Sau tết, nông dân tập trung chăm sóc lúa

26/02/2018 - 15:42

Sau tết, nông dân ở các địa phương tranh thủ ra đồng chăm sóc lúa Đông Xuân (ĐX) với hy vọng mùa màng bội thu trong năm mới.

A A

Nông dân tập trung chăm sóc lúa

Tập trung chăm sóc

Đến nay, toàn tỉnh gieo sạ 233.756ha lúa ĐX 2017-2018, đạt 100,3% kế hoạch, bằng 99,4% so cùng kỳ năm 2017, trong đó, thu hoạch 22.690ha, năng suất khô ước đạt 55 tạ/ha, diện tích lúa còn lại đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển tốt.

Sau những ngày vui xuân, đón tết, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh tập trung ra đồng chăm sóc lúa. Anh Nguyễn Thế Anh (xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa) cho biết: “Vụ lúa ĐX năm nay, gia đình tôi xuống giống 2ha, hiện lúa trong giai đoạn phát triển tốt. Thời gian qua, để tránh sâu, bệnh gây hại trên lúa, ngành nông nghiệp hướng dẫn cụ thể cho nông dân triển khai các biện pháp chăm sóc lúa và phòng trừ dịch bệnh ngay khi mới phát sinh. Tuy nhiên, theo dự báo của ngành nông nghiệp, bệnh đạo ôn và rầy nâu sẽ diễn biến phức tạp. Trước tình hình đó, địa phương khuyến cáo nông dân thường xuyên thăm đồng, quan tâm chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh nhằm kịp thời phát hiện, phòng ngừa hiệu quả. Vì vậy, trong những ngày tết, nông dân chúng tôi không quên ra đồng chăm sóc lúa”.

Còn ông Võ Văn Việt (xã Hậu Thạnh Đông, huyện Tân Thạnh) chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 1,5ha lúa. Thực hiện khuyến cáo của ngành nông nghiệp, tôi xuống giống đúng lịch thời vụ nên lúa phát triển khá tốt. Hàng ngày, tôi đều thăm đồng, đến nay chưa phát hiện sâu, bệnh gây hại trên lúa. Những ngày qua, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động người dân vui xuân, đón tết nhưng vẫn theo dõi, phòng trừ rầy nâu và các loại sâu, bệnh”.

Sau tết, nông dân tập trung chăm sóc lúa

Sâu, bệnh giảm

Những ngày qua, tình hình sâu, bệnh gây hại trên lúa giảm: Rầy nâu có 1.783ha nhiễm, giảm 3.508ha so với tuần trước, xuất hiện ở trà lúa đẻ nhánh - đòng trổ ở huyện Tân Hưng và thị xã Kiến Tường với mật độ nhẹ, từ 750-1.500 con/m2; 4.779ha bệnh đạo ôn lá, giảm 2.421ha so với tuần trước, bệnh xuất hiện trên lúa giai đoạn đẻ nhánh - đòng trổ, tập trung ở các huyện: Tân Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Đức Huệ, Đức Hòa, thị xã Kiến Tường và TP.Tân An; 750ha bị bệnh cháy bìa lá, 554ha bệnh đạo ôn cổ bông, 155ha bị sâu cuốn lá, 145ha bệnh khô vằn, 100ha bị sâu năn,... gây hại cục bộ trên lúa đẻ nhánh - đòng - trổ chín.

Theo dự báo tình hình sâu, bệnh tuần tới của ngành chức năng: Diện tích nhiễm rầy nâu trưởng thành - trứng và bệnh đạo ôn cổ bông gia tăng do ảnh hưởng điều kiện thời tiết; bệnh cháy bìa lá, đạo ôn lá gây hại cục bộ trên lúa đẻ nhánh - đòng trổ - chín ở các huyện, thị xã, thành phố. Sâu năn xuất hiện cục bộ trên những diện tích sạ muộn ở các huyện: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh và thị xã Kiến Tường.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Lê Văn Hoàng: Lúa ĐX 2017-2018 đang trong giai đoạn mạ, đẻ nhánh, đòng trổ, có một số diện tích giai đoạn chín, thu hoạch. Do đó, để bảo đảm lúa phát triển tốt, các địa phương cần khuyến cáo nông dân thực hiện tốt: Bón phân cân đối, không bón thừa phân đạm (sử dụng bảng so màu lá lúa); áp dụng tưới ngập, khô xen kẽ (tháo cạn nước khi lúa giai đoạn khoảng 30 ngày tuổi và để ruộng khô kéo dài khoảng 10 ngày) giúp rễ lúa ăn sâu, cây lúa cứng chắc, hạn chế đổ ngã ở giai đoạn cuối khi gặp mưa trái mùa; thăm đồng thường xuyên, phát hiện sâu, bệnh sớm để có biện pháp phòng trị kịp thời, nhất là sau tết.

Đồng thời, các phòng chuyên môn tăng cường công tác dự báo, theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu, bệnh gây hại trên đồng ruộng,... từ đó hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý hiệu quả và an toàn. Các địa phương tập trung tuyên truyền, phổ biến rộng rãi Công văn số 145/TB-CCTTBVTV, ngày 26-01-2018 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về việc tăng cường phòng, chống sâu năn, bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá hại lúa; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền tình hình dịch hại trên các phương tiện thông tin đại chúng để nông dân chủ động ứng phó; cảnh báo nguy cơ sâu năn tiếp tục gia tăng diện tích nhiễm do điều kiện thời tiết thích hợp;...

Bên cạnh đó, các địa phương cần thường xuyên theo dõi tình hình diễn biến khí tượng - thủy văn, thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng; tăng cường kiểm tra các tuyến đê bao, bờ bao ngăn lũ, tình hình sạt lở và có kế hoạch gia cố, duy tu, sửa chữa kịp thời các khu vực xung yếu để bảo vệ dân sinh và sản xuất.

Theo HUỲNH PHONG (Báo Long An)