe đang ngon trớn
thì nhân viên bảo vệ trật tự chặn xe lại. Yêu cầu lái xe quay ngược về
vị trí xếp hàng dành cho xe ôtô, ông anh nhảy xuống xe lớn tiếng xưng
"Tui là nhà báo của báo P., tui đi công tác gấp". "Ở đây ai không gấp,
anh có là ai thì cũng phải xếp hàng", nhân viên bảo vệ kiên quyết. Đuối
lý, ông anh hậm hực nhảy lên xe, yêu cầu tài xế quay lại vị trí xếp hàng
cho xe ôtô chờ qua phà. Lần này, còn phải xếp hàng từ rất xa.
Sau khi lên được phà, ông anh
rút máy chụp ảnh để chụp chỗ này một tấm, chụp chỗ kia một kiểu, rồi
tuyên bố "Tao về viết bài đập cái phà này vì… mất vệ sinh". Nhìn ông anh
trong hoàn cảnh đó, thật lòng tôi thấy rất đáng thương và tội nghiệp.
Chứng kiến trọn vẹn câu chuyện này, đã để lại trong tôi nhiều suy nghĩ
về chuyện người, chuyện nghề.
Tôi nghĩ rằng, cá nhân làm nghề
lấy nghề để trục lợi, tưởng rằng đó là chuyện không ai biết ngoại trừ
bản thân mình và "đối tác", ấy là chuyện liền lạc như áo trời, nhưng sự
thật hoàn toàn không là vậy. Viết đến đây, tôi nhớ đến điển tích "Tứ
tri", tạm dịch "Chuyện xưa bốn người biết".
Dương Chấn được bổ đi làm thái
thú quận Đông Lai. Lúc đi phó nhậm, qua đất Xương Ấp, quan huyện ở đấy
là Vương Mật, trước được nhờ ông đề bạt cho, vào yết kiến. Rồi đợi đêm
khuya, đem vàng đến lễ. Dương Chấn bảo: "Trước tôi biết ông là người
khá, mới cử ông lên, thế mà ông vẫn chưa biết bụng tôi, còn đem vàng tới
cho tôi ư". Vương Mật cố nài, thưa rằng: "Xin ngài cứ nhận cho, bây giờ
đêm khuya không ai biết". Dương Chấn nói: "Trời biết, đất biết, ông
biết, tôi biết, sao lại bảo là không ai biết".
Nhà báo, trước khi tống tiền ai
đó hay nghĩ đến chuyện nhận tiền, hoặc có ý định vi phạm pháp luật, cứ
nhớ đến câu chuyện này. Làm gì có chuyện xảy ra trên đời mà lại giấu
giếm được mãi. Chỉ có một thứ bí mật duy nhất, đó là thứ bí mật chưa xảy
ra.
Với lại, điều này quan trọng
hơn, nhà báo cũng có những người thân yêu và họ luôn nhìn nhà báo với
rất nhiều hy vọng. Một khi nhà báo bị ô danh, không chỉ có nhà báo mất
danh dự, mà đau lòng hơn, chính là những người thân yêu bên cạnh nhà
báo.
Họ mới chính là những người đau
đớn nhất, lãnh hậu quả nặng nề nhất từ hành vi vi phạm pháp luật của
nhà báo.