Ứng dụng máy cán thép phục vụ nghề rèn

12/09/2018 - 09:18

Ngày 11-9, Sở Công Thương tỉnh Long An, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Trung tâm) phối hợp hộ kinh doanh Đinh Văn Phước (ấp 5, xã Vĩnh Châu B, huyện Tân Hưng) tổ chức nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy cán thép phục vụ nghề rèn truyền thống”. Đây là một trong những đề án thuộc chương trình khuyến công sử dụng nguồn kinh phí địa phương.

A A

Ông Đinh Văn Phước thực hiện rèn lưỡi cày bằng máy cán thép trong buổi tổ chức nghiệm thu đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy cán thép phục vụ nghề rèn truyền thống”

Ông Đinh Văn Phước là hộ kinh doanh duy nhất tại huyện Tân Hưng theo nghề rèn hơn 35 năm với sản phẩm: Lưỡi cày, lưỡi xới, dao, búa phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trước đây, ông Phước làm nghề rèn bằng thủ công nhưng yêu cầu của khách hàng ngày càng cao, đòi hỏi phải sử dụng trang thiết bị chuyên dùng. Tuy nhiên, là cơ sở sản xuất nhỏ, khó khăn về nguồn vốn nên ông còn thiếu nhiều thiết bị này.

Nhằm giúp ông Phước bám trụ nghề, nâng cao chất lượng công việc, tạo việc làm cho lao động địa phương, Trung tâm quyết định xây dựng đề án, hỗ trợ ông một phần kinh phí đầu tư máy cán thép. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 65 triệu đồng. Trong đó, nguồn kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ 32,5 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của gia đình.

Ông Phước cho biết: “Máy cán thép sẽ giúp công việc của tôi giảm cực nhọc, tăng năng suất hơn trước đây 10 lần, chất lượng cũng như mẫu mã sản phẩm tốt hơn. Từ đó, đáp ứng tốt hơn yêu cầu khách hàng, tăng thu nhập và có thể duy trì được nghề”.

Năm 2018, UBND tỉnh Long An giao Sở Công Thương, Trung tâm thực hiện chương trình khuyến công đợt 1 năm 2018 với 9 đề án, kinh phí hỗ trợ trên 746,6 triệu đồng. Chương trình nhằm tiếp tục hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn thay đổi công nghệ sản xuất, nâng cao năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.

Theo Báo Long An