Nông dân cải tiến máy sạ lúa theo hàng

27/02/2018 - 09:32

Một số nông dân thuộc Tổ sản xuất lúa giống ở ấp Phú Hữu Yên (xã Song Phú- Tam Bình, Vĩnh Long) đã mày mò sáng chế và cải tiến thành công dụng cụ sạ lúa kéo tay theo kiểu máy sạ hàng nhưng có thể cho lúa tách bụi không thua gì lúa cấy bằng tay.

A A

Máy sạ lúa nhiều cải tiến của Tổ sản xuất lúa giống ấp Phú Hữu Yên (xã Song Phú- Tam Bình).

Người có nhiều đóng góp để cho ra thiết bị nhiều cải tiến này là nông dân Nguyễn Văn Buôl (Ba Buôl, ở ấp Phú Hữu Yên, xã Song Phú- Tam Bình).

Kể về quá trình mày mò sáng chế, chú Ba Buôl cho biết, từ khi bắt tay vào làm lúa giống (năm 2014- 2015), nhận thấy mỗi khi tìm nhân công cấy lúa rất khó khăn nên chú và các thành viên trong tổ sản xuất lúa giống bắt tay vào nghiên cứu cải tiến dụng cụ sạ hàng để có thể tiết kiệm chi phí, thời gian cũng như giảm lượng giống khi gieo sạ.

Sau nhiều lần mày mò, làm đi làm lại, đến năm 2017 thì dụng cụ sạ lúa có khả năng cho lúa tách bụi như lúa cấy tay đã được thử nghiệm thành công. Đến nay, tổ sản xuất lúa giống đã lắp ráp được 3 máy, chi phí cho 1 máy khoảng 950.000đ.

Hiện máy có khả năng sạ 1 công đất khoảng 1 giờ. Nếu cấy bằng tay thì 1 người cấy giỏi 1 ngày cũng khoảng 1,5 công, nên so sánh về mặt thời gian thì hiệu quả mang lại khá cao khi sử dụng máy sạ. Trong khi đó, giá cấy tay là 500.000 đ/công, còn chi phí sạ bằng máy cũng chỉ 200.000 đ/công. Chưa kể sạ máy sẽ giảm được công làm mạ, vận chuyển mạ ra ruộng.

Còn so với sạ lúa thông thường, người dân thường dùng khoảng 16 kg/công. Sạ bằng thiết bị này chỉ cần 6kg giống/công, tiết kiệm đến 10kg/công. Đến nay tổ sản xuất giống đã làm dịch vụ sạ máy được hơn 30 công của 3 hộ tại địa phương, dự kiến khi xuống giống vụ Hè Thu nhu cầu này sẽ còn tăng cao.

Qua thực tế sản xuất, chú Ba Buôl nhận thấy nhược điểm của thiết bị là sau sạ mà gặp mưa thì giống sẽ bị vùi lấp, tan hàng, không còn theo bụi như vừa xuống giống. Tuy nhiên, nếu xuống giống được khoảng 3 ngày mà trời nắng ráo thì kết quả mang lại rất tốt.

Ban đầu, máy có trọng lượng khá nặng nên khi đưa xuống ruộng thường bị lún. Sau nhiều lần thay thế các thiết bị đến nay trọng lượng máy khoảng 18kg và vận hành khá tốt. Do tự mày mò làm nên một mình chú Ba Buôl mất khoảng 20 ngày mới làm xong một cái máy.

Ở vụ Đông Xuân này, chú Ba Buôl và các chú Phạm Văn Tứ, Lê Minh Công tham gia sản xuất giống nguyên chủng theo dự án sản xuất giống lúa thuần của tỉnh.

Thực tế cho thấy, với cùng một loại giống là OM 5451, bên sản xuất cho dự án thì lúa được cấy bằng tay, bên còn lại thì sử dụng dụng cụ sạ lúa do chú Ba Buôl dày công mày mò sáng chế.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm lúa, chú Ba Buôl đánh giá bên sử dụng máy sạ, lúa tách bụi không thua gì lúa cấy bằng tay, thậm chí năng suất lúa có thể cao hơn so với lúa cấy tay khoảng 1 bao lúa mỗi công.

Chú Nguyễn Văn Buôl cho biết: Lúa được sạ bằng máy kéo tay nhưng lúa tách bụi và hiệu quả không thua lúa cấy bằng tay.

Bà Trương Thị Thu Hương- Trưởng Trại Lúa giống (Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh)- cho biết, thiết bị sạ lúa cải tiến của Tổ sản xuất lúa giống ấp phú Hữu Yên đã được trình diễn thử ở vụ Đông Xuân, phục vụ việc sản xuất một số giống khảo nghiệm tại Trại Lúa giống và kết quả thu được rất khả quan.

Ông Huỳnh Văn Đại- Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh- thông tin: Dự kiến cuối năm nay, Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh sẽ hỗ trợ hoàn tất hồ sơ để sản phẩm sáng chế này tham gia Hội thi sáng tạo kỹ thuật Trần Đại Nghĩa.

Do quy trình làm lúa siêu nguyên chủng buộc phải cấy tay, cho nên dụng cụ sạ lúa kéo tay này tuy có bước cải tiến đáng kể nhưng hiện cũng chỉ dùng trong sản xuất để cho ra giống lúa xác nhận nên thiết bị cũng cần cải tiến thêm để nâng cao hiệu quả hơn nữa.

Còn chú Ba Buôl cho biết, sắp tới chú và các thành viên trong tổ sản xuất lúa giống sẽ tiếp tục cải tiến nhằm giảm trọng lượng của thiết bị, còn việc nâng công suất cũng như phát triển thêm động cơ cho thiết bị cũng là vấn đề đáng quan tâm và cần có nhiều thời gian hơn để hoàn thiện, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo LÊ LIÊM (Báo Vĩnh Long)