Tươi sáng "bức tranh" nông thôn mới

25/02/2020 - 08:45

Đến nay, huyện Cai Lậy có 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), chiếm 66,7% số xã trên địa bàn huyện, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cai Lậy nhiệm kỳ 2015 - 2020. Hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện có nhiều khởi sắc, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

A A

Cuối năm 2019, xã Tân Phong đã ghi tên vào danh sách các xã đạt chuẩn NTM của huyện Cai Lậy. Đó là kết quả đáng tự hào nhờ vào sự đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã.

Hệ thống giao thông trên địa bàn xã Tân Phong được đầu tư nâng cấp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.

ĐỔI THAY TỪ NTM

Về xã Tân Phong hôm nay, chúng tôi dễ dàng cảm nhận sự đổi thay của vùng quê “cách trở đò giang” khi hạ tầng nông thôn được đầu tư hoàn thiện. Những tuyến đường nhựa, đường dal, cầu bê tông kiên cố nối liền các ấp. Đời sống người dân khởi sắc từ chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hơn 80% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn xã đã được cải tạo thành vườn chuyên canh và xen canh sầu riêng, chôm chôm, mít Thái…

Đến cuối năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 50 triệu đồng/năm, hộ nghèo được kéo giảm còn 2,69%. 5 năm qua, xã Tân Phong huy động trên 167 tỷ đồng thực hiện các công trình xây dựng NTM, trong đó nhân dân hiến đất, vật kiến trúc, cây cối, hoa màu… trị giá trên 73 tỷ đồng.

Phấn khởi trước những đổi thay của quê hương, ông Nguyễn Văn Yên (ấp Tân Thiện) bộc bạch: “Người dân chính là người thụ hưởng thành quả xây dựng NTM nên ai nấy rất đồng tình, ủng hộ. Xã đầu tư tuyến đường mới, người dân tự nguyện hiến đất, góp công, góp sức chỉnh trang, trồng cây xanh, hoa kiểng cho đường thêm đẹp…”.

Giai đoạn 2010 - 2019, tổng nguồn vốn đầu tư cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện Cai Lậy trên 3.000 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp hơn 1.700 tỷ đồng. Đó là minh chứng cho thành công từ những chủ trương, chính sách hợp lòng dân. Nhiều công trình in đậm dấu ấn của công tác dân vận khi người dân sẵn sàng góp công sức, tiền của mở rộng, nâng cấp.

Cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng phát huy dân chủ, lựa chọn các công trình bức thiết để ưu tiên đầu tư. Kết quả đến cuối năm 2019, huyện Cai Lậy có 10 xã đạt chuẩn NTM, số tiêu chí bình quân của các xã đạt 16,6 tiêu chí/xã. 

100% XÃ NTM VÀO NĂM 2021

Sau 10 năm thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở huyện Cai Lậy đã huy động sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị, sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, từ đó “bức tranh” nông thôn có thêm nhiều gam màu tươi sáng. Phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” được các cấp, các ngành quán triệt sâu sắc.

Ban Chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia huyện Cai Lậy đề ra lộ trình cụ thể cho từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2021, 100% xã trên địa bàn huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và xây dựng thành công huyện NTM năm 2022. Riêng năm 2020, huyện phấn đấu có thêm xã Hội Xuân và xã Phú Nhuận đạt chuẩn NTM, nâng số tiêu chí bình quân các xã đạt 17,87 tiêu chí/xã.

Để hoàn thành mục tiêu trên, huyện Cai Lậy tập trung nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng, chính quyền, chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của người dân, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ hoàn thành các tiêu chí để có giải pháp củng cố, nâng chất, hoàn thiện.

Đồng thời, huyện tiếp tục huy động nguồn lực phát triển hạ tầng nông thôn theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chú trọng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong nhân dân…

Với quyết tâm của hệ thống chính trị, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở huyện Cai Lậy sẽ có thêm những bước tiến nổi bật, tạo khí thế mới trong chặng đường tiếp theo.

Theo TRƯỜNG GIANG (Báo Ấp Bắc)