Trồng màu lo chuyện nắng- mưa

15/05/2018 - 08:21

Hiện đã vào mùa mưa nhưng tình hình nắng nóng được ngành chuyên môn dự báo vẫn còn khá gay gắt. Ngày nắng nóng rồi lại mưa rào đan xen khiến cho nhiều hộ trồng rau màu lo ngại.

A A

Ông Chín Sương cho biết thời tiết cứ hết mưa lại nắng như hiện nay thì rau cải khó mà đạt năng suất cao.

Chính vì mùa không thuận, rau màu khó đạt năng suất nhưng được cái giá bán cao hơn do khan hàng nên nhiều nông dân xứ rẫy vẫn đang tất bật xuống giống rau màu cho vụ mùa không mấy thuận lợi này.

Mưa nắng đan xen khó rẫy màu

Trời đã bắt đầu đổ những cơn mưa chuyển mùa từ những ngày cuối của tháng 4 và đến nay có thể nói đã chính thức bước vào mùa mưa. Tuy vậy, xen lẫn những ngày có mưa, thậm chí mưa rất to thì những ngày qua, nắng nóng vẫn hầm hập vào những ngày không mưa.

Tình trạng mưa nắng đan xen đang là điều kiện không thuận lợi cho một số hộ trồng rau màu trong vụ Hè Thu này. Đang cuốc đất lên liếp chuẩn bị cho vụ trồng rau cải, ông Nguyễn Thanh Sương (Chín Sương- ở ấp Phước Lợi B, xã Phước Hậu- Long Hồ) cho biết, ông có 2,5 công đất trồng rau, chủ yếu là rau cải các loại.

Không sản xuất đồng loạt toàn bộ diện tích mà ông xuống giống phân ra từng mảng riêng để có thể cho thu hoạch đều đều và sản lượng hợp lý.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm rẫy nhưng ông Chín Sương cũng không khỏi lo lắng khi thời tiết cứ hết mưa lại nắng như hiện nay. Thời tiết như vậy sản xuất không thuận lợi, rau màu không đạt năng suất như mong muốn, chưa kể sâu bệnh tấn công phải tốn nhiều chi phí.

Trung bình mỗi vụ ông đầu tư khoảng 5 triệu đồng tiền phân thuốc. Đến vụ thu hoạch trên 10 triệu đồng. Lúc hàng hóa dội chợ thì tụt giá, mình thu hoạch gặp lúc khan hàng thì giá cả cũng tăng lên đáng kể.

Gần đó, ông Nguyễn Thanh Cần (Bảy Cần) cũng chuẩn bị xuống giống rau cải xà lách. Ông cho biết vụ này sản xuất khó vì thời tiết không thuận lợi, nhưng như vậy mà ai làm được thì bán có giá hơn, muốn vậy thì phải có kỹ thuật sản xuất để rau cho năng suất tốt.

Còn cô Ba Long (ấp Phước Lợi B, xã Phước Hậu- Long Hồ) có 4,5 công rẫy trồng đủ loại như cải ngọt, xà lách, cải xanh, cải thìa,…

Những ngày qua do ảnh hưởng mưa nên nhiều luống cải chuẩn bị cho thu hoạch của cô bị giập nát, nên thu hoạch không được bao nhiêu. Cô Ba Long cho biết thêm, ở đây có hệ thống thủy lợi khá tốt nên mưa không sợ ngập, gia đình cô cũng có trang bị sẵn máy bơm phòng khi mưa lớn để có thể bơm nước ra.

Trong vụ Hè Thu năm nay, bà con nông dân xã Phước Hậu xuống giống hơn 100ha rau màu trên đất ruộng. Các loại rau màu được bà con nông dân trong xã trồng phổ biến nhất là: rau cần ô, ngò gai, hành lá và rau cải các loại.

Dự kiến sẽ cung cấp ra thị trường hơn 1.000 tấn rau các loại. Trong đó, đáng kể nhất là Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hậu hàng năm sản xuất khoảng 65ha màu, sản phẩm của hợp tác xã đã được Siêu thị Co.opmart và một số doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu.

Đưa màu xuống ruộng

Trong 4 tháng qua, nông dân huyện Long Hồ sản xuất hơn 900ha màu, đáng chú ý là diện tích trồng màu xen canh trên đất ruộng hơn 574ha.

Các địa phương có diện tích cây màu trồng trên đất ruộng nhiều như Phước Hậu, Thạnh Quới, Thanh Đức, Tân Hạnh.

Những loại rau màu chủ lực được chú trọng sản xuất nhiều là các loại rau xanh, đậu, bầu bí, dưa leo và dưa hấu. Vào thời điểm hiện tại, giá rau màu ổn định ở mức tương đối cao, đảm bảo cho nông dân thu lãi bình quân từ 40- 70 triệu/ha/vụ.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Bình Tân, từ đầu năm đến nay, huyện Bình Tân đã đưa cây màu xuống ruộng được 9.170ha.

Trong đó, khoai lang vẫn là loại màu chủ lực, với tổng diện tích gần 6.000ha và hành lá gần 1.000ha, còn lại là các loại màu khác và rau cải các loại. Riêng màu Hè Thu được nông dân xuống giống 5.663ha.

Hiện đang bước vào đầu mùa mưa là điều kiện thuận lợi để phát sinh một số loại dịch bệnh phổ biến trên cây màu như bệnh đốm đen củ và sùng hà trên cây khoai lang, bệnh đốm lá và sâu xanh da láng trên cây hành, với diện tích bị nhiễm khoảng 100ha, tỷ lệ bệnh phổ biến từ 5- 10%.

Do đó, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo bà con nông dân nên chú ý thăm đồng thường xuyên để có biện pháp phòng trị kịp thời, tránh để bệnh lan rộng sang các diện tích khác.

Còn tại Trà Ôn, phong trào chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang vườn trồng cây ăn trái và trồng màu tăng mạnh thời gian gần đây, với trên 1.300ha đất trồng lúa kém hiệu quả được chuyển đổi, tăng hơn 400ha so với cùng kỳ.

Trong đó, một số xã có diện tích chuyển đổi nhiều như Vĩnh Xuân hơn 200ha, kế đến là Thuận Thới, Nhơn Bình.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn, việc chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng cây ăn trái và rau màu thời gian qua đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế khá cao cho nhiều nông hộ.

Cụ thể, đối với các loại cây ăn trái có giá trị kinh tế cao cho thu nhập từ 200- 500 triệu đồng/ha/năm. Trồng màu chuyên canh cũng cho thu nhập từ 150- 250 triệu đồng/ha/năm.

Theo THÀNH LONG (Báo Vĩnh Long)