Nếp sống mới trong cộng đồng dân cư vùng nông thôn

03/03/2020 - 14:52

Những năm qua, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) được triển khai sâu rộng trên địa bàn huyện Mỹ Tú với nhiều hoạt động thi đua sôi nổi gắn với đời sống của người dân. Từ đó, góp phần củng cố, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng gia đình, xóm ấp, đơn vị văn hóa, tạo nền tảng vững chắc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

A A

Trong đó, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Mỹ Tú phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể triển khai phát động tiếp tục phát huy hiệu quả tích cực. Đã huy động nội lực của người dân, cộng đồng dân cư, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh trật tự ở địa bàn khu dân cư, khơi dậy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái trong các tầng lớp nhân dân, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các mô hình “Tuyến đường thông thoáng”, “Hố rác gia đình”, “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu”, “Sáng - xanh - sạch”, “Thắp sáng đường quê”, “Xây cầu giao thông nông thôn”... được thực hiện sôi nổi. Kết quả đã huy động vốn trên 18 tỉ đồng, cùng với trên 2.000 ngày công lao động thực hiện các mô hình.

Chị Sơn Thị Nê, ở ấp Trà Lây 2, xã Thuận Hưng chia sẻ: “Từ ngày phát động phong trào TDĐKXDĐSVH ở nông thôn mới đến nay, người dân nâng cao nhận thức, nhà nhà ra sức thi đua lao động, sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, góp phần xây dựng nông thôn mới, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Gia đình tôi đóng góp 26 triệu đồng xây dựng công trình “thắp sáng đường quê”. Từ đó, tình hình an ninh trật tự ổn định, bà con đi lại vào ban đêm cũng an toàn hơn”.

Người dân ở huyện Mỹ Tú tích cực ra sức thi đua lao động, sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới, tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp. Ảnh: Chí Bảo

Còn ở xã Long Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Long Hưng Nguyễn Văn Ngoan cho biết: “Khi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2014, xã Long Hưng bắt tay vào xây dựng nông thôn mới nâng cao, các gia đình tích cực đăng ký thực hiện mô hình “Gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”.

Đi trên con đường nhựa phẳng lì về các ấp ở xã Long Hưng, chúng tôi cảm nhận rõ nét về sự đổi thay cảnh quan trong xã. Trên nhiều tuyến đường, ngõ xóm, hai bên được trồng cau, hoa hoặc cây cảnh thành hàng thẳng tắp; rác thải sinh hoạt được người dân thu gom, đặc biệt tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu ấp Tân Hòa C có thùng rác hai bên đường...

Bà Lê Thị Thu - Trưởng Ban Công tác Mặt trận ấp Tân Hòa C cho biết: “Để thực hiện mô hình “Gia đình nông thôn mới kiểu mẫu”, các ban ngành, đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền, vận động các hộ gia đình bố trí lại không gian vườn, chuồng trại một cách gọn gàng, hợp lý, sạch sẽ. Trong bếp, các vật dụng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, trước nhà trồng hoa, cây kiểng để tạo vẻ mỹ quan...”. 

Chị Đinh Thị Thanh, ở ấp Tân Hòa C, xã Long Hưng chia sẻ: “Từ số hoa ban đầu được ấp cấp phát cho một số gia đình để trồng, bây giờ đã phát triển nhân rộng ra cả ấp, chị em các ấp lận cận cũng qua xin để về trồng. Cứ chiều là mọi nhà ở ấp đều ra đường chăm sóc hoa, cây kiểng. Tuyến đường này đã trở thành tuyến đường nông thôn mới kiểu mẫu vừa mang lại không gian xanh, sạch, đẹp cho người dân địa phương, vừa trở thành nơi gắn kết tình làng nghĩa xóm”.

Bên cạnh đó, phong trào đoàn kết giúp nhau giảm nghèo cũng được phát động mạnh mẽ. Năm 2019, toàn huyện vận động Quỹ “Vì người nghèo” được 850 triệu đồng, đạt 100% kế hoạch. Từ nguồn quỹ này đã hỗ trợ xây dựng và bàn giao 10 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo bức xúc về nhà ở trị giá 400 triệu đồng; sửa chữa 1 căn nhà với tổng số tiền 10 triệu đồng; hỗ trợ 4 suất điều trị bệnh tổng số tiền 7 triệu đồng; hỗ trợ khó khăn đột xuất 6,5 triệu đồng. Giải quyết việc làm 2.620 lao động, đạt 119,09% kế hoạch; xuất khẩu 30 lao động, đạt 115,38%; đào tạo nghề 2.526 lao động, đạt 114,81% (kể cả dạy nghề tư nhân); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 44,98%. Từ nhiều chương trình, dự án triển khai đã giúp 783 hộ thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,13%, giảm 2,77% so với năm 2018.

Ông Trần Thanh Đăng - Phó trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Mỹ Tú cho biết: “Phong trào “TDĐKXDĐSVH” triển khai hiệu quả, có vai trò quan trọng trong việc hình thành nếp sống mới trong cộng đồng dân cư, làm lành mạnh môi trường xã hội, môi trường văn hóa giáo dục, quan hệ ứng xử trong từng gia đình và cộng đồng. Việc xây dựng và giữ vững các danh hiệu văn hóa đã trở thành mục tiêu, động lực phấn đấu của các địa phương. Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện có 23.684 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt 99,95% kế hoạch; có 81/83 ấp đạt chuẩn văn hóa, đạt 97,95% kế hoạch; 3 xã đăng ký thực hiện danh hiệu xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới. Năm 2020, có 24.714/26.259 hộ đăng ký đạt chuẩn văn hóa”

Theo CHI BẢO (Báo Sóc Trăng)