Bạc Liêu và khát vọng thành thủ phủ tôm từ nhà màng

08/01/2018 - 09:09

Ngày 6-1, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung đã có buổi trao đổi với báo chí, doanh nghiệp nhằm chia sẽ thông tin xoay quanh việc chuẩn bị khởi công “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tôm Bạc Liêu”.

A A

Bạc Liêu và khát vọng thành thủ phủ tôm từ nhà màng

Chủ tịch Bạc Liêu trả lời các phóng viên - Ảnh: Thanh Anh

Chủ tịch UBND tỉnh Dương Thành Trung cho biết Bạc Liêu là một tỉnh nghèo và chịu ảnh hưởng nặng từ việc xâm mặn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Trong hoàn cảnh đó, tỉnh ý thức được việc biến thách thức thành thời cơ và coi con tôm là một trong những hướng đi quan trọng giúp tỉnh thoát nghèo. Ông Trung đã thông tin khái quát về tiềm năng và lợi thế của ngành tôm Bạc Liêu; trong đó, trọng tâm là việc Bạc Liêu được Chính phủ quyết định cho thành lập “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” rộng hơn 400 ha, tại ấp Giồng Nhãn, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu.

Đến nay, tỉnh đã giao cho Tập đoàn Việt- Úc 315 ha và dự án sẽ bắt đầu đi vào hoạt động từ giữa tháng 1.2018. Sản lượng dự kiến đạt trung bình 120 - 300 tấn/ha/năm với mật độ thả 500 con giống/m2. Còn lại hơn 100 ha vùng lõi khu công nghệ cao, tỉnh đã chấp thuận cho 6 doanh nghiệp hàng đầu về ngành tôm vào đầu tư, trình diễn các mô hình mới về sản xuất tôm.

Ông Trung cho biết trước đây, Bạc Liêu cũng đã từng thành công rồi thất bại với phong trào nuôi tôm với những hệ lụy kinh tế, xã hội và môi trường to lớn. Rút kinh nghiệm từ thất bại trước đây, trong lần phát triển việc phát triển tôm lần này, tỉnh rất thận trọng từng bước, đặc biệt trong vấn đề áp dụng khoa học để bảo vệ môi trường. Nếu môi trường không được kiểm duyệt và đảm bảo thì con tôm không thể phát triển, thậm chí còn chịu dịch bệnh.

Ông Trung cho biết thêm hiện nay, ngoài 7 doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao siêu thâm canh cho hiệu quả kinh tế cao, các doanh nghiệp trên cũng đã chuyển giao kỹ thuật tiến bộ này cho hơn 100 hộ nông dân áp dụng.

Trước đó, trong hội thảo “Làm nông nghiệp công nghệ cao” do Lysaght Agrished tổ chức, ông Tạ Hoàng Nhiệm - Phó giám đốc Sở Nội vụ Bạc Liêu cũng tham gia mô hình trên. Ông Nhiệm cho biết mình tham gia là để thử xem mô hình công nghệ này có thực sự hiệu quả không để từ đó có cơ sở kêu gọi bà con tham gia. Quy mô nuôi tôm của ông Nhiệm chỉ là 2 ao, mỗi ao có diện tích chừng 4 x 17 mét nhưng ông cho biết kết quả khả quan hơn mong đợi. Nếu mỗi hộ nông dân nông dân chỉ cần nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao siêu thâm canh trên diện tích vài ba trăm mét vuông là có thể thoát nghèo.

Áp dụng mô hình nhà màng trong nuôi tôm sẽ giúp người nông dân tiến tới áp dụng thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào nông nghiệp. Ở trong nhà màng, mọi điều kiện môi trường đều gần như chủ động, ổn định, ít chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Theo ông Đặng Quốc Tuấn, đại diện của Tập đoàn Việt - Úc, với chu kỳ tăng trưởng 3 tháng của con tôm, bà con có thể nuôi 2-3 vụ tôm mỗi năm với tỷ lệ thành công cao. Một khi con tôm được nuôi trong quá trình chuẩn thì sẽ đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật ổn định và dễ dàng được các thị trường khó tính chấp nhận.

Trong hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm đầu tư cho trang trại phục vụ nông nghiệp công nghệ cao, ông Phùng Quốc Điền, đại diện của đơn vị chuyên về giải pháp chuồng trại cho nông nghiệp công nghệ cao Lysaght Agrished, cho biết: “Ngành nông nghiệp Việt Nam đang cần thay đổi nhanh để tìm kiếm lợi thế cạnh tranh mới, nên xu hướng và nhu cầu đầu tư sang lĩnh vực nông nghiệp của giới doanh nghiệp đang rất lớn. Tuy nhiên, do còn khá mới mẻ nên các doanh nghiệp nông nghiệp còn khá nhiều bỡ ngỡ và sai lầm trong cách thức đầu tư trang trại, phổ biến nhất là chọn giải pháp và vật liệu không trên cơ sở khoa học nông nghiệp và tính toán hợp lý. Hệ quả tất yếu là rủi ro, thất thoát lớn và hiệu suất đầu tư thấp”.

Bạc Liêu và khát vọng thành thủ phủ tôm từ nhà màng

Bên trong nhà màng nuôi tôm theo chuẩn công nghệ cao - Ảnh: Thanh Anh

Với kinh nghiệm trong việc xây dựng trang trại phục vụ nông nghiệp quy mô lớn trên nhiều tỉnh thành Việt Nam, ông Điền cho biết nếu chọn vật liệu chuẩn thì tuổi thọ công trình phục vụ nuôi tôm có thể lên tới hơn 10 năm. Nhưng nếu chọn vật liệu không chuẩn thì sẽ khó chống chọi được môi trường khắc nghiệt (vật liệu dễ bị oxy hóa) ở các vùng nuôi tôm, thì chỉ được 2-3 năm là công trình xuống cấp, khó phục vụ được việc nuôi tôm hiệu quả. Nhưng cái khó để áp dụng mô hình theo chuẩn là nguồn vốn ban đầu rất lớn.

Theo tính toán của ông Điền thì trong mô hình nhà màng nuôi tôm siêu thâm canh chi phí mỗi mét vuông diện tích nuôi tôm tốn khoảng 500.000 đồng. Nếu diện tích rộng cỡ hàng hecta thì nguồn vốn đầu tư sẽ còn lớn hơn nhiều nên chỉ có các tập đoàn lớn mới theo nổi, ví dụ khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao 315 ha của Tập đoàn Việt - Úc có tổng vốn đầu tư lên đến 1.000 tỉ đồng. Còn với các hộ nông dân thì để đầu tư cho vài trăm mét vuông thì cũng cần bỏ vốn vài trăm triệu. Con số đó quá lớn với các hộ nghèo và rất cần sự hỗ trợ của chính quyền và ngân hàng.

Đem câu hỏi này chất vấn với Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu thì ông Trung nói rằng đây cũng là vấn đề khiến tỉnh trăn trở. Tỉnh chỉ có thể hỗ trợ người dân trong thông tin, chính sách... còn cung cấp vốn thì cần sự vào cuộc của ngân hàng. Tuy nhiên, các ngân hàng lúc này chưa thực sự mặn mà trong việc triển khai vốn cho người dân nuôi tôm. Do vậy, giấc mơ làm giàu với con tôm của người nông dân Bạc Liêu chưa dễ trở thành hiện thực. Có lẽ phải chờ đến khi mô hình nuôi tôm công nghệ cao do các đơn vị kinh tế lớn khẳng định sự hiệu quả rộng rãi thì phía các ngân hàng mới thay đổi thái độ?

Theo THANH ANH (Một Thế Giới)